Nhiều chủ hàng phải chấp nhận tốn kém hơn, chuyển hàng hóa từ xe lửa tại ga Sóng Thần sang thuê xe container vận chuyển ra Hà Nội - Ảnh: Hữu Khoa |
Các cơ quan chức năng đang chật vật chống chọi để giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Ga Sài Gòn: khách trả vé, ngưng tiếp nhận hành lý ký gửi
Ngày 21-3, ngày thứ hai sau sự cố sập , khu vực dành cho hành khách trả vé ở ga Sài Gòn có nhiều hành khách ngồi chờ tới lượt. Dù ngành đường sắt đã bố trí xe trung chuyển từ TP.HCM đến Biên Hòa nhưng người đến trả vé còn nhiều hơn ngày trước đó.
Theo ông Đỗ Quang Văn - giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, số lượng hành khách phải trung chuyển trong ngày 21-3 hơn 900 người, giảm gần 500 so với ngày 20-3 dù số lượng chuyến đi không giảm so với trước đó.
Cũng theo ông Văn, hiện chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính có khoảng 1/4 khách đi tàu trả vé sau sự cố sập cầu Ghềnh. Việc chờ đợi ở ga Biên Hòa là khó tránh khỏi vì ga này vốn nhỏ, hạ tầng không tốt bằng ga Sài Gòn nhưng lại tiếp nhận lượng hành khách gấp đôi.
Ông Văn cho biết chưa thể trả lời được việc hành khách được trung chuyển lên ga Biên Hòa sẽ chờ đợi thêm bao lâu vì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố nhưng sẽ cố gắng trong thời gian nhanh nhất có thể, đồng thời sẽ cử nhân viên phụ mang vác hành lý cho hành khách trong những trường hợp đặc biệt.
Nhiều chủ hàng ký gửi hành lý cũng đến ga Sài Gòn nhận lại hàng để tìm phương thức vận chuyển khác.
Anh Sơn, một chủ hàng, cho biết những mặt hàng anh ký gửi ga Sài Gòn vận chuyển là trái cây, cây cảnh, quần áo...
Dù ngành đường sắt cam kết sẽ trung chuyển lên Biên Hòa để đi tiếp nhưng lo sợ trễ thời gian, đặc biệt là vấn đề bảo quản hàng hóa, quá trình vận chuyển đóng gói phát sinh hư hỏng, mất mát nên anh “tính đường khác cho chắc ăn”.
Ông Văn cho biết thêm là sẽ ngưng tiếp nhận hành lý ký gửi cho đến ngày 23-3, xem tình hình thế nào sẽ có thông báo cụ thể.
Trong khi đó, ở lĩnh vực tiếp nhận hàng hóa, tình hình cũng “ảm đạm” không kém.
Ông Đỗ Đình Dược, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết cũng tạm ngưng tiếp nhận vận chuyển hàng hóa từ ngày 21-3 để “khắc phục” xong lượng hàng hóa còn tồn ở ga Sóng Thần.
Trong hơn 300 tấn hàng hóa tại đây đã có một chủ hàng (bột ngọt) liên hệ lấy lại hàng để tự vận chuyển bằng phương tiện khác.
Đối với lượng hàng tồn còn lại sẽ được trung chuyển lên ga hàng hóa ở Hố Nai (Đồng Nai) để tiếp tục hành trình. Việc trung chuyển hàng hóa tồn, theo ông Dược, chỉ trong 1-2 ngày sau sự cố là xong.
Hàng loạt nhân viên trực gác tại các điểm giao cắt với đường dân sinh, nhân viên bốc xếp hành lý ký gửi, nhân viên điều hành ở ga Sài Gòn... sẽ làm gì trong thời gian TP.HCM vắng bóng tàu hỏa?
Một lãnh đạo ga Sài Gòn thông tin họ đang xem xét tới phương án cho tàu xuất phát từ ga Sài Gòn chạy đến ga Dĩ An (Bình Dương) rồi trung chuyển khách bằng ôtô lên Biên Hòa để quãng đường trung chuyển ngắn hơn. Tuy nhiên đây cũng mới chỉ là ý tưởng.
Cũng theo ông Đỗ Quang Văn, bình thường mỗi ngày có chín đoàn tàu đi và chín đoàn tàu về ga Sài Gòn.
Sau sự cố sập cầu Ghềnh, một số lượng lớn đoàn tàu bị “nhốt” ở ga Sài Gòn không thể điều đi hỗ trợ từ Biên Hòa trở ra, đó là chưa kể số lượng lớn toa tàu chở hàng hóa cũng trong tình trạng tương tự.
Vì vậy kế hoạch sắp tới sẽ bỏ tuyến tàu đoạn ngắn Sài Gòn - Phan Thiết để bổ sung cho các chặng khác xa hơn.
Đồng thời trước đây nếu như mỗi ngày có năm đôi tàu đi Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại thì nay cắt xuống còn ba đôi, hai đôi tàu còn lại sẽ đổi thành chặng Nha Trang - Hà Nội và ngược lại. Ngoài ra sẽ duy trì ba đôi tàu Sài Gòn - Vinh, Sài Gòn - Quy Nhơn và Sài Gòn - Nha Trang.
Hàng chục ghe tàu, sà lan chở đá neo đậu phía thượng nguồn Đồng Nai do giao thông qua cầu Ghềnh bị ngưng trệ - Ảnh: A Lộc |
Đồng Nai: đường thủy ùn tắc, sân ga ngột ngạt
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, sau vụ sập cầu Ghềnh, giao thông đường thủy qua lại trên sông Đồng Nai cũng bị đình trệ. Hàng chục sà lan chở đá, ghe tàu chở hàng neo đậu dưới lòng sông ở cả thượng nguồn và hạ nguồn cầu Ghềnh kéo dài hàng trăm mét.
Tại phía thượng nguồn cách cầu Hóa An khoảng 500m (đoạn qua P.Bửu Long và xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa), hàng chục sà lan chở đá nối đuôi nhau neo đậu giữa lòng sông.
Ở hai bên bờ sông, các ghe, tàu thuyền chở hàng cũng đậu rải rác tại bến bãi. Một tài công sà lan chở đá cho biết cầu Ghềnh sập đã cắt đứt con đường thủy duy nhất lên thượng nguồn sông Đồng Nai. Nhiều tàu hàng về miền Tây nghe được thông tin đã chủ động tìm bến bãi neo lại.
Còn những tàu thuyền nào không nắm được thông tin nên cho tàu thuyền tiếp tục hoạt động và phải dừng lại tại đây.
Tại ga Biên Hòa, Công an tỉnh Đồng Nai đã tăng cường lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, hướng dẫn hành khách lên xuống ga. Trước ga, tỉnh Đồng Nai đã cho đặt thêm nhiều biển báo cấm dừng đỗ đoạn đường trước ga.
Nhiều lực lượng liên ngành phối hợp cắt tỉa cây xanh, dọn dẹp lòng lề đường, đảm bảo khu vực đậu xe trước nhà ga thông thoáng. Hành khách trên các xe trung chuyển từ ga Sài Gòn đến được nhân viên ga bố trí việc đi đứng.
Khi lên xuống tàu, các ghế ngồi, toa tàu ghi trong vé khách mua trước không còn đúng vị trí ban đầu nên các nhân viên ga liên tục phát loa thông báo thay đổi, đảm bảo quyền lợi cho khách.
Một xe cứu thương cũng được bố trí tại ga Biên Hòa, sẵn sàng cho mọi tình huống. Ban quản lý ga Biên Hòa cho biết thêm do ga hiện không cùng lúc tiếp nhận hết các đoàn tàu nên sau khi trả khách, các đầu máy tàu sẽ về đậu tại ga Hố Nai, tiếp tục chờ lệnh xuất phát.
Ông Đới Sỹ Hưng, phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN, cho biết: “Ga Biên Hòa không phải ga đầu mối, đang phải đón khách nên tổng công ty đang tính toán việc đưa đón, bố trí khách ra vào ga sao cho thuận lợi nhất.
Đồng thời khảo sát tại ga Hố Nai, ga Trảng Bom nhằm mở thêm đường ga, bãi hàng phục vụ xếp dỡ hàng hóa. Chúng tôi đang làm bằng mọi cách để giải tỏa, phục vụ hành khách đi tàu tốt nhất trong điều kiện hiện nay”.
Hành khách đi từ ga Bình Thuận phải xuống tại ga Biên Hòa (Đồng Nai) rồi đi xe trung chuyển về ga Sài Gòn chiều 21-3 - Ảnh: Hữu Khoa |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận