03/11/2020 10:13 GMT+7

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đại biểu mong 'không để sai hẹn'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ, đại biểu Quốc hội đề nghị tập trung quan tâm tháo gỡ và lưu ý việc đầu tư vay vốn, lựa chọn chỉ định thầu.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đại biểu mong không để sai hẹn - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến đường sắt đô thị - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 3-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn.

Sốt ruột nhiều dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng ùn tắc giao thông đặt ra yêu cầu cấp bách đầu tư hệ thống đường sắt đô thị với 8 tuyến ở TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, hiện có nhiều dự án chậm tiến độ như Cát Linh - Hà Đông, Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương.

Ông Thường đề nghị rà soát trước hết là quy hoạch đô thị gắn với không gian đô thị và đời sống đô thị để tạo tính tích hợp. Thực tế đô thị hiện nay không được thiết kế theo hướng giao thông công cộng, thiếu không gian đi bộ và nhiều khu phát triển tự phát, vận tải công cộng không phát triển. Kinh tế vỉa hè và văn hóa xe máy là đặc trưng đô thị Việt Nam.

"Các dự án đường sắt ít chú ý đến không gian đô thị, nên chỉ là hệ thống nhập khẩu, phép cộng thuần túy của loại hình giao thông mới… Việc đầu tư xây dựng dự án cần gắn kết tái cấu trúc với mô hình không gian đô thị, đo ni đóng giày thực tế từng tuyến, đô thị gắn với cải tạo đô thị, tạo thành động lực phát triển mạnh mẽ không gian", ông Thường nói.

Riêng dự án Cát Linh - Hà Đông được đặc biệt quan tâm nhưng vẫn còn khá nhiều vướng mắc trong thẩm quyền Chính phủ và Quốc hội. Đơn cử như kết luận của Kiểm toán Nhà nước, chất lượng và vấn đề an toàn, nên ông Thường đề nghị quan tâm tháo gỡ, không để sai hẹn.

Theo đó, ông lưu ý cần đánh giá rút kinh nghiệm dự án vay ODA, nhất là lựa chọn chỉ định thầu, triển khai toàn tuyến, chuẩn bị điều kiện giải phóng mặt bằng, hợp đồng EPC...

Trồng rừng gắn với tạo sinh kế cho người dân

Nhiều đại biểu nêu ý kiến liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là lâm sản và bảo vệ rừng, ứng phó trước tác động của thiên tai. Đại biểu Trần Văn Cường (Đồng Tháp) chỉ ra thực trạng quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật độc hại như "mê hồn trận", là điểm nghẽn trong sản xuất, phân phối. Ông đề nghị có chế tài xử lý mạnh mẽ, áp dụng khoa học công nghệ truy xuất nguồn gốc.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) nêu vấn đề tỉ lệ che phủ rừng tăng từ 30% lên 42%, chính sách giao đất giao rừng thực hiện hiệu quả, nhưng việc lồng ghép chính sách phát triển xã hội với lâm nghiệp chưa rõ nét.

Đại biểu nhấn mạnh cần có chính sách phát triển lâm nghiệp và vùng nguyên liệu nông nghiệp với miền núi, là giải pháp quan trọng đảm bảo an ninh nguồn nước, chống biến đổi khí hậu và giảm nghèo bền vững, thu hút xã hội hóa khuyến khích đầu tư lâm nghiệp.

Đồng tình, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng cần có chính sách hỗ trợ cấp gạo miễn phí để đồng bào dân tộc thiểu số không phải trồng lúa rẫy, tập trung trồng rừng. Có chính sách trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa và rừng sinh kế cho người dân. Rà soát  toàn bộ hệ thống hồ đập, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ, đánh giá tác động môi trường và thiên tai, có thông tin rộng rãi cho nhân dân.

Có mặt trái trong phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như trước

Giải trình các ý kiến đại biểu nêu về nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay nông nghiệp đang vận hành theo hướng tạo ra sản phẩm sạch. Năm 2016 Quốc hội chất vấn gồm đầu vào sản xuất sạch, thì nay tỉ lệ phân hữu cơ tăng lên gần 4 triệu tấn, có hơn 2 triệu nông sản hữu cơ.

Về rừng, tổng diện tích là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 10,3 triệu ha, ông Cường cho rằng đó là là sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân khi năm 1990 chỉ có 9 triệu ha rừng.

Hệ số che phủ là gần 42% so với thế giới, ngành kinh tế lâm nghiệp sản xuất 30 triệu m³ gỗ, xuất khẩu tới 13 tỉ USD lâm sản. Tuy vậy, ông thừa nhận mặt trái phát triển là rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa, trong chiến tranh bị rải nhiều chất hóa học nên cần phải có thời gian phục hồi.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên