Sau hơn hai tháng thông xe, tuyến đường vành đai phía tây Đà Nẵng đã đón khá nhiều xe cộ qua lại.
Tuy nhiên khi đến đoạn quả đồi nham nhở bùn đất ở xã Hòa Phú, một số xe phải hãm tốc độ, vừa đi vừa quan sát.
Bùn đất tràn xuống đường vành đai ngàn tỉ ở Đà Nẵng, xử lý sao?
Anh Nguyễn Ngọc Quang (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) lái xe dịch vụ hay chở khách qua đây, cho biết mấy hôm rồi trời mưa dữ, nhất là buổi chiều nên bùn đất hay đổ xuống.
"Vừa đi phải vừa ngó lên trên mà liệu" - anh Quang cho hay.
Ghi nhận tại khu vực trên, sau những đợt mưa lớn, bùn đất lại từ trên đồi tràn xuống. Đơn vị liên quan đã làm rọ đá ở một số chỗ. Tuy nhiên, quan sát từ phía dưới lên hoặc từ trên cao xuống có thể thấy trên đồi có nhiều chỗ đất đã nứt toác, nước đang rỉ ra, chực chờ đổ xuống bất cứ lúc nào...
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết trước đã có tính toán và phía lề phải đã được gia cố bê tông để thuận lợi xử lý bùn đất khi mưa lớn. Hiện nhà thầu đang làm rọ đá để chặn giữ, đồng thời có người túc trực.
Trường hợp nếu mưa lớn quá, sạt trượt nhánh bên phải sẽ tạm thời đóng lại để dọn hốt.
Về lâu dài, thành phố đã giao đơn vị liên quan nghiên cứu phương án khai thác khoáng sản đồi này.
Ngày 13-5, tuyến đường vành đai phía tây Đà Nẵng chính thức thông xe. Tuyến đường có chiều dài gần 19,2km, điểm đầu giao với quốc lộ 14B, điểm cuối nối tiếp vào trục đường chính Khu công nghệ thông tin tập trung.
Nối với đường vành đai phía nam, tuyến đường vành đai phía tây không những kết nối các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 14B, đường Hồ Chí Minh, mà còn cắt hệ thống đường trục ngang của thành phố như đường Hoàng Văn Thái, ĐT602, đường Nguyễn Tất Thành.
Cùng với khu vực cảng Liên Chiểu, tuyến đường mở ra những động lực phát triển khu vực phía tây Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận