08/02/2017 17:13 GMT+7

Đường thi quốc âm cổ bản: bất ngờ Tú Xương là dịch giả

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Công trình sưu tập, biên dịch Đường thi quốc âm cổ bản do hai nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông thực hiện vừa ra mắt tại TP.HCM sáng 8-2.

Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Đông (đứng) đang trình bày về công việc tổ chức bản thảo tập sách - Ảnh: L.Điền
Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Đông (đứng) đang trình bày về công việc tổ chức bản thảo tập sách - Ảnh: L.Điền

Tập sách là một dịp công bố để những ai yêu thích và cả giới nghiên cứu thơ Đường có dịp tiếp cận những bài thơ Đường do người Việt dịch thông qua 6 bản dịch cổ, hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Tìm về những bản dịch thơ Đường của giới trí thức Việt ngày xưa là công việc thú vị nhưng cam go. Khó khăn đến từ hoàn cảnh lịch sử với nhiều xáo trộn xã hội khiến cho văn bản bị thất tán, tàn khuyết nhiều phần.

Do vậy, trong số sáu bản dịch Nôm thơ Đường tìm được, có thể nhận ra ở đây ba bản dịch có tác giả, gồm bản dịch của Tú Xương (Đường thi hợp tuyển ngũ ngôn luật giải âm), bản của Dương Lâm (Túy hậu nhàn ngâm tập) và bản hiệu chỉnh của Đông Sơn cư sĩ (Đường thi tuyệt cú diễn ca).

Còn ba bản khuyết danh cũng rất quan trọng là: Đường thi thất tuyệt diễn ca phụ tạp văn (văn bản có khả năng thuộc niên đại triều Nguyễn vì kiêng húy chữ Hoa - tên mẹ vua Thiệu Trị), Đường thi trích dịch  Đường thi quốc âm.

Trên cơ sở sáu bản Nôm dịch thơ Đường như vậy, hai soạn giả Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông tổng kết được cả thảy có 279 bài dịch Nôm từ 222 bài thơ Đường nguyên tác. Tất cả được in trong tập Đường thi quốc âm cổ bản do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Sách trình bày theo hình thức: Mỗi bài nguyên tác thơ Đường in chính văn chữ Hán, tiếp đến là phần phiên âm, dịch nghĩa, và các bản dịch thơ Nôm (có ghi chú nguồn văn bản ở cuối bài). Cách trình bày này tiện cho việc khảo cứu văn bản, nhất là sách có in cả chữ Nôm (bản đánh máy) có thể giúp cho những ai muốn đối chiếu so sánh văn bản và tìm hiểu thêm về chữ Nôm của người Việt xưa.

Sách do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành - Ảnh: L.Điền
Sách do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành - Ảnh: L.ĐIỀN

Tại buổi ra mắt sách, hai nhà biên soạn đến từ Hà Nội cũng chia sẻ hành trình khó khăn khi tổ chức bản thảo cho quyển sách này. Đặc biệt, ông Nguyễn Xuân Diện còn phân tích thêm những giá trị của thơ Đường trong đời sống, học thuật của người Việt từ xưa.

Trong đó có mối quan hệ giữa thơ Đường và các hình thức diễn xướng của người Việt, như hát thơ, ngâm thơ, ca trù... mà thơ Đường là chất liệu quan trọng để chuyển tải các làn điệu hoặc là chất xúc tác để nghệ nhân Việt Nam làm nên tác phẩm mới.

Nét tài hoa của Tú Xương

Trong số ba người có tên trong các bản Nôm cổ này, bất ngờ nhất là nhà thơ Trần Tế Xương lần đầu xuất hiện trong tư cách một dịch giả. 

Đọc thơ ông dịch, mới thấy thêm một nét tài hoa của Tú Xương mà bấy lâu ít ai nhắc tới. Cứ xem bốn câu của Lý Bạch trong bài Thu đăng Tuyên thành Tạ Diểu bắc lâu: Giang thành như họa lý/ Sơn vãn vọng tình không/ Lưỡng thủy giáp minh kính/ song kiều lạc thái hồng..., được Trần Tế Xương dịch ra thất ngôn, sẽ thấy giọng điệu tài hoa còn mang chút hóm hỉnh cố hữu của ông: Giang thành như vẽ bức tranh treo/ Vẻ sáng trông ra hết núi đèo/ Một giữa the le cầu uốn khúc/ Đôi bên quanh quất nước trong veo...

 

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên