Thực hiện nhiệm vụ chi viện sức người sức của cho cách mạng miền Nam, trong 16 năm hoạt động (1959 - 1975), bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được một hệ thống đường các loại dài gần 20.000km ngang dọc khắp Trường Sơn được ví như "trận đồ bát quái xuyên rừng rậm" với 5 trục dọc, 21 trục ngang.
Xây dựng cầu đường phải đi trước một bước
Chỉ tính từ năm 1961 đến năm 1975, lực lượng công binh Trường Sơn đã xây dựng được 15.734km đường ô tô, trong đó có 3.140km đường kín, 785km đường xây dựng cơ bản, 5.530km đường trục dọc, 4.700km đường vòng tránh, 4.719km đường ngang, chưa kể đường ra vào kho bãi, sở chỉ huy...
Hệ thống đường giao thông này đã đảm bảo cho bộ đội Trường Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược mà Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao là đưa nguồn chi viện, đưa sức mạnh từ hậu phương lớn miền Bắc tới tiền tuyến lớn miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước.
Thiếu tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền, nguyên tư lệnh Binh chủng Công binh, chia sẻ nhiệm vụ cơ bản của bộ đội Trường Sơn là vận tải chiến lược, vì vậy công tác xây dựng cầu đường luôn phải đi trước một bước.
Do đó, ngay từ năm 1961, tuyến đường 129 (Lằng Khằng - Mường Phìn) đã được hai tiểu đoàn công binh của Quân khu 4 xây dựng vừa phục vụ chiến dịch giải phóng Mường Phìn, Pha Lan, Đồng Hến, vừa là tuyến đường vận tải cơ giới đầu tiên trên tuyến chi viện Trường Sơn.
Ngày 9-8-1964, Trung đoàn 98 "bổ nhát cuốc đầu tiên" mở đường Bản Đông - Mường Noòng đã thành Ngày truyền thống của công binh Trường Sơn. Từ đó, các tuyến đường cơ giới được đẩy mạnh xây dựng.
Cùng với đó, lực lượng công binh Trường Sơn cũng lớn mạnh không ngừng. Ở tất cả các binh trạm Trường Sơn đều có 1-2 tiểu đoàn công binh. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã tổ chức các trung đoàn công binh cơ động.
Vị tướng từng có 6 năm gắn bó ở đường Trường Sơn nhớ lại những năm tháng gian khổ, chỉ với phương tiện thi công thô sơ, dưới bom đạn của địch và thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng bằng ý chí, nghị lực phi thường, lực lượng công binh đã "xẻ dọc Trường Sơn" để mở con đường chi viện chiến lược.
"Trong Trường Sơn, lực lượng công binh phát triển đông nhất, nhưng cũng hy sinh nhiều nhất", ông kể.
Ở những trọng điểm ấy không có đêm, chỉ có ngày, bởi pháo sáng rực suốt đêm không phút nào ngơi nghỉ. Đường Trường Sơn năm ấy pháo thả xuống trắng xóa cả một vùng trời dài mười mấy cây số.
Ác liệt nhất phải kể đến khu vực Đường 9, nơi mà tất cả các con đường vào chiến trường đều phải đi qua. Mỹ thường xuyên tập trung đánh phá để cắt đứt đường chi viện của ta. Có khu vực trơ cỏ cháy, không còn màu xanh của rừng, đất đá bị băm nát, ngổn ngang.
Gian khổ nhất là những ngày mưa lũ kéo dài hàng tháng trời, những trận sốt rét ác tính ập đến quật ngã những người lính tuổi đôi mươi còn sung sức đến "vàng da, rụng tóc".
Nhưng công binh Trường Sơn kiên quyết "sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm", bám trụ ở ngay những trọng điểm, khi ngừng đánh phá thì thông đường cho xe chạy.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, lực lượng công binh Trường Sơn đã bảo đảm giao thông trên 7 tuyến đường với tổng chiều dài là 2.577km, khôi phục và bắc mới 90 cầu với tổng chiều dài 4.216m, phá dỡ hàng trăm chướng ngại vật trên các tuyến đường bảo đảm cho các lực lượng cơ động thần tốc, an toàn vào giải phóng Sài Gòn.
"Lưới lửa" bảo vệ đường Trường Sơn
Cùng với các lực lượng chiến dịch, lực lượng phòng không của các đơn vị, lực lượng phòng không tại chỗ của bộ đội Trường Sơn cũng đã tạo thành "lưới lửa" bắn hạ nhiều máy bay địch, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971.
"Lực lượng phòng không của chúng tôi rải khắp trên các mặt trận Trường Sơn yêu cầu. Những nơi nào địch đánh, ngăn chặn lực lượng vận chuyển thì có mặt của lực lượng phòng không để bảo vệ cho đường Trường Sơn", đại tá Nguyễn Quang Hùng - trưởng ban liên lạc Sư đoàn phòng không 377 - nhớ lại.
Theo đại tá Hùng, từ rất sớm Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã nhận định và dự báo về khả năng địch mở cuộc tiến công quy mô lớn nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam, đồng thời chỉ thị chuẩn bị sẵn các phương án đối phó, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, hành động của địch.
Đánh giá vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng phòng không, tháng 10-1970, Bộ Quốc phòng đã quyết định cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn thành lập thêm Cục Tham mưu phòng không.
Đồng thời, Quân ủy Trung ương điều động đồng chí Nguyễn Quang Bích, nguyên phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, vào làm phó tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Tháng 12-1970, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên giao nhiệm vụ cho Tham mưu trưởng tác chiến Ngô Huy Biên và Phó chủ nhiệm chính trị Võ Sở đi thị sát địa bàn, lên kế hoạch chuẩn bị lực lượng và thế trận phòng không, sẵn sàng tác chiến.
Ngày 28-1-1971, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Trường Sơn họp triển khai các nhiệm vụ quan trọng chuẩn bị chiến dịch phản công. Đảng ủy phân công Phó tư lệnh Nguyễn Quang Bích trực tiếp chỉ đạo hoàn thiện thế trận phòng không của các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn và các lực lượng phòng không của bộ cùng phối thuộc với bộ đội Trường Sơn.
Lực lượng phòng không của Trường Sơn thời điểm này được bộ tăng cường cho chiến dịch lên đến 5 trung đoàn, trong đó có 1 trung đoàn tên lửa (Trung đoàn 275) cùng 10 tiểu đoàn cao xạ, 25 đại đội, 33 trung đội súng máy 14,5mm và 12,7mm với 326 pháo cao xạ, 360 khẩu súng máy bố trí thành 8 cụm tác chiến.
"Bộ đội Trường Sơn nói chung, lưới lửa phòng không nhiều tầng, dày đặc tại chỗ của Trường Sơn nói riêng, đã chiến đấu quả cảm, mưu trí, hiệu quả làm phá sản chiến thuật "trực thăng vận" của Mỹ, góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971", đại tá Hùng chia sẻ.
Suốt 16 năm ròng rã, bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc ra miền Bắc, vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đoàn binh khí kỹ thuật tham gia các chiến dịch, góp sức và tiếp sức cho các chiến trường đánh bại từng chiến lược chiến tranh của địch.
Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, bộ đội Trường Sơn đã làm nên "kỳ tích" cơ động 3 quân đoàn chủ lực thần tốc từ miền Bắc vào miền Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là đòn quyết chiến chiến lược, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận