Đó là những câu chuyện thú vị về những ngày dạy học ở Tuyên Quang, về bộ tứ Hà Nội và cả lý do tại sao ông lại có nhiều ca khúc hát ru đến thế.
Phóng to |
Nhạc sĩ Dương Thụ: "Tôi chỉ có thể viết ra những gì có thật trong nội tâm tôi" - Ảnh: Gia Tiến |
Live concert Dương Thụ - những câu chuyện kể của tôi diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào hai đêm 9 và 10-11-2012. Giám đốc nghệ thuật, biên tập và viết kịch bản: Dương Thụ; đạo diễn: Việt Tú; dàn dựng âm nhạc: Anh Quân. Các ca sĩ tham gia chương trình: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Trọng Tấn, Tùng Dương, Hà Linh. Nghệ sĩ solite: Trần Thị Mơ (cello), Xuân Huy (violon) và các nhạc sĩ: Bảo Chấn, Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn. |
* Đây là lần đầu tiên nhạc sĩ tự làm một chương trình riêng cho mình. Khán giả phải chờ mãi đến năm 2012 mới được nghe Dương Thụ - những câu chuyện kể của tôi có phải lâu quá không?
- Vài năm trước tôi không nghĩ mình sẽ có một chương trình như thế này. Làm cho riêng mình, muốn tử tế phải có đủ những điều kiện cần thiết (làm lúc nào, ở đâu, người diễn là ai, liệu có người nghe không?), thật không đơn giản chút nào.
Nơi tôi ở (quận 8, TP.HCM) gần 20 năm nay tôi chưa bao giờ thấy ai nghe hoặc tỏ ra thích nhạc của mình. Đôi khi đi đường hoặc vào nhà hát, một số người ái mộ đến xin chữ ký, tôi biết chắc thế nào họ cũng nhầm người. Quả đúng như vậy. Họ cứ tưởng tôi là Thanh Tùng, Bảo Chấn hay Bảo Phúc! Kẹt nhất là đi với hai ông bạn Trần Tiến, Nguyễn Cường. Đến đâu người ta cũng chỉ trỏ, hoặc đến cụng ly với họ, còn mình thì ngồi trơ khấc. Chuyện này lúc đầu tôi cảm thấy ngượng, sau rồi cũng quen. Một nhạc sĩ ít tiếng tăm như thế sao dám đủ tự tin để nghĩ rằng khán giả đang chờ mình.
Bây giờ thời cuộc có vẻ thay đổi. Phản ứng của người nghe trước sự xuống cấp của văn hóa âm nhạc chính lại là thuận lợi cho việc giới thiệu những sản phẩm âm nhạc nghiêm túc. Nhạc cách mạng, nhạc tiền chiến được hâm mộ trở lại. Còn nhạc của tôi tuy chẳng được xếp vào loại nào, có thể nó không được nghe nhiều nhưng được cái nó cũng “nghiêm túc” nên tôi làm chương trình vào lúc này, nhất là ở Hà Nội, nơi đang diễn ra những thay đổi sâu sắc, chắc người nghe sẽ “chiếu cố”.
* Trong rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ đều thấp thoáng hình ảnh của Hà Nội, còn Sài Gòn hầu như vắng bóng? Sài Gòn chưa đem lại cảm xúc cho nhạc sĩ sao?
- Tôi vào TP.HCM năm tôi đã 35 tuổi. Tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi ở ngoài ấy. Âm nhạc là hồi ức của những gì chúng ta đã sống qua. Nếu bạn thấy thấp thoáng trong các bài hát của tôi hình ảnh Hà Nội thì cũng đúng thôi. Còn 35 năm sống ở TP.HCM là một quãng đời cực kỳ quan trọng. Biết bao nhiêu buồn vui, gian khó và có thể có cả những khổ đau mà mình buộc phải chấp nhận, nhưng vẫn có những hi vọng và cả những giấc mơ. Cái đời sống ấy đã làm nên phần lớn những bài hát của tôi. “Cảm xúc Sài Gòn” như bạn nói chính là ở đấy, chỉ có điều vì đó không phải là những bài “địa phương ca” nên không có chữ Sài Gòn như bạn muốn thôi.
* Hà Nội đối với Phú Quang là nơi “vội vã trở về mỗi khi lòng xác xơ”, Trần Tiến là nơi “sống gửi thác về”. Còn đối với nhạc sĩ?
- Có lẽ các anh ấy yêu Hà Nội hơn tôi. Tôi chỉ có thể viết ra những gì có thật trong nội tâm tôi, “làm văn” về nó là điều tôi không thể. Còn như thế nào thì nghe bài hát chắc là bạn biết rồi đấy. Hà Nội của tôi là một Hà Nội nghèo và thanh sạch. Tôi giữ nó mãi trong tâm hồn mình dù tôi không còn sống ở đó nữa.
* Ngoài Hà Nội, Sài Gòn là nơi nhạc sĩ gắn bó, được biết Tuyên Quang cũng là một nơi ông sống ở đó nhiều năm, câu hỏi tò mò một chút, ông làm gì ở Tuyên Quang, ký ức của ông về nơi đó?
- Tôi sống mười năm ở Tuyên Quang, là thầy giáo dạy văn của các trường cấp III Tân Trào, Nà Hang, Trường Sư phạm 10+2, Trường Thanh niên lao động XHCN tỉnh, Trường Sư phạm bồi dưỡng. Đó có lẽ là một quãng đời gian khổ và có cả hoạn nạn nữa, nhưng là đẹp nhất, trong sáng nhất. Tôi yêu miền núi và đồng bào các dân tộc ít người, nhất là đồng bào Tày. Họ là những người trong trắng, ngay thẳng và nhân hậu. Tôi yêu quý học sinh của mình. Đến bây giờ phần lớn họ đã về hưu nhưng khi gặp nhau thầy trò vẫn vô cùng quyến luyến.
Tôi vẫn mơ được về sống ở Tuyên Quang. Năm 2008 tôi đã nghĩ đến việc mình sẽ về sống ở Nà Hang, một huyện heo hút nhất của Tuyên Quang, đã đi tìm đất ở đó và đã ấp ủ giấc mơ về một căn nhà lá ven hồ thủy điện. Nhưng rồi vì nhiều lý do, cái giấc mơ ấy đành phải hủy bỏ...
Phóng to |
Nhạc sĩ Dương Thụ: "Tôi sợ hãi những gì hoành tráng, sợ ăn to nói lớn" - Ảnh: Gia Tiến |
"Bộ tứ Hà Nội" - mỗi người một chân dung
* Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ được nhạc sĩ gọi là bộ tứ Hà Nội. Nhạc sĩ thấy mình giống và khác gì với họ trong âm nhạc cũng như trong cuộc sống?
- Chúng tôi cùng sinh trong những năm 1940 (bây giờ gọi là thế hệ 4X), cùng lớn lên ở Hà Nội, là bạn nhạc thân thiết của nhau từ thuở hàn vi nhưng rốt cuộc khi bước vào đời, mỗi người một lối đi riêng. Người được biết đến sớm nhất là Phó Đức Phương với bài Những cô gái quan họ (1968) - một trong những bài hay nhất của âm nhạc thời kháng chiến chống Mỹ. Mười năm sau (1978) Trần Tiến nổi danh với Vết chân tròn trên cát, Những đôi mắt mang hình viên đạn... Mười ba năm sau Nguyễn Cường xuất hiện với những sáng tác lấy cảm hứng từ chất liệu âm nhạc dân gian Tây nguyên, gây ấn tượng rất mạnh với giới nhạc và được một bài báo đăng trên tạp chí Âm Nhạc gọi là “sự kiện”. Và hai mươi năm sau, nhờ có cô Lệ Quyên và anh Quang Vinh công chúng mới biết đến tôi qua bài Tiếng sóng.
Trong bốn người, Trần Tiến nổi danh nhất, một phần vì anh là một nhạc sĩ dấn thân, gắn bó với đời sống nên quần chúng dễ tìm thấy bản thân họ trong các bài hát của anh, một phần vì anh là ca sĩ tự hát lên những gì mình viết ra nên dễ đi thẳng vào lòng người. Rồi đến Phó Đức Phương và Nguyễn Cường, những “ông hoàng” của âm nhạc dân gian đương đại, sáng tác của cả hai người có thể coi là “đặc sản” của nhạc Việt thời kỳ đổi mới. Tôi ít được biết đến hơn và với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, tôi không phải là một giá trị để có thể nhìn nhận. Nhưng dẫu sao cả bốn chúng tôi đều là những người cùng thời, ở những mức độ khác nhau cũng đã cất lên được tiếng nói của riêng mình. Mỗi người một chân dung.
Các cụ nói văn tức là người, ở đây nhạc cũng thế, cũng là người. Phương chắc không thích biệt danh do tôi đặt: “Phương gàn”. Nhưng đây là cái gàn đáng yêu của kẻ sĩ, của một người “tri thủ” (chứ không phải là bảo thủ) biết giữ gìn phát huy những giá trị cổ xưa. Vì lẽ đó ta cứ thấy thấp thoáng đâu đó cái “ngày xưa” lộng lẫy trong Một thoáng Tây Hồ, Trên đỉnh phù vân, Những cô gái quan họ, Biển mũi... và cái xót xa hồi cố trong Về quê.
Trần Tiến có biệt danh “Tiến bụi”, vì ngay khi còn là gã trai mới lớn Tiến đã thích vỉa hè, lân la chơi với bác xích lô, bà hàng nước chè chén, thích quấy tếu vì thế mới có Con chim sẻ tóc xù, Mặt trời bé con, Lambada quê ta, Phố nghèo, Hà Nội năm 2000 ... Nguyễn Cường thì rất đúng với biệt danh “Cường cuồng nhiệt”, lúc viết chỉ thích tempo (nhịp) nhanh và lúc nào cũng “bốc lửa”.
Tôi thì không dính được một đặc điểm nào hay như thế của ba ông bạn. Vì bản tính rụt rè và đời sống riêng của tôi lại quá nặng nề nên tôi thích sự nhẹ nhàng, dịu dàng, thích tempo vừa phải, thích cái nhỏ, cái ít (dĩ nhiên là cái nhỏ, cái ít dồn nén), sợ hãi những gì “hoành tráng”, sợ “ăn to nói lớn” (cái khẩu vị quen thuộc của đời sống). Kết quả là tôi không đến được với đông đảo công chúng như các bạn mình. Và vì có vẻ thiếu cá tính đặc sắc như thế nên cũng không thể có biệt danh nào.
* Sáng tác đầu tay của nhạc sĩ là ca khúc nào? Có phải bài Nhớ làng xưa hay không?
- Tôi viết nhạc từ năm 16 tuổi, bài Nhớ làng xưa viết vào năm tôi 19, lúc đang học năm 1 khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội, trong dịp đi sưu tầm văn học dân gian Tây nguyên cùng với nhà nghiên cứu văn học Ngọc Anh. Nhớ làng xưa chắc là sáng tác thứ 20, 21 gì đó. Được tiếp xúc với các anh chị, nhất là các chú bác người Ba Na, Ê Đê, được nghe kể khan, được uống rượu cần, được ngửi thấy mùi thuốc lá vấn nồng nặc như mùi xì gà ở làng Tây nguyên thuộc tỉnh Hòa Bình, và nhất là nghe họ hát, cái quãng bán cung đi xuống buồn buồn và xa vắng khiến tôi vô cùng xúc động.
Bài Nhớ làng xưa buồn, da diết, nó hát lên nỗi nhớ khôn nguôi về nơi chốn, về cuộc sống mà mình đã từng, nay phải rời xa. Tôi viết được như thế vì đó là chính tâm hồn tôi, là hoàn cảnh sống của tôi.
Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ dàn dựng lại bài hát đó, giờ bạn hỏi, tôi sực nhớ ra và có thể...
* Nhạc sĩ có rất nhiều bài hát ru: Bài hát ru cho anh, Bài hát ru mùa xuân, Bài hát ru mùa hè, Bài hát ru mùa thu, Bài hát ru mùa đông, Bài hát ru ngày nắng, Ru trưa, Ru em bằng tiếng sóng… Đây có phải dấu hiệu của sự…cô đơn hay không?
- Tôi mơ sự dịu dàng, tôi mơ được ai đó thương yêu thật lòng. Điều ấy với tôi, nó không có thật trong đời sống mà chỉ có thể trong những bài hát ru. Khi còn là học sinh, nghe ru con Bắc bộ, ru con Nam bộ, nhất là bài Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, rồi nghe nhạc cổ điển,chị Minh Đỗ hát berceux (hát ru) của Mozart mà lặng người đi.
Mê thể loại này tôi tìm đến những berceux khác của Dvojak, của Tchaikovsky, đặc biệt là berceux của Schubert. Với tôi, berceux chính là niềm an ủi lớn nhất bằng âm nhạc và ngay trong những năm đó, từ khoảng 1962-1968 tôi đã viết được tổ khúc những bài hát ru của tôi, đánh số tứ 1 đến 12 mà các bạn đã nghe được năm trong số đó: No1. Bài hát ru mùa xuân (Khánh Linh), No6. Ru võng (Tiếng võng) (Đức Tuấn), No10. Bài hát ru mùa đông (Hồng Nhung), No11. Ru con giữa rừng đại ngàn (Hồng Nhung), No12. Lời tôi ru (Thanh Lam).
Còn các bài Ru em bằng tiếng sóng, Bài hát ru cho anh là tôi viết sau này. Riêng Bài hát ru ngày nắng, tôi mới viết cho Thanh Lam và cô ấy hát lần đầu tiên trong live show Cầm tay mùa hè 2012.
Tôi thường hát lên giấc mơ của mình. Liệu như thế có phải là dấu hiệu của sự cô đơn không?
* Cảm ơn nhạc sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận