Nhà văn Anh Khang (thứ 2 từ trái) ra mắt tác phẩm tại Đường sách thu hút rất đông bạn đọc - Ảnh: L.Điền
Đây là thông tin tại cuộc gặp gỡ giữa thứ trưởng - chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo với các đơn vị làm sách tại TP.HCM sáng 27-12.
Đặc biệt, doanh thu Đường sách TP.HCM năm 2017 đạt gần 50 tỷ đồng, so với doanh thu năm 2016 đạt gần 27 tỷ, chứng tỏ sức mua của thị trường sách tại TP.HCM cũng tăng đáng kể.
Công ty Đường sách TP.HCM cho biết trong năm 2018 tới sẽ tiếp tục tổ chức và duy trì nhịp độ phát triển của Đường sách TP.HCM bằng các chương trình hấp dẫn, thiết thực và có tính khuyến đọc để tăng dần sức đọc sách trong cộng đồng cư dân.
Bà Huỳnh Thị Kim Phụng - đại diện công ty Sách 24h tại Đường sách TP.HCM nêu kiến nghị cần lắp bảng thông báo điện tử cỡ lớn tại Đường sách để cập nhật các chương trình diễn ra trong tuần, đồng thời hằng tuần cũng cập nhật các sách mới có bày bán tại Đường sách để bạn đọc tiện theo dõi.
Tại cuộc găp gỡ có tính chất như một tọa đàm giữa các đơn vị làm sách tâm huyết, một số vấn đề của ngành sách cũng được các đơn vị trình bày với chủ tịch Hội kiêm thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Hoàng Vĩnh Bảo.
Ông Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - trình bày ba kiến nghị: cần phải có chính sách về sách thiếu nhi cho trẻ em Việt Nam trong thời hiện tại; phải xây dựng chiến lược sách quốc gia của Việt Nam; và xem lại việc tổ chức giải thưởng sách của Hội Xuất bản hiện đã được nâng lên thành giải sách quốc gia.
"Chúng ta nói nhiều đến thời kỳ công nghiệp 4.0, nhưng hiện nay sách công nghệ ta đang đọc là loại sách gì, ta còn thiếu, còn cần những loại nào? Chúng ta cần các loại sách nghiên cứu văn hóa để thấu hiểu và giữ gìn vốn di sản văn hóa của chúng ta, nhưng viết một quyển sách văn hóa mất mười năm, nhuận bút nhận được không đủ sống một tháng, thì phải cần có chiến lược sách quốc gia để bổ khuyết những chỗ này".
Ông Nguyễn Minh Nhựt
Ông Nguyễn Hữu Hoạt - tổng giám đốc công ty Văn hóa Phương Nam - dẫn thông tin về thói quen tặng sách cho người thân vào mỗi dịp lễ tết của người châu Âu, để bày tỏ ý định muốn kêu gọi một phong trào "Ngày tết đọc sách" cho toàn dân.
Ông Hoạt cho biết phong trào này nếu thực hiện được cũng sẽ góp phần nâng cao sức đọc trong cộng đồng cư dân cả nước.
Riêng Văn phòng đại diện phía Nam tại TP.HCM của Hội Xuất bản Việt Nam cho biết trong năm 2018 tới, sẽ tập trung tổ chức các hội thảo chuyên đề và tọa đàm trao đổi về nghiệp vụ làm sách.
Hiện đã có các chủ đề như:
- Sự hội nhập và phát triển công nghệ tác động đến ngành xuất bản: Thuận lợi và thách thức đối với ngành xuất bản Việt Nam hiện nay như thế nào?
- Thực trạng và những kiến nghị nhằm thúc đẩy phong trào đọc sách của người dân Việt Nam
- Việc hình thành thói quen đọc sách từ trẻ thơ như thế nào, và tìm kiếm những mô hình khuyến đọc nào thích hợp cho học sinh trong các trường tiểu học và phổ thông hiện nay?
- Sự xâm hại bản quyền sách trên mạng Internet và các biện pháp đấu tranh
- Những giải pháp bán sách trên mạng hiệu quả của Fahasa, Phương Nam, Vinabook, Tiki, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM...
Ông Hoàng Vĩnh Bảo - chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đã ghi nhận các ý kiến của những đơn vị làm sách. Ông cũng cho rằng các hội thảo chuyên đề là cần thiết, bởi đây là kênh góp ý tư vấn có chất lượng, xác đáng với thực trạng của ngành xuất bản, và có tính khả thi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận