21/08/2024 09:04 GMT+7

Đường vành đai 3 TP.HCM chạy đua với tiến độ

Cầu Nhơn Trạch, một phần quan trọng của đường vành đai 3 TP.HCM, đang bứt tốc về đích, dự kiến hoàn thành sớm hơn bốn tháng với nỗ lực vượt khó của nhà thầu.

Đường vành đai 3 TP.HCM chạy đua với tiến độ- Ảnh 1.

Cầu Nhơn Trạch (gói thầu CW1) thuộc dự án thành phần 1A dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường vành đai 3 TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Từ đó các gói thầu còn lại của đường vành đai 3 có thêm đòi hỏi đẩy nhanh tiến độ để kịp ráp nối. Cầu Nhơn Trạch nối TP.HCM và tỉnh Đồng Nai là một công trình được người dân hết sức mong chờ, bởi sẽ rút ngắn đáng kể thời gian qua lại giữa hai địa phương.

Công trình trên thuộc dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, được triển khai bằng vốn vay ODA từ Hàn Quốc và do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư.

Cầu Nhơn Trạch: Kinh nghiệm từ nhà thầu Hàn Quốc

Trở lại công trường xây dựng cầu Nhơn Trạch những ngày này, không khó để thấy những thay đổi rõ rệt. Những trụ cầu ngày nào mới làm móng giờ đã sừng sững vươn lên, chuẩn bị hợp long nhịp đầu tiên vào tháng 9-2024. Dưới cái nắng gay gắt, hàng chục công nhân và kỹ sư cùng nhiều máy móc vẫn hối hả làm việc, biến nơi đây thành một đại công trường nhộn nhịp giữa lòng sông.

Trong dự án này, gói thầu CW1 (cầu Nhơn Trạch) do nhà thầu Kumho E&C (Hàn Quốc) thực hiện, đến nay đã hoàn thành 80% khối lượng công việc. Gói thầu CW2 (đường dẫn hai đầu cầu) do liên danh nhà thầu Dongbu Corporation (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C (Việt Nam) triển khai, đã đạt 37% khối lượng.

Điều đặc biệt là dù gặp khó khăn về nguồn cung cấp cát, nhà thầu vẫn quyết tâm đưa dự án về đích sớm. Ông Lee Moo Sung, quản lý dự án gói thầu CW2 của Công ty Dongbu Corporation, cho hay thay vì chờ nguồn cát trong nước, nhà thầu đã quyết định nhập cát từ Campuchia dù chi phí cao hơn 50%.

"Việc có cát kịp thời sẽ giúp chúng tôi hoàn thành dự án sớm hơn. Khi rút ngắn tiến độ, chúng tôi có thể tiết kiệm được nhiều chi phí, bù đắp cho phần chênh lệch do mua cát giá cao", ông Lee chia sẻ và cho biết thêm hiện nhà thầu đang tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp", xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ để sớm đưa công trình vào khai thác.

Về phía chủ đầu tư, ông Lê Đình Hoàng Chương, phó ban quản lý dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch (Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận), cho biết dù đối mặt với rất nhiều khó khăn về mặt bằng, vật liệu nhưng chủ đầu tư, nhà thầu luôn làm việc trên tinh thần không để công trường chờ thủ tục, kịp thời giải quyết các vướng mắc, đảm bảo tiến độ dự án. Mục tiêu là hoàn thành công trình đúng dịp 30-4-2025, sớm hơn bốn tháng so với kế hoạch.

Thiếu cát, tiến độ đường vành đai 3 có đáng lo?

Dự án đường vành đai 3 dài 76km được các địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An khởi công từ tháng 6-2023. Dự án này đặt mục tiêu sẽ thông xe phần cao tốc cuối năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026. Việc hoàn thành sớm đường vành đai 3 không chỉ là minh chứng cho lời hứa với người dân về một dự án kiểu mẫu, mà còn là sự đóng góp vào nỗ lực chung của cả nước, quyết tâm đưa vào khai thác 3.000km cao tốc vào năm 2025.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, do thiếu cát nên một số gói thầu phía tây TP.HCM thuộc dự án này phải nằm chờ. Mặt bằng dọn dẹp nhiều lần nhưng chưa thể thi công, đường công vụ không có nên máy móc, thiết bị khó tiếp cận. Đơn cử như ở gói thầu XL9, XL10 đoạn qua huyện Bình Chánh, do thiếu cát nên khối lượng công việc trên công trường rất ít.

Nhiều đoạn đã dọn dẹp sẵn sàng mặt bằng nhưng đang nằm chờ cát. Trong khi đó, các gói thầu ở phía đông TP.HCM như XL1 đến XL5 đi trên cao bằng cầu cạn thì hiện các trụ cầu dần được dựng lên, tạo thành bộ khung của dự án có thể nhìn thấy rõ từ trên cao.

Thiếu cát có làm chậm tiến độ dự án? Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) - cho biết nhu cầu cát hiện nay tập trung ở gói thầu đường vành đai phía tây dự án đường vành đai 3 (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh).

Ban Giao thông yêu cầu nhà thầu làm liên tục những hạng mục thi công không bị ảnh hưởng bởi cát như mố trụ, đúc dầm, gác dầm, cầu vượt sông... để đảm bảo tiến độ. Hiện nay tình hình cát san lấp cho dự án đã và đang có những tín hiệu tích cực. Các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre đang triển khai "tiếp cát" cho TP.HCM làm đường vành đai 3.

Theo ông Phúc, nhiệm vụ đầu tiên và trọng tâm mà TP.HCM đề ra là phải đưa đến công trường dự án đường vành đai 3 TP.HCM 2 triệu m3 cát trong tháng 8-2024, đến nay đã được khoảng 700.000m3. Bên cạnh đó là tập trung phối hợp với ba địa phương trên để hoàn tất các thủ tục, đảm bảo nguồn 10 triệu m3 cát cung cấp ổn định trong thời gian tới.

"Như vậy có thể nói đến nay tiến độ cấp phép theo cam kết của ba địa phương với khối lượng trên là đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công của dự án đường vành đai 3. Ban Giao thông sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành trung ương, các sở ngành, đơn vị liên quan và các địa phương để đảm bảo hoàn thành dự án đường vành đai 3 đúng theo tiến độ vào cuối năm 2025 và thông xe vào năm 2026", ông Phúc khẳng định.

Đường vành đai 3 TP.HCM chạy đua với tiến độ- Ảnh 2.

Khu vực nút giao đường vành đai 3 TP.HCM và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: CHÂU TUẤN

Các tỉnh miền Tây: Sớm nhất tháng 9 có cát

Liên quan vấn đề hỗ trợ cát cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam, trong đó có đường vành đai 3 TP.HCM, ông Đoàn Văn Phương - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang - cho biết sau các buổi làm việc, tỉnh Tiền Giang đã thống nhất mở ba mỏ cát với tổng trữ lượng khoảng 16 triệu m3 gồm:

Vàm Cái Thia, Hòa Khánh 1 và Hòa Hưng 3 để phục vụ các dự án giao thông trọng điểm. Trong đó, dự án đường vành đai 3 TP.HCM sẽ nhận được 6 triệu m3, trước mắt trong năm 2024 sẽ nhận khoảng 3 triệu m3.

Ông Phương cho biết hiện các mỏ này đang trong giai đoạn đánh giá tác động môi trường. Sau khi hoàn tất các thủ tục, dự kiến trong tháng 9-2024 sẽ chính thức khai thác và cung cấp cát cho các dự án. Các mỏ cát trên đã bị dừng khai thác, thăm dò từ năm 2013.

Đến nay trước nhu cầu bức thiết về nguồn cát lấp, tỉnh Tiền Giang đã mở lại ba mỏ đầu tiên nhưng có nhiều điều kiện kèm theo, như mỏ phải mở cách bờ 200m, khai thác mỏ phải kết hợp chỉnh dòng chảy để tránh sạt lở, nguồn thu sẽ ưu tiên đầu tư cho các công trình chống sạt lở...

Với tỉnh Bến Tre, địa phương từng cam kết sẽ hỗ trợ 2 triệu m3 cát cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM cũng đang gấp rút triển khai các thủ tục để cung ứng nguồn cát. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết hiện sở đang hoàn tất thủ tục để chuẩn bị đấu giá ba mỏ cát với trữ lượng 4 triệu m3.

Theo dự kiến, các mỏ này được đưa ra đấu giá trong tháng 9-2024. Sau đó, các đơn vị hữu quan sẽ đánh giá tác động môi trường và cấp phép quyền khai thác mỏ cho đơn vị trúng thầu trong năm 2025.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, một nhà thầu thi công dự án đường vành đai 3 TP.HCM cho biết nếu có đủ cát, các đơn vị thi công cần khoảng 18 tháng để bơm lên công trình và gia tải, xử lý nền đất yếu.

Trong sáu tháng tiếp theo, nhà thầu hoàn thiện các công đoạn cuối để đưa dự án vào khai thác. Như vậy việc đẩy nhanh thủ tục khai thác và đưa cát về công trình là rất cấp bách, trong bối cảnh thời gian để hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra không còn nhiều.

TP.HCM sẽ sớm kết nối cầu Nhơn Trạch

Với tiến độ của cầu Nhơn Trạch như trên đòi hỏi phần việc của gói thầu XL1 thuộc dự án đường vành đai 3 TP.HCM (gồm cả nút giao đường vành đai 3 với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) cũng phải hoàn thành sớm để kết nối đồng bộ.

Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư dự án thành phần 1 đường vành đai 3) - cho biết dự án thành phần 1A khởi công trước dự án đường vành đai 3 khoảng 1,5 năm, nên theo kế hoạch sẽ hoàn thành trước.

Khi có thông tin cầu Nhơn Trạch rút ngắn tiến độ về đích sớm hơn bốn tháng, chủ đầu tư đã họp với Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Bộ Giao thông vận tải để thống nhất ưu tiên làm một nhánh cầu ở nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, kịp đấu nối với đường dẫn cầu Nhơn Trạch vào dịp 30-4-2025.

Phần tiếp theo của gói thầu này đi tiếp về phía TP Thủ Đức cũng sẽ sớm hoàn thành. Từ đó giúp kết nối đồng bộ, xuyên suốt trục giao thông khu vực đường vành đai 3 đoạn giao với cao tốc.

Tiến độ 10 gói thầu xây lắp đường vành đai 3 đoạn qua TP.HCM ra sao?

Đường vành đai 3 TP.HCM chạy đua với tiến độ- Ảnh 3.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa - Vũng Tàu đảm bảo và vượt tiến độ thì phía Đồng Nai vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về mặt bằng, tiến độ triển khai chậm - Ảnh: A LỘC

Dự án thành phần 1 đường vành đai 3 đoạn qua TP.HCM dài 47km gồm 10 gói thầu xây lắp chính với tổng giá trị hợp đồng khoảng 18.846 tỉ đồng. Với bốn gói thầu xây lắp chính (XL3, XL6, XL8, XL9) khởi công vào tháng 7-2023, hiện các nhà thầu đang tăng tốc xây dựng các hạng mục cầu, hầm trên tuyến, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nền đường, đoạn xử lý đất yếu bằng đào thay đất đóng cừ tràm, cọc đất gia cố xi măng và thi công bấc thấm. Sản lượng đã làm đến nay đạt 22% giá trị xây lắp.

Với sáu gói thầu xây lắp chính còn lại (XL1, XL2, XL4, XL5, XL7, XL10) đã khởi công đầu năm 2024, các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục kết cấu phần dưới công trình trên tuyến và triển khai đồng loạt công tác xử lý đất yếu, đến nay đạt 9% giá trị xây lắp.

Trên toàn dự án, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án đường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Long An có tiến độ đạt hơn 35,9%. Còn đoạn qua địa bàn TP.HCM có khối lượng thi công đạt khoảng 17,51%, đoạn qua tỉnh Bình Dương đạt 13,7%. Riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai tiến độ chậm nhất, hiện khoảng 4,52% do giải phóng mặt bằng chậm.

Tiến độ các cao tốc nối vùng Đông Nam Bộ

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 53,7km đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án có mục tiêu hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026. Hiện đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu thông xe kỹ thuật toàn tuyến dịp 30-4-2025, sớm hơn tám tháng so với thời hạn Chính phủ giao và vượt khoảng bốn tháng so với cam kết ban đầu của nhà thầu.

Trong khi đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai có tiến độ xây lắp chậm, liên tục lỡ hẹn giao mặt bằng. Đến cuối tháng 7-2024 địa phương mới giao được hơn 53ha cho dự án thành phần 1 và khoảng 70ha cho dự án thành phần 2.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đang có sản lượng thi công trên 80% và dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2025.

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng vốn đầu tư khoảng 21.000 tỉ đồng. Tuyến này cắt qua đường vành đai 3 và 4 TP.HCM, có đường dẫn kết nối đến đường vành đai 2 TP.HCM. Trong đó đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 45,7km, qua tỉnh Bình Phước 7km.

UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai đoạn qua địa bàn với tổng vốn khoảng 17.408 tỉ đồng, đầu tư theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Hiện địa phương đang thực hiện các thủ tục để lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tiếp đó sẽ là triển khai kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư. Còn UBND tỉnh Bình Phước sẽ dùng vốn ngân sách đầu tư đoạn qua địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 1.474 tỉ đồng.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 51km chuẩn bị khởi công năm 2025.

Các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đang thực hiện các thủ tục để triển khai mở rộng.

Cần nhiều cơ chế làm đường vành đai 4 TP.HCM

Song song với việc đẩy nhanh tiến độ thi công đường vành đai 3 TP.HCM, các địa phương trong vùng đang triển khai thủ tục đầu tư đường vành đai 4 TP.HCM dài 207km, đi qua năm tỉnh thành, bao gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu (18,23km), Đồng Nai (45,54km), Bình Dương (47,45km), TP.HCM (17,3km) và Long An (78,3km).

Ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết đường vành đai 4 TP.HCM có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có tính kết nối giao thông liên vùng rất quan trọng trong giải quyết vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics.

Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị và triển khai đầu tư tuyến đường này đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả về tính kinh tế - kỹ thuật là rất rần thiết.

Dự án xây dựng đường vành đai 4 có tổng mức đầu tư rất lớn (ước tính khoảng 128.063 tỉ đồng), kỹ thuật phức tạp, đi qua nhiều địa phương nên cần có các cơ chế chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, vì vậy Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tham mưu UBND TP.HCM báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến đường vành đai 4 TP.HCM.

Trong đó, tập trung vào các nhóm cơ chế chính sách về nguồn vốn, quy hoạch, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án xây dựng đường vành đai 4, đồng thời về quản lý công trình sau đầu tư và quyết toán đầu tư và một số cơ chế khác.

"Các vấn đề này được tháo gỡ sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ làm dự án trong giai đoạn 2025 - 2028", ông An cho hay.

Đường vành đai 3 TP.HCM chạy đua với tiến độ- Ảnh 4.Cầu Nhơn Trạch xây xong, đường kết nối vành đai 3 TP.HCM có thông?

TP.HCM tập trung xây dựng khu vực nút giao vành đai 3 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để kết nối đồng bộ với đường dẫn và cầu Nhơn Trạch (đang được đẩy nhanh tiến độ 4 tháng).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên