Đây được coi là kỷ lục về giải phóng mặt bằng và chuẩn bị thủ tục cho dự án quan trọng của quốc gia.
Các tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã chuẩn bị gì để khởi công?
Kết quả trước mắt rất phấn khởi
Ngày 12-6, chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Mã Văn Quảng, nhà ở đường Nguyễn Văn Bứa (ấp 5, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM), nói đang dọn nhà để chuẩn bị giao mặt bằng cho dự án. Nhà ông nằm ở mặt tiền, phải giải tỏa khoảng 276m2. Gia đình ông được đền bù hỗ trợ hơn 7 tỉ đồng.
"Suốt 13 năm dự án nằm trong quy hoạch, tôi rất lo lắng về mức đền bù có tốt không, có đảm bảo cuộc sống mới không.
Và đến nay tôi thở phào nhẹ nhõm vì mức đền bù, hỗ trợ rất hài lòng. Tôi sẽ sử dụng số tiền này để xây nhà.
Chúng tôi mong dự án được triển khai thi công nhanh để sớm thấy con đường đi qua.
Bà con mình hay nói đầu xuôi đuôi lọt, mong sự khởi đầu đã xuôi như vậy thì đuôi sẽ thông suốt. Con đường này hình thành sẽ giúp TP.HCM phát triển nhanh hơn nữa", ông Quảng nói.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, dự án đường vành đai 3 đoạn qua TP.HCM có tổng diện tích bồi thường 410ha với 1.689 trường hợp bị ảnh hưởng. Đến nay bốn địa phương đã bàn giao mặt bằng hơn 344,7/410ha, đạt 84% (Chính phủ yêu cầu tới 15-6 bàn giao tối thiểu 70%).
Ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư), nói tất cả đã sẵn sàng để khởi công dự án vào ngày 18-6, biến giấc mơ đường vành đai 3 TP.HCM trở thành hiện thực. Ông nói chưa bao giờ thấy một dự án ở TP.HCM với quy mô cấp quốc gia chuyển động nhanh như vậy.
Về tiến độ giải phóng mặt bằng, ông Phúc nói các địa phương đều vượt tiến độ đề ra. Hiện nay tỉ lệ bàn giao mặt bằng cho dự án đang tăng từng ngày, chắc chắn đến 15-6 diện tích bàn giao sẽ nhiều hơn. Đặc biệt, huyện Hóc Môn là địa phương bàn giao mặt bằng nhiều nhất, dự kiến sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng sớm hơn sáu tháng.
Ông Phúc cho hay có nhiều yếu tố để dự án đường vành đai 3 TP.HCM đạt được kết quả phấn khởi như hôm nay.
Đó là sự ủng hộ của người dân, các bộ ngành, cấp trung ương cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị TP.HCM, sử dụng mọi giải pháp linh hoạt, tiến hành nhiều công việc song song để đẩy nhanh tiến độ.
Ngoài ra cũng nhờ vào các chính sách đền bù hỗ trợ tái định cư cho dự án rất tốt, tiệm cận với giá thị trường. Xuyên suốt từ khi bắt đầu triển khai dự án, TP.HCM xác định giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 TP.HCM sẽ là mô hình kiểu mẫu, bà con bị ảnh hưởng dự án sẽ có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn.
Theo ông Phúc, ban quản lý đang đề xuất vận động nhà thầu xây lắp cùng địa phương tri ân và hỗ trợ thêm cho bà con ở khu vực tái định cư.
Chẳng hạn như các đơn vị sẽ khảo sát tăng cường thêm cho bốn khu tái định cư đường vành đai 3 như làm phòng đọc sách, khu vui chơi trẻ em hoặc thêm cây xanh công viên. Đồng thời tặng quà, trao học bổng cho các em học sinh, sinh viên vượt khó ở các khu tái định cư.
Sau khởi công là thách thức
Ông Lương Minh Phúc nói TP.HCM đã vượt qua chặng đường để đến được mốc khởi công dự án. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu hoàn thành thông xe tuyến chính cao tốc vào năm 2025 như mục tiêu đề ra, phía trước còn nhiều thách thức cần phải vượt qua.
Các thách thức, theo ông Phúc, đầu tiên là phải tổ chức, đôn đốc nhà thầu, tư vấn triển khai thi công trên 47km đoạn qua TP.HCM đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án. Tiếp đó, yếu tố vật liệu cũng cần phải được đảm bảo.
TP.HCM đã có phương án, kế hoạch nhưng vẫn phải tập trung xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thi công.
Với vai trò điều phối, TP.HCM phối hợp với Đồng Nai, Long An, Bình Dương trong quá trình thi công để đảm bảo đồng bộ toàn tuyến.
Và thách thức cuối cùng là tiếp tục triển khai phần mặt bằng, từ đây đến cuối năm phải hoàn thành 100% mặt bằng.
Theo ông Phúc, đường vành đai 3 TP.HCM không chỉ là con đường mà còn là giấc mơ, khát vọng về sự phát triển của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
"Với những kinh nghiệm đã triển khai thời gian qua cùng với sự hỗ trợ của người dân, các cấp bộ ngành, trung ương, tôi có niềm tin dự án sẽ thi công đảm bảo tiến độ. Con đường huyết mạch nối hai miền Đông - Tây Nam Bộ, mạch lưu thông Bắc - Nam và những cơ hội làm tiền đề để TP.HCM cũng như cả vùng kinh tế phía Nam đóng góp được nhiều hơn cho cả nước sẽ trở thành hiện thực vào năm 2025", ông Phúc nói.
Là chuyên gia trong Hội đồng cố vấn dự án đường vành đai 3 TP.HCM, ông Hà Ngọc Trường, phó chủ tịch Hội Cầu đường TP.HCM, nói việc chuẩn bị 84% mặt bằng để khởi công dự án là kết quả rất khả quan trong hành trình hoàn thành ước mơ hoàn thiện đường vành đai 3.
Như vậy, có thể nói "cửa ải" khó khăn đầu tiên TP.HCM đã vượt qua. Xưa nay đối với các dự án giao thông, vướng mắc lớn nhất khi triển khai là vấn đề mặt bằng.
"Trên tinh thần này, các địa phương cần tiếp tục phấn đấu bàn giao 100% trong thời gian sắp tới, đặc biệt là ở các địa bàn TP Thủ Đức nơi có đông người dân. Cùng với TP.HCM, các mũi thi công ở các dự án thành phần tại Đồng Nai, Long An, Bình Dương cũng cần sớm triển khai đồng loạt để nối liền mạch tuyến đường vành đai 3 TP.HCM theo kế hoạch", ông Trường nói.
* Bình Dương: chủ động phối hợp
Ông Nguyễn Thanh Thuận, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, thông tin đến nay Bình Dương đã có sẵn mặt bằng để khởi công hai công trình thuộc đường vành đai 3.
Các đoạn của đường vành đai 3 TP.HCM qua Bình Dương, các địa phương có dự án đi qua là TP Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An đang tích cực để chi tiền bồi thường, hỗ trợ và nhận bàn giao mặt bằng từ người dân.
Số tiền bồi thường khoảng 13.000 tỉ đồng, với khoảng 1.500 trường hợp bị ảnh hưởng.
Còn theo ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tinh thần của tỉnh Bình Dương là chủ động đẩy nhanh các công trình kết nối vùng, không chỉ đường vành đai 3 TP.HCM mà còn có các dự án khác.
UBND các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã thỏa thuận sẽ thường xuyên gặp gỡ định kỳ để hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên thúc đẩy các dự án kết nối vùng.
BÁ SƠN
* Long An: đã sẵn sàng cho ngày khởi công
Ngày 12-6, ông Trần Thiện Trúc, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, cho biết tỉnh này đang đẩy nhanh các thủ tục ký kết hợp đồng các gói thầu thi công, hoàn thành vượt các mức chỉ tiêu và sẵn sàng khởi công theo đúng kế hoạch mà Chính phủ giao đối với dự án đường vành đai 3 TP.HCM.
Tại Long An, dự án đường vành đai 3 TP.HCM đi qua địa phận huyện Bến Lức dài 6,84km. Ông Lê Thành Út, quyền chủ tịch UBND huyện Bến Lức, cho biết đã có 380/395 hộ được chi trả tiền bồi thường, đạt mức 96,2%. Số tiền chi trả là 806/835 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 96,5%. Tổng diện tích đã thu hồi 41,4/43ha, đạt 96,2%, vượt xa mức tiến độ được yêu cầu ban đầu.
UBND các xã có đường vành đai 3 TP.HCM đi qua cũng đã tiến hành xét chính sách tái định cư sơ bộ cho 127 trường hợp có nhà ở, đất ở bị ảnh hưởng.
SƠN LÂM
* Đồng Nai: các khu tái định cư đã hoàn thành
Liên quan dự án đường vành đai 3 TP.HCM, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho hay có hai dự án thành phần qua địa bàn Đồng Nai với tổng diện tích đất thu hồi 115ha và có trên 1.340 hộ bị ảnh hưởng.
Ở dự án này, tỉnh đã chỉ đạo tái định cư 358 hộ. Đến nay, tỉnh đã bàn giao được hơn 1,3km theo chiều dài tuyến thuộc đoạn 1A cho Ban quản lý dự án Mỹ Thuận.
Để tái định cư cho dân, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động xây dựng trước các khu tái định cư Phú Đông, Phước An, Phú Hội, Long Thọ. Đến nay, các khu tái định cư đã hoàn thành có thể tiến hành bố trí cho người dân.
Ông Võ Tấn Đức, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai luôn xác định đây là dự án liên kết vùng, do đó thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành trong việc thống nhất về quy mô, giải pháp kỹ thuật, phương án kết nối giao thông, các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, nguồn vật liệu xây dựng phục vụ công tác xây lắp và tiến độ triển khai đồng bộ.
"Đường vành đai 3 trên địa bàn có chậm một số thủ tục nhưng tỉnh quyết tâm để làm đồng bộ dự án, không để xảy ra ì ạch", ông Đức nói.
H.M.
Vành đai 3 TP.HCM là hình mẫu
Đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết dự án vành đai 3 TP.HCM là hình mẫu của cơ chế ban chỉ đạo, ban chỉ huy. Ban chỉ đạo là cơ quan đầu mối phối hợp với Tổ công tác Chính phủ và cùng với bộ ngành giải quyết các vấn đề chung cho toàn dự án, các vấn đề có tính chất liên tỉnh.
Còn dự án thành phần 1 (xây lắp) và dự án thành phần 2 (mặt bằng) có hai ban chỉ huy. Ban chỉ huy giúp ban chỉ đạo điều hành, điều phối các nguồn lực và đôn đốc sở ngành thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến dự án…
Bên cạnh đó, dự án còn có hội đồng cố vấn gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm để góp ý, đề xuất giải pháp tối ưu để triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả đầu tư.
Đến thời điểm này cho thấy cơ chế điều hành theo mô hình ban chỉ đạo, ban chỉ huy đã phát huy hiệu quả. Sau khi khởi công, ban chỉ đạo, ban chỉ huy, hội đồng cố vấn theo sát để kịp thời giải quyết vướng mắc ngoài thẩm quyền của chủ đầu tư, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận