Người dân sinh sống tại điểm đầu tuyến vành đai 3 (Bến Lức, Long An) mong chờ dự án sớm khởi công xây dựng - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng việc hình thành các tuyến đường này không chỉ mở rộng không gian phát triển, giảm áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm mà sẽ tạo sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
"Không có lý do gì mà phải trì hoãn và chắc là các đại biểu Quốc hội cũng sẽ đồng tình cao trong việc đầu tư xây dựng hai tuyến đường này", ông Cường nói.
Khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường
Chia sẻ thêm tầm quan trọng của hai tuyến đường, ông Hoàng Văn Cường nhận định đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 thủ đô Hà Nội là "cao tốc của vành đai". Do vậy, khi hai tuyến đường này hoàn thành chắc chắn sẽ hình thành nên các trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối lân cận quanh tuyến đường. Đây chính là nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng này.
Nút giao quốc lộ 1 với đường vành đai 3 (cao tốc Bến Lức Long – Thành Thành) tạo tuận lơi cho dòng xe vận chuyển hàng hoá ở khu vực huyện Bình Chánh, TP.HCM không vào khu vực nội đô - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Cường đề nghị Chính phủ đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường của các tuyến đường vành đai. Từ đó hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa... và tổ chức đấu thầu các dự án.
"Trong vòng vài tháng qua đất đai ở khu vực làm hai tuyến đường này đã sôi động lên và giá tăng rất nhiều lần. Đây là một nguồn lực rất lớn, nếu không có biện pháp khai thác, nguồn lực này sẽ bị lãng phí. Chúng ta sẽ khai thác nguồn lực, tránh để nó phát triển tự phát sẽ tạo ra tình trạng bất cập của những khu đô thị tự phát", ông Cường kiến nghị.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Long An) cho rằng việc đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM không chỉ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước. Dự án này sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh thành trong vùng, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia.
Ông Hải đề nghị quan tâm bố trí đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện và Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhất quán cho các địa phương trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng theo tiến độ.
"Đường vành đai 3 hoàn thành sẽ góp phần giảm thiểu quá tải về hạ tầng giao thông các khu vực cửa ngõ và nội ô TP.HCM, tăng cường kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế của các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng và góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế", ông Hải nhấn mạnh.
Tuyến vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đang xây dựng dở dang tại nút giao quốc lộ 50 (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Cần thống nhất việc xác định giá đền bù
Các đại biểu cũng góp thêm ý tưởng để triển khai đúng tiến độ xây dựng hai tuyến đường. Đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) cho rằng việc xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư của địa phương nào do địa phương đó thực hiện sẽ có nguy cơ gây ra tình trạng so bì giá đền bù, khiếu kiện, đặc biệt đối với các khu vực giáp ranh giữa các địa phương. Ông đề nghị Chính phủ cần lưu ý vấn đề này và cụ thể hóa trách nhiệm đầu mối của Hà Nội và TP.HCM để việc giải phóng mặt bằng được thông suốt, hiệu quả.
KM số 0 tại khu vực Mỹ Yên, huyện Bến Lức (Long An) bắt đầu một vòng tròn khép kín tuyến đường vành đai 3 đã sẵn sàng - Ảnh: TỰ TRUNG
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng cần thống nhất nguyên tắc cơ bản về xác định giá đền bù ở các địa phương để bảo đảm tính thống nhất, vì hiện nay đã có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương trong việc đền bù. Cũng theo ông Thành, việc xác định hoàn thành dự án vào năm 2025 là khó, vì hiện nay đang trong quá trình xem xét tiền khả thi và cần ít nhất một năm rưỡi mới xong các thủ tục và các bước chuẩn bị, nhất là quá trình thu hồi đất, tái định cư để có mặt bằng cho thi công.
"Theo tôi, ít nhất phải xác định khả quan nhất vào năm 2026 với một tiến độ cực kỳ khẩn trương và bảo đảm đúng tiến độ mới có thể hoàn thành", ông Thành nêu ý kiến.
Ủy quyền chỉ định thầu cho địa phương?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt vấn đề dự thảo nghị quyết cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định việc chỉ định thầu vì Thủ tướng bận trăm công nghìn việc và có rất nhiều việc quan trọng hơn.
Ông kiến nghị cho phép Thủ tướng ủy quyền cho chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan xem xét, quyết định việc chỉ định thầu khi làm dự án. Trong thời gian làm dự án, nếu có phát sinh công việc chỉ định thầu cần xin ý kiến, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố báo cáo Thủ tướng và Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng cơ chế.
Người dân sinh sông tại KM số 0 xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức (Long An) sẵn sàng đón nhận con đường mới nhằm tạo thuận lợi phát triển kinh tế - Ảnh: TỰ TRUNG
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) lại cho rằng tuyến đường liên kết giữa các tỉnh với nhau nên phải giao cho Thủ tướng cầm trịch. Nếu ủy quyền cho lãnh đạo các tỉnh "sẽ bị xôi đỗ và không đồng nhất".
Trao đổi lại, ông Nghĩa giải thích: "Ủy quyền có nghĩa là quyền này vẫn nằm ở chỗ Thủ tướng và Thủ tướng có thể ủy quyền theo nhu cầu cụ thể. Cơ chế ủy quyền này thực hiện theo cách nếu có vấn đề gì phát sinh và chủ tịch UBND các tỉnh thành phải có chế độ báo cáo về việc thực hiện ủy quyền này như thế nào và cần thì xin ý kiến".
Làm thật tốt, thật kỹ tránh sai phạm
Cùng ngày 10-6, Quốc hội cũng thảo luận về chủ trương đầu tư giai đoạn 1 các tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu. Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nêu rõ sự cần thiết và lợi ích của các dự án này. Tuy nhiên, ông cho rằng phải chú ý đến phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để tạo liên kết vùng và phát huy vai trò dẫn dắt của các đô thị lớn, khu công nghiệp trọng điểm.
Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng có những địa phương điều kiện còn khó khăn, không đảm bảo được nguồn kinh phí nên cần có tính toán, phân tích kỹ để chia sẻ và cần có sẵn phương án ứng phó khi địa phương không thể đối ứng được nguồn vốn. Ông Hạ dẫn chứng Sóc Trăng và Hậu Giang là những tỉnh rất nghèo "thu 4.000 tỉ đồng/năm nhưng mỗi một năm dự kiến cân đối để bỏ ra có được 300 tỉ đồng để đối ứng dự án này thì liệu có đảm bảo hay không?".
Về chỉ định thầu, ông Hạ nhắc lại vừa qua do dịch bệnh, cơ chế chỉ định thầu đã cho thấy một hệ lụy rất lớn. Ông đề nghị trong quá trình triển khai phải làm thật tốt, thật kỹ để tránh chuyện sau này lại tiếp tục phải xử lý hậu quả, xử lý cán bộ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
Chủ động từ sớm, từ xa để hạn chế khiếu nại, khiếu kiện
Chủ trương đầu tư hai dự án quan trọng này đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri toàn vùng và cả nước. Đây là những tuyến đường có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa phù hợp quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị, giảm ách tắc giao thông nội ô và các tuyến đường hiện hữu, kết nối với nhiều hạ tầng giao thông khác như cảng hàng không, cảng biển trong cả nước.
Về phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần chủ động từ sớm, từ xa để khi vào thi công hạn chế đến mức thấp nhất sự khiếu nại, đền bù, dân không chịu di dời ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. Thực tế đã có không ít dự án bị tắc nghẽn do giải phóng mặt bằng không được sự đồng thuận của dân. Đây là hai dự án liên vùng đi qua nhiều tỉnh mà mỗi tỉnh, thành phố có chính sách đền bù, tái định cư khác nhau.
Chính phủ giao cho TP.HCM và Hà Nội làm đầu mối tổ chức thực hiện nhưng cũng làm rõ vai trò đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn để khi thực hiện được thuận lợi. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù, nhất là địa phương có đất liền kề nhau mà địa giới hành chính lại khác nhau.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau):
Đầu tư công không có nghĩa là đầu tư miễn phí
Tôi rất ủng hộ việc cần phải xây dựng các dự án đô thị, các khu công nghiệp ở tuyến kết nối dự án đường vành đai 3 và vành đai 4 ở hai thành phố. Đã đến lúc chúng ta phải nhận thức về hiệu quả của đầu tư công không chỉ là về giao thông mà đằng sau đó là địa tô chênh lệch do Nhà nước tạo ra từ hoạt động đầu tư công. Lâu nay chúng ta không đánh giá vấn đề này cho nên mất đi một nguồn lực quan trọng, đó là thu được chênh lệch địa tô từ tác động kinh tế của dự án.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần phải song hành với việc triển khai dự án là xây dựng các dự án liên kết khai thác quỹ đất ở hành lang của các dự án giao thông này, đặc biệt là khu đô thị, khu công nghiệp và cả những khu vực đất cho thuê để khai thác giá trị địa tô, thu về cho ngân sách bù đắp cho chi phí làm đường.
Đầu tư công không có nghĩa là đầu tư miễn phí mà cần phải khai thác để thu về địa tô chênh lệch cho Nhà nước.
Đại biểu Lê Hoài Trung (Thừa Thiên Huế):
Lập nhóm đặc trách giải quyết, hỗ trợ giải quyết các vấn đề
Qua kinh nghiệm quốc tế, ngay ở các nước phát triển khi xây dựng các công trình, các cơ sở hạ tầng đều nảy sinh các vấn đề về hiệu quả, về vấn đề vi phạm và xảy ra những vấn đề này, vấn đề kia chứ không phải chỉ có ở nước ta.
Do vậy về mặt chuyên môn, chúng ta nên có một cơ chế, ví dụ thành lập những nhóm đặc trách để giải quyết, hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý, hành chính và kỹ thuật ở các địa phương và các nơi khi có vấn đề. Đây là kinh nghiệm một số nước họ cũng dùng như thế.
Mặt khác, cần quan tâm thích đáng đến lợi ích của các nhà đầu tư, khi họ gặp khó khăn cũng nên hỗ trợ và đảm bảo lợi ích thích đáng của họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận