Rời quê nhà, Tỉnh không mang theo gì ngoài cuốn học bạ, tập và xấp giấy khen lên Bình Dương làm công nhân chờ cơ hội vào đại học -Ảnh: NVCC
Một ngày cuối tháng 8 mưa lất phất, không khí se lạnh của vùng Bảy Núi chúng tôi tìm được nhà của Nguyễn Văn Tỉnh - 18 tuổi, ngụ ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang - nhờ một "hướng dẫn viên" là ông Huỳnh Hữu Thới, 65 tuổi, hàng xóm của gia đình Tỉnh.
Tuổi thơ đầy sóng gió
Bên căn nhà mái tôn sập xệ, tối om là vợ chồng bà Nguyễn Thị Gái (54 tuổi, mẹ của Tỉnh) đang lỉnh khỉnh đồ đạc từ trên núi mới về.
Kể về gia cảnh của Tỉnh, ông Thới không khỏi chạnh lòng, vì mới đây thôi cả gia đình Tỉnh ở tận trên triền núi Cấm. Hàng ngày, 3 anh em Tỉnh phải cuốc bộ 5km "hạ sơn" tìm con chữ.
"Ngày nào học 2 buổi anh em Tỉnh ở lại trường, có tiền thì ăn mì gói, không có thì uống nước trừ cơm. Thấy thương lắm!", ông Thới nhớ lại.
Xót lòng, ông Thới cùng bà con chòm xóm lên tận nhà tìm hiểu. Ai cũng ngỡ ngàng, cả 5 người trong gia đình Tỉnh phải sống trong căn chòi lá nằm ẩn sâu giữa cánh rừng già.
"Không đèn điện, chỉ đốt đèn dầu, mọi người vận động gia đình bà Gái xuống núi cho tiện bề chăm con cái ăn học. Không đất đai, không tiền bạc nên khi xuống núi gia đình Tỉnh phải ở nhờ trong chuồng bò bỏ hoang. Về sau, bà con mới đi vận động mua thiếu cho miếng đất cất nhà tôn ở đến tận bây giờ", ông Thới kể.
Khó khăn nhưng 3 anh em Tỉnh không chút quản ngại, hàng ngày đạp xe hàng chục cây số từ An Hảo vào thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn để được thầy cô dạy bảo.
Bà Gái thổ lộ: "Hai vợ chồng tôi sống bằng nghề leo núi, hái rau rừng, rọc lá chuối và làm cỏ thuê kiếm sống chục năm nay. Mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 80.000 đồng trang trải hết mọi thứ cho gia đình".
Cha mẹ bệnh tật, con suýt bỏ học vì nghèo
Hiện nay, vợ chồng bà Gái mắc đủ thứ bệnh nên sức lao động suy giảm rất nhiều. Riêng bản thân bà Gái cũng mắc căn bệnh quái lạ, cứ khi trái gió trở trời là mình mẩy ửng đỏ, ngứa toàn thân.
Tiền kiếm không đủ sống, bà đành bấm bụng cho qua chứ không dám đến bệnh viện để khám. Do đó, người dân xóm giềng luôn thấy bà Gái trong bộ dạng trùm kín mít từ trên xuống dưới.
Bà Gái tâm sự: "Làm rẫy giờ cũng thất bát nên người ta ít thuê mình mần. Giờ chỉ còn mỗi nghề hái rau, chỉ sống được vào mùa mưa, còn mùa nắng thì ai thuê gì làm nấy. Có tiền thì mua đồ ăn, còn không có thì cả nhà có gì ăn nấy, ăn mắm ăn muối gì cũng được, miễn sống qua ngày. Tiền học của mấy đứa trước đây nhờ có tiền hỗ trợ hộ cận nghèo, giờ bị cắt rồi không còn nữa thì tụi tôi ráng bươn chải lo cho tụi nó thôi".
Nhà không có ruộng đất, cha mẹ Tỉnh hàng ngày leo núi hái rau, làm thuê đủ thứ mong kiếm ra tiền cho các con ăn học trưởng thành - Ảnh: CHÍ HẠNH
Nói về mình, Tỉnh cho biết kể từ kỳ nghỉ hè năm học lớp 9 cho đến tận lớp 12 em đã dành hầu hết thời gian rảnh để đi phụ hồ, bẻ bắp, hái ớt thuê cho người dân trong vùng.
"Việc gì có tiền, việc gì chân chính em đều làm. Còn không có việc thì theo cha mẹ lên núi hái rau kiếm cái ăn cho cả nhà. Nghèo đeo bám cha mẹ hoài em cũng đâm ra nản chí, năm lớp 10 và 11 việc học hành đi xuống rất nhiều.
Có thời điểm, em còn bỏ học cả tháng trời, các thầy cô mới gọi lên động viên em rất nhiều. Thầy cô nói, thời sinh viên là đẹp nhất của con người, không bước vào được giảng đường coi như cả đời đi mần thuê, mần mướn. Từ đó, em mới thôi ý định bỏ học giữa chừng", Tỉnh tâm sự.
Tính làm công nhân, chờ năm sau thi lại
Kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Tỉnh xin cha mẹ ít tiền rồi vác ba lô, đem theo học bạ, vài cuốn tập và xấp giấy khen trong suốt quá trình học tập từ nhỏ đến giờ lên Bình Dương xin làm công nhân xí nghiệp.
Mỗi ca Tỉnh phải làm việc suốt từ 7h sáng đến 19h tối. Tỉnh kể chỗ làm việc tuy không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi người làm phải đứng suốt cả ngày khiến hai chân bị dồn máu sưng to. Mệt đến nỗi, chỉ mong làm rơi một món đồ xuống đất để có thể rảnh tay và ngồi xuống đất vài giây.
Vì đơn hàng của công ty quá nhiều, ông chủ đòi hỏi công nhân phải làm hết công suất. Đến cả giờ ăn cơm trưa, Tỉnh cũng phải tranh thủ chạy thật nhanh để không phải xếp hàng và được ngủ trưa lâu thêm ít phút.
Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc một mình Tỉnh lủi thủi trên chiếc xe cúp cũ kỹ quay về phòng trọ trong đêm mưa gió, lạnh lẽo. "Lúc đó, thực sự em thấy rất tủi thân vì các bạn bè đang tất bật đến trường nhập học, còn mình thì không", Tỉnh buồn bã nói.
"Cầm trên tay tờ giấy báo trúng tuyển vào ngành CNTT, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM em xúc động lắm. Nhưng cũng lo lắng lắm. Sau gần 2 tháng làm việc, em tiết kiệm được hơn 6 triệu đồng. Một phần gửi về nhà lo thuốc men cho cha mẹ, một phần để dành thuê trọ. Nhiều lúc, em tính bỏ học năm đầu để ở lại Bình Dương làm công nhân, đến năm sau thi tiếp", Tỉnh cho biết thêm.
Theo Tỉnh, nếu được đến trường, học tới nơi tớn chốn việc đầu tiên em làm là sẽ dành khoản tiền lương đầu tiên kiếm được gửi về cho phụ mẫu. "Vì cha mẹ đã mất cả đời đi làm thuê, làm mướn và vất vả kiếm tiền nuôi 3 anh em em rồi", Tỉnh mơ ước.
Theo UBND xã An Hảo, gia đình em Tỉnh là hộ nghèo, hộ cận nghèo trong mấy năm gần đây. Tuy nhiên, cả 3 anh em Tỉnh đều là những người rất cần cù và ham học. Đứa em út của Tỉnh năm nay lên lớp 11, cậu luôn là người học tập có thành tích giỏi nhất nhà. Riêng Tỉnh, được xem là người chịu khó nhất cả việc học lẫn sự chịu khó lao động.
Ông Lý Văn Bé - hội trưởng Hội khuyến học xã An Hảo, huyện Tịnh Biên - cho biết hoàn cảnh em Tỉnh rất khó khăn mà bản thân Tỉnh rất hiếu học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận