13/11/2024 10:28 GMT+7

Đường phố, vỉa hè: Làm sao giữ cho lâu bền?

Đường phố, vỉa hè nhiều nơi nhanh xuống cấp. Tình trạng mới làm xong lại đào lên lắp đặt ống nước, điện, viễn thông vừa gây lãng phí, mất mỹ quan, cản trở giao thông vẫn là nỗi khổ triền miên bao năm nay.

Đường phố, vỉa hè: làm sao giữ cho lâu bền? - Ảnh 1.

Anh Tuấn Bảo (ngụ quận 3) đi tập thể dục dọc theo lề đường được lát phẳng trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 (đoạn trước Nhà Thiếu nhi TP.HCM) - Ảnh: THANH HIỆP

Kỹ thuật làm đường phố, vỉa hè không khó nhưng chất lượng phụ thuộc nhiều yếu tố. Kỹ thuật làm không kỹ, thiết bị không phù hợp, qua sử dụng xảy ra sụt lún, lan rộng ra tạo thành "ổ gà", "ổ voi".

Vật liệu không đạt chất lượng hoặc không đáp ứng nhu cầu công năng sử dụng thực tế sẽ nhanh hư hỏng.

Có giám sát sao để lọt công trình kém chất lượng?

Các công trình trước khi thi công phải được kiểm tra nhân sự, máy móc, thiết bị, vật liệu đầu vào và thí nghiệm đạt yêu cầu theo quy định, triển khai theo quy trình được duyệt, giám sát trong suốt quá trình xây dựng. Nhưng rất nhiều công trình xây dựng kém chất lượng vẫn lọt cửa nghiệm thu công việc và hoàn thành đưa vào sử dụng.

Cách thức tái lập nền mặt đường, vỉa hè không phải lúc nào cũng giống nhau, không ít nơi thi công xong có chủ ý tái lập phui đào nhô lên mặt đường chút xíu chờ lún, cục bộ vỉa hè sau đó bị lõm, gập ghềnh. Có nhiều đơn vị cùng thi công chất lượng cũng khó đồng đều, chưa kể chuyện thiếu kinh nghiệm chuyên ngành, đùn đẩy trách nhiệm.

Thực tế cho thấy không phải thợ hồ tay ngang nào hay công nhân các ngành nghề khác ngoài xây dựng cũng có thể thi công đạt yêu cầu. Không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng kịp phát hiện buộc khắc phục. Lắm khi xử phạt vài triệu đồng hay vài chục triệu đồng cũng còn quá thấp so với các gói thầu có chi phí lên đến hàng tỉ đồng.

Việc hư hỏng cục bộ gây đọng nước khi có mưa thấm vào kết cấu bên trong làm giảm chất kết dính các vật liệu. Lỗi trước tiên thuộc về nhà thầu thi công nhưng có phần trách nhiệm trong giám sát, quản lý.

Vỉa hè đô thị nước ta có các công trình kỹ thuật, cây xanh, trụ đèn chiếu sáng, trạm xe buýt, cảnh quan đô thị phân định không gian chức năng… Vì vậy vỉa hè còn chịu thêm những tải trọng phát sinh, xe máy leo lề, ô tô ra vào nhà dân.

Những hư hỏng mặt đường, vỉa hè ảnh hưởng nhu cầu dân sinh, cảnh quan môi trường. Tình trạng làm xong nhanh xuống cấp dễ rủi ro tai nạn, càng tốn kém trong duy tu sửa chữa (hầu hết sử dụng vốn ngân sách).

Tăng mức phạt nếu vi phạm trong thi công

Đường phố và các công trình phụ trợ gắn liền có thời gian sử dụng lên đến 40 năm, tỉ lệ hao mòn mỗi năm 2,5% là quy định về độ quản lý, tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Bộ Tài chính ban hành tại thông tư 74/2024/TT-BTC.

Thời gian sử dụng này có thể xem là sự cam kết pháp lý, trách nhiệm giữa các bên liên quan trong quá trình lập các thủ tục hồ sơ trình thông qua làm cơ sở thực hiện gồm đơn vị thiết kế, cung cấp vật liệu, nhà thầu thi công, giám sát, chủ đầu tư, cấp thẩm quyền phê duyệt.

Trong thi công xây dựng, chất lượng công trình phải đặt lên hàng đầu đòi hỏi công tác quản lý phải xuyên suốt có tính hệ thống, không thể trông đợi sự tự giác.

Vai trò quản lý nhà nước cần có biện pháp kiểm soát thực chất sự tuân thủ pháp luật, chất lượng công trình, không thể chấp nhận sản phẩm chưa tương xứng với chi phí đầu tư. Nếu sai phạm không bị chế tài, xử lý đúng mức thì dần dà sẽ trở thành điều bình thường.

Cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân làm ăn gian dối, chủ đầu tư chịu trách nhiệm nếu chọn những nhà thầu yếu kém hoặc đã có tai tiếng, thu hồi chứng chỉ tư vấn giám sát xây dựng nếu tái diễn vi phạm. Tăng mức phạt theo phần trăm giá trị gói thầu, buộc phải khắc phục.

Cơ quan quản lý nhà nước nên chăng có thiết kế đô thị nơi nào lát đá, lát gạch và suất đầu tư mỗi mét vuông. Sổ tay hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật, thiết kế mẫu vỉa hè lường trước các rủi ro phát sinh trong thực tế.

Ví dụ, có thể chia ra làm 3 cấp chịu tải trọng: cho người đi bộ, cho xe máy, nhà dân có ô tô ra vào hoặc trước cao ốc, trường học… Việc này vừa để xác định mức độ đầu tư từng cấp, hạn chế lãng phí.

Để kết cấu mặt đường, vỉa hè bằng phẳng sau khi thi công xong không khó nhưng trải qua thời gian hàng chục năm vẫn giữ được tương đối mới khó.

Ở nước ngoài hiếm có chuyện thường xuyên cải tạo đường phố, vỉa hè hay làm xong chờ lún hoặc đào lên vì ưu tiên quy hoạch làm một lần, xây dựng sẵn hào kỹ thuật khi có nhu cầu tiến hành lắp đặt vào đó.

Thiết kế mẫu đường đô thị với các quy định chung về quy mô, kích thước, sự phù hợp tạo đồng bộ về cao độ và độ dốc, thuận tiện sử dụng, người tàn tật dễ tiếp cận.

Cần có đơn vị làm đầu mối phối hợp, chịu trách nhiệm trong thi công tái lập đường phố, vỉa hè. Trường hợp phát sinh lắp đặt công trình kỹ thuật, buộc khoan kích ngầm.

Hướng đến giải pháp làm hào kỹ thuật như nước ngoài, xã hội hóa giúp giảm gánh nặng ngân sách, kêu gọi đầu tư rồi cho thuê lại để khai thác các dịch vụ và thu hồi vốn có lợi nhuận.

Đường phố, vỉa hè: làm sao giữ cho lâu bền? - Ảnh 2.Công an ra quân xử lý sau phản ánh vỉa hè dọc hồ Tây ngang nhiên biến thành chốn ăn nhậu

Sau phản ánh của Tuổi Trẻ Online về việc vỉa hè dọc hồ Tây ngang nhiên biến thành chốn ăn nhậu, trong tối 11-11, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã phối hợp với công an các phường ra quân nhắc nhở, xử lý vi phạm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên