27/09/2019 22:07 GMT+7

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Còn 1% công việc, vẫn chưa biết ngày hoàn thành

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết như vậy về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 27-9.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Còn 1% công việc, vẫn chưa biết ngày hoàn thành - Ảnh 1.

Đến thời điểm này, thời gian hoàn thành đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa được công bố - Ảnh: NAM TRẦN

Theo ông Đông, đến thời điểm này dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chỉ tồn tại 1% khối lượng công việc về hoàn chỉnh hệ thống, khắc phục một số khiếm khuyết về thiết kế, hoàn thiện chỉnh trang một số nơi. Tồn tại lớn nhất là việc tập hợp hệ thống các hồ sơ kèm theo các hạng mục của dự án.

"Đưa thời hạn cụ thể mà không thực hiện được lại bị dư luận nói"

Với hệ thống hồ sơ về xây dựng tuyến đường đã cơ bản hoàn thiện, cơ bản nghiệm thu nhưng phần lắp đặt thiết bị của dự án còn thiếu các chứng chỉ từ xuất xứ linh kiện, lắp đặt thành một hệ thống có thể hoạt động được.

"Chậm chủ yếu về phần hồ sơ chứ không phải nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ thiết bị. Còn hệ thống thông tin tín hiệu, đường ray đã xong. Hệ thống bán vé đang khắc phục một số tính năng của phần mềm.

Hệ thống phòng cháy chữa cháy đã lắp đặt xong. Dự án đã chạy thử đơn chiếc từng đoàn tàu. Tổng thầu đề nghị chạy thử liên động nhưng chúng tôi yêu cầu các phần việc kia phải xong để chạy thử liên động toàn bộ các đoàn tàu và toàn hệ thống trang thiết bị đi cùng" - Thứ trưởng Đông giải thích.

Ông Đông cho biết Thủ tướng yêu cầu phải đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác với điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối. Cho nên những phần việc trên là điều kiện phải tuân thủ để đảm bảo an toàn.

Để đánh giá các chứng chỉ, hệ thống có đảm bảo an toàn hay không, Bộ GTVT đã thuê tư vấn độc lập là Công ty tư vấn ACT của Pháp chuyên đánh giá an toàn hệ thống đường sắt trên thế giới để đánh giá mức độ an toàn của hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Tư vấn đã hoàn thành đánh giá 6 trong số 14 báo cáo và yêu cầu cung cấp thêm các thông tin chi tiết để đánh giá độc lập chứ không nghiêng về bên nào.

"Nguyên nhân chính phần lớn là do tổng thầu. Nếu làm đến đâu họ tập hợp, lưu hồ sơ đến đó thì sẽ nhanh hơn đến giờ mới tập hợp sẽ mất thời gian. Còn giai đoạn đầu phần giải phóng mặt bằng của chúng ta kéo dài nên họ không đưa thiết bị vào khảo sát được dẫn đến việc thiết kế phải kéo dài thời gian" - ông Đông nhận định.

Về tiến độ hoàn thành dự án, ông Đông khẳng định đang rất khẩn trương, quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng "nhưng bây giờ đưa thời hạn cụ thể mà đến ngày không thực hiện được lại bị dư luận nói. Bởi vì Bộ GTVT đang yêu cầu tổng thầu hoàn thiện chi tiết các phần việc chưa xong, báo cáo cụ thể. Còn bây giờ nói ước tính các phần việc đó thì chưa ra con số cụ thể để công bố được. Khi nào báo cáo cấp có thẩm quyền chính thức về chốt tiến độ thì chúng tôi sẽ công bố".

Khi được hỏi vì sao không đặt mốc chi tiết thời hạn hoàn thành dự án, ông Đông cho biết có đặt mốc nhưng việc hoàn thành hay không vẫn do tổng thầu thực hiện.

Theo ông Đông, Bộ GTVT thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là không để dự án dây dưa nhưng trong dự án này có đan xen cả những phần từ giải phóng mặt bằng, thiết kế ban đầu có nguyên nhân chủ quan về thiết kế, kinh nghiệm...

Đây là bài học rất đắt giá. Tinh thần là khẩn trương và thông báo mốc trên tinh thần khả thi

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông

Hiện nay Bộ GTVT đang thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và sẽ công bố công khai.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Còn 1% công việc, vẫn chưa biết ngày hoàn thành - Ảnh 4.

13 đoàn tàu của đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn nằm chờ ở depot, chưa được vận hành liên động toàn hệ thống - Ảnh: NAM TRẦN

"Không khả thi, vẫn làm", vì sao?

Về nhận định dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không khả thi về tài chính mà vẫn làm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay bộ đã giải thích với Kiểm toán Nhà nước hiệu quả về kinh tế của dự án này là trên 12% lúc lập dự án. Còn hiệu quả tài chính trên dưới 2%. Đây không phải là ngoại lệ về đường sắt và đường sắt đô thị trên thế giới.

Lý do là đường sắt chi phí gấp 3-4 lần đường bộ trong khi dự án BOT đường bộ Nhà nước đã hỗ trợ 40-50% tổng mức đầu tư nhằm khả thi về phương án tài chính để thu hồi phần vốn nhà đầu tư bỏ ra.

Vì vậy, việc hoàn vốn đường sắt rất khó nên trên thế giới chỉ kêu gọi tư nhân đầu tư đầu máy toa xe vào khai thác thay vì đầu tư hạ tầng đường sắt. Xe buýt hiện nay vẫn phải có Nhà nước trợ giá, nếu không sẽ không có ai khai thác. Với dự án giao thông công cộng không thể thu hồi vốn đầu tư nên không có hiệu quả tài chính nhưng phục vụ nhu cầu giao thông của cả thành phố để quyết định đầu tư hay không.

Đường sắt nghìn tỉ Cát Linh - Hà Đông, biết không hiệu quả vẫn làm Đường sắt nghìn tỉ Cát Linh - Hà Đông, biết không hiệu quả vẫn làm

TTO - Cách đây 11 năm, khi lập dự án đầu tư tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT đã biết dự án không hiệu quả kinh tế nhưng các bên liên quan vẫn ngó lơ để dẫn tới tuyến đường sắt đô thị nghìn tỉ dở dang, ngổn ngang như hiện nay.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên