Năm 2002, tôi về trọ tại xóm ga Sài Gòn bên đường Trần Văn Đang (quận 3, TP.HCM). Cơ duyên nào dẫn lối đưa đường thì chẳng thể nhớ, nhưng có một ấn tượng tôi không thể nào quên: buổi chiều dọn đồ đến, ngay trước cửa nhà trọ, xóm ga đãi tôi một cuộc "thi triển võ công" của hai ông giang hồ già.
Chuyện thường ngày xóm ga
Cuộc đụng độ kết thúc bằng việc kẻ nọ kề kề lưỡi kéo bén vào cổ người kia, nhưng không có cú "xắp lưỡi" đổ máu nào. Họ buông nhau ra, lặng lẽ và mỏi mệt đi về hai phía, trong khi ở quán hủ tiếu vỉa hè góc cột điện, mấy bà sồn sồn vẫn điềm nhiên ngồi gặm xí quách.
Sau này thì tôi biết đó là chuyện thường ngày ở xóm ga. Và màn "rửa mắt" kẻ nhập cư vào buổi chiều năm đó xem ra cũng còn dễ chịu và êm đềm lắm so với những cuộc tay đôi tay ba mà mình sẽ chứng kiến riết thành quen.
Trước đây, đường vành đai khu ga Sài Gòn (ở đoạn Trần Văn Đang) chỉ mang một cái tên "dân gian" gợi nên những định kiến tăm tối là Cống Bà Xếp. Cuốn Đường phố thành phố Hồ Chí Minh của tác giả Nguyễn Q.Thắng và Nguyễn Đình Tư có đoạn viết về đường Trần Văn Đang: "Trước kia là đường hẻm chưa có tên. Ngày 10-1-1972 đặt tên cho đoạn từ Lê Văn Sĩ ra đến Cách Mạng Tháng Tám (đường Cách Mạng Tháng Tám trước 1975 có tên là đường Lê Văn Duyệt) là đường Hoàng Đạo, còn đoạn ra giáp đường Nguyễn Thông là đường Khái Hưng. Ngày 4-4-1985, nhập cả hai đường làm một và đổi tên là đường Trần Văn Đang".
Khu ga là nơi neo đậu của những phận đời nhập cư chưa qua đoạn nổi trôi, giới lao động bình dân và cả những người trong giang hồ phải khoác lên nhiều danh tánh giữa cuộc sinh tồn. Từ thập niên 1950, con đường không tên này đã có một lai lịch "bên lề" không được lấy gì làm sáng sủa với những băng đảng lẫy lừng ngang dọc như Điền Khắc Kim, Chín "cẳng bò"... (riêng Điền Khắc Kim có băng đảng trấn ở khu Cống Bà Xếp với những vụ cướp và hãm hiếp khét tiếng, đã được xem là tay anh chị hàng đầu trong giới du đãng Sài Gòn thời cũ).
Căn phòng trọ nhỏ của tôi nằm ở lầu hai, ngay khúc cua cong gắt của hẻm nhỏ - nơi có thể nhìn toàn cảnh con hẻm nối ra con đường Trần Văn Đang, rẽ trái thì đi về cổng ga, rẽ phải đi về chốt giao đường tàu của Cống Bà Xếp.
Nhiều đêm mưa, tôi đứng trên cao nhìn xuống con hẻm hình cong ngoặt và khắc khổ như một vết sẹo hằn qua vai thành phố, run rẩy trong tiếng còi tàu mệt nhoài. Đoạn đến gần kinh Nhiêu Lộc, con đường tịch mịch luồn xuyên qua những dãy nhà, ngách hẻm ngoằn ngoèo rối rắm, nhập nhoạng và lạnh lẽo như sẵn sàng đồng lõa, che đậy bất cứ tung tích mờ ám nào. Tôi tin bóng tối trong những con hẻm đã lưu trữ một phần huyền thoại phố phường - thế giới bên lề tàn nghiệt và kỳ lạ.
Ngay ngày đầu tiên làm cư dân mới của con hẻm 79 trên con đường nức tiếng giang hồ nhưng lại đã có lúc mang tên hai nhà văn của Tự Lực Văn Đoàn, đứa rảnh hơi hai mươi ba tuổi là tôi đã lò dò đến một quán phở và ngồi nghe ngóng chuyện đề đóm, đánh ghen, hút chích cho đến đòi nợ thuê... Dạo đó, có một ông thường mặc quần rằn ri và đánh trần, tóc để dài tới vai, suốt ngày ngồi góc cột diện uống rượu và hát nhạc vàng thiệt hay.
"Tao là giang hồ cái xóm này!" - đó là câu cửa miệng lè nhè khi ông đã dốc xong vài chai rượu đế. "Cả cái vùng này, dân bốc vác xóm ga nghe tên thằng là biết. Đ.m, thằng nào láng cháng phải bước qua xác tao..." - có khi cái giọng khản đặc của "ông giang hồ hẻm" gào lên ở một góc tối dưới cột đèn đứt bóng, cạnh mấy bịch rác lù lù, trong một đêm mưa dài mà chẳng ai buồn ngó ngàng.
Chẳng ai biết quá khứ lẫy lừng của ông G. là gì cho đến một ngày, cũng dưới chân cột đèn đứt bóng, kẻ luôn vỗ ngực tự xưng giang hồ xăm trổ đầy mình bỗng bị quật một cú thật gọn bởi chú xe ôm ốm nhom. Chú xe ôm nhỏ người, ít nói, ngày nào ế xe ôm thì phụ vợ dọn dẹp quán hủ tiếu, có khi đạp xe túc tắc đi bán hủ tiếu gõ. Không ngờ người cạy miệng không buồn nói, trên người không một vết sẹo đó lại chính là một tay "có máu mặt" của khu Cống Bà Xếp đã hoàn lương.
Còn nhớ, sau cú quật gọn gàng đưa ông G. bay từ bên này qua bên kia con hẻm nhẹ ơ, bác xe ôm chỉ lạnh lùng bước đến nhìn sâu vào mắt kẻ huênh hoang và nói nhẹ nhàng: "Mày làm sao cho coi được thì làm, đừng để tao gai con mắt lần nữa".
Nhưng chứng nào tật nấy, những ngày sau, từ cái góc tối cột đèn, cả hẻm lại nghe cái giọng lè nhè: "Tao là giang hồ của cái hẻm này...".
Hẻm lại chứng kiến những vụ bài bạc, đánh ghen, những màn rượt đuổi của đám thanh niên mới lớn hiếu động "có mắt không thấy núi Thái Sơn". Những lúc tình hình con hẻm căng như dây đờn, tôi vẫn thấy bác xe ôm lủi thủi lau bàn, bưng bê dọn dẹp quán hủ tiếu cho vợ với động tác khoan thai, bình thản như không có gì phải bận tâm.
Hun hút tiếng còi tàu
Những ngày đầu mới đến, tôi mất ngủ bởi tiếng còi tàu, tiếng xình xịch bánh sắt nghiến trên thiết lộ khi những con tàu lao dần về ga vào nửa đêm về sáng. Nhưng rồi sớm quen, những thanh âm đó trở thành một phần nhịp sinh học của tôi, nối tôi vào cảnh sống của người dân xóm ga. Ngày nắng, tháng mưa, những chuyến tàu đi và đến tạo nên một thứ nhạc tính của không gian sống bình dị mà nhiều tình thân nơi đây.
Tôi học được nhiều bài học trong cung cách sống bao dung trượng nghĩa của những người từng bị coi bên lề, những cuộc đời trôi nổi và neo đậu, tìm thế sống sẻ chia trong con hẻm nghèo chật và tăm tối này.
Rõ ràng chiều hôm trước, vì tranh giành một chỗ bán hàng mà người ta cãi cọ, ném vào nhau những lời lẽ gom nhặt mọi thứ dơ bẩn nhất trên đời hay kề lưỡi kéo vào cổ nhau, nhưng sau một giấc ngủ thì cũng những con người đó có thể ngồi cạnh nhau tán nhảm đủ thứ chuyện đá vàng.
Cũng chẳng lạ gì chuyện hôm trước ông chồng mới cho bà vợ cái bạt tai nảy lửa vì cái miệng bả thách thức quá đáng, vậy mà ôm sau hai vợ chồng ngồi gắp mấy miếng sườn bì cho nhau như chưa hề có chuyện "bầm giập" xảy ra. Cuộc sống khốc liệt mà giản đơn đến không ngờ.
Một điều nữa mà con đường xộc xệch của xóm ga mang đến cho tuổi hai mươi của tôi, đó chính là những hình mẫu con người dấn thân và đầy bình thản chấp nhận cuộc sống. Tôi nhớ mỗi khuya về, ghé quán cháo lòng ở cạnh chốt đường ray Cống Bà Xếp là được nghe ngóng những câu chuyện hay và đầy niềm vui của những người bốc xếp, những người bán hàng dạo.
Họ tạo nên một phần diện mạo con đường đặc thù cần lao kiểu Sài Gòn. Con đường mang lấy ít nhiều bấp bênh của cuộc đời họ, nhưng cũng như họ, con đường dường như lúc nào cũng xuất xử theo lẽ hào sảng và ân tình.
Bác xe ôm tối hôm trước còn đứng ở đầu hẻm chờ khách thì hôm sau đã ở trên bàn thờ đầy khói hương, thanh thản ngó xuống một đám trình diễn thời trang của những người đồng tính đến góp vui trong cuộc tiễn đưa âm dương thật rộn ràng như vũ hội. Ông chú vỗ ngực tự xưng giang hồ một ngày khướt rượu mất tiếng, vậy là hẻm đã vắng đi một dấu tích minh chứng lai lịch lừng lẫy một thời. Kẻ đến nổi trôi, kẻ đi nhẹ bẫng. Sống chết trên con đường đó với những người trôi dạt chỉ như là một sự vắng mặt tạm thời trong một đô thị hỗn độn.
Ngày rời đi khỏi con đường Trần Văn Đang, tôi hiểu rằng mỗi người nhập cư vào xóm ga là có một cơ duyên, một ý nghĩa tồn tại nào đó làm nên một thứ liên đới người với người, người với đất giữa cái nhân quần chưa nguôi khốc liệt này.
Những cây me già trên con đường đẹp nhất Sài Gòn đã từng chứng kiến cuộc dậy sóng chính biến vào ngày 1-11-1963. Cũng những cây me ấy từng làm phông nền hiền hòa cho những khối kiến trúc mang khát vọng thanh cao nhất của một thành phố tri thức, thành phố của tình nhân ái.
Kỳ tới: Lý Tự Trọng, “đường giờ đây đã sống bao thăng trầm"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận