21/02/2016 09:00 GMT+7

Dưỡng sinh cải thiện sức khỏe

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH HÀ ([email protected])

TT - Người lớn tuổi thường bị nhiều bệnh mãn tính, nhất là các vấn đề cơ xương khớp. Nhưng nếu kiên trì tập dưỡng sinh, sức khỏe sẽ được cải thiện.

Nhiều học viên là người lớn tuổi tập dưỡng sinh tại TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.
Nhiều học viên là người lớn tuổi tập dưỡng sinh tại TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

“Khi mới tập vài ngày đầu người sẽ hơi bị “rêm”, như vậy là kết quả tập rất tốt. Nếu tập mà không thấy rêm mình là tập hơi yếu, tập ít quá và như vậy không có tác dụng. Trong quá trình tập cơ thể sẽ từ từ phục hồi và dần dần mềm dẻo hơn, khỏe hơn

PGS PHẠM HUY HÙNG

Theo PGS.TS Phạm Huy Hùng - trưởng bộ môn dưỡng sinh Đại học Y dược TP.HCM, dưỡng sinh là phương pháp do cố bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng và cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện xây dựng bằng việc nghiên cứu, vận dụng những phương pháp dưỡng sinh, luyện thở, khí công, nhu quyền, yoga của phương Đông kết hợp với bài tập thể dục của phương Tây để xây dựng nên phương pháp dưỡng sinh hoàn chỉnh.

Đỡ hơn trước

Bà Võ Thị Phỉ (62 tuổi, TP.HCM) là một trong những học viên thường xuyên của một lớp dưỡng sinh tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM do PGS.TS Phạm Huy Hùng trực tiếp hướng dẫn.

Theo bà Phỉ, trước khi học dưỡng sinh bà không chỉ bị mất ngủ trầm trọng mà còn bị gai cột sống lưng nên không làm được gì do lưng lúc nào cũng đau nhức. Vì mất ngủ triền miên nên ban ngày người bà lúc nào cũng lừ đừ, lơ mơ không làm nổi việc gì. Khi nghe người quen nói tập dưỡng sinh rất tốt, bà đã đến tập hồi tháng 7 năm ngoái.

“Sau 6 tháng tập, tôi không còn đau lưng. Trước đây tôi phải mượn người giúp việc nhà, nay tôi cho nghỉ và tự làm hết. Bây giờ tôi ngủ thẳng giấc” - bà Phỉ kể.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Bình (63 tuổi, TP.HCM) kể bà tập dưỡng sinh yoga đều đặn từ năm 2006. “Mưa nắng gì tôi cũng đi tập. Nhờ tập thường xuyên nên tôi đi bộ rất tốt, đi xe buýt không cần ai nhường chỗ vì tôi đứng rất vững và thoải mái” - bà Bình nói.

Tác động 6 vùng quan trọng

Theo PGS Phạm Huy Hùng, dưỡng sinh là phương pháp luyện tập về tinh thần và thể chất nhằm đạt bốn mục đích: nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, từng bước góp phần chữa bệnh mãn tính và tiến tới sống lâu, sống khỏe, sống có ích.

Đối tượng tập dưỡng sinh là bệnh nhân, người lớn tuổi, người bình thường nên các động tác tập được chọn lọc phù hợp, dễ tập và kết hợp thêm với thở êm, chậm, đều, sâu. Nếu thở đúng thì tất cả các động tác tập đều phát huy tác dụng. Các động tác dưỡng sinh nếu tập đúng, thở đúng có tác động rất tốt vào sáu vùng quan trọng của cơ thể:

* Một là giúp cột sống luôn thẳng: cột sống là cơ quan cực kỳ quan trọng, có 32 đốt sống với các khớp đốt sống nên dễ bị thoái hóa, xơ cứng và viêm các khớp. Bài tập cột sống giúp chống gù, cong lưng, đau lưng, đau cổ - gáy, giúp hệ thống dẫn truyền thần kinh nội tiết được trọn vẹn, hoàn hảo.

* Hai là nhóm cơ sau thân mạnh mẽ hơn: tức là nhóm cơ vùng cổ gáy, lưng, lưng trên, lưng dưới, thắt lưng, mông. Khi lớn tuổi trương lực cơ của những vùng này bị yếu đi, khiến lưng gù đi, không giữ được trọng lượng của đầu, vai, hai vai nên cơ thể có khuynh hướng bị gù, vẹo. Các động tác tập giúp các nhóm cơ này mạnh mẽ hơn, giúp cột sống thẳng, dáng đi thẳng, bước đi khỏe.

* Ba là săn chắc nhóm cơ bụng: tập cơ bụng, cơ hông để giữ cho tạng phủ không sa, bụng không sệ. Khi lớn tuổi, trương lực cơ của nội tạng giảm đi nên cơ bụng giảm theo, dẫn đến dễ bị sa tử cung, sa trực tràng, bị trĩ, các chứng giãn tĩnh mạch. Khi tập sẽ giữ được sức mạnh các cơ vùng bụng, tránh bị sa các cơ quan.

* Bốn là đưa thân thể lên cao: tập các tư thế đưa thân thể cao lên, máu dồn xuống đầu như động tác trồng chuối, động tác cái cày hoặc đưa chân lên cao khỏi đầu và giữ tư thế đó trong vài giây, vài phút tùy theo người. Động tác này giúp cung cấp đủ oxy, chất dinh dưỡng lên não bộ, giúp thần kinh trung ương hoạt động tốt, đủ năng lượng. Tuy nhiên, với người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, người trên 60 tuổi không nên tập.

* Năm là giúp khí huyết lưu thông: mỗi động tác tập luôn kết hợp với hít thở tối đa. Hít thở tối đa làm cho khí huyết lưu thông rất mạnh đến toàn thân, các nơi hiểm hóc trong cơ thể, các cơ quan nội tạng, tuyến nội tiết...

* Sáu là hưng phấn thần kinh: quá trình tập các động tác kết hợp thở tối đa giúp các cơ xương khớp cũng vận động, co giãn tối đa tạo nên hưng phấn của thần kinh. Để tránh tình trạng hưng phấn quá mức sẽ có bài tập thư giãn thật sâu khoảng 10-15 phút để trả lại trạng thái cân bằng sau khi tập.

“Các động tác dưỡng sinh đều giúp cho các khớp được vận động nên máu lưu thông đến được tất cả các khớp, các cơ quan bao quanh khớp, đến dịch khớp, sụn khớp, dây chằng khớp, nhờ đó các bộ phận này được tăng cường chức năng và nuôi dưỡng tốt. Phương pháp này được các bệnh viện y học cổ truyền của nhiều địa phương trên cả nước hướng dẫn tập luyện” - PGS Phạm Huy Hùng cho biết.

LÊ THANH HÀ ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên