Dường như thời gian ngừng trôi và ta chỉ mới vừa xa cách 

DU LÊ 06/05/2018 17:05 GMT+7

TTCT - Ngày 27-4, ABBA công bố hai sáng tác mới toanh sau 35 năm im ắng (nhóm tan rã năm 1982), qua Instagram, trong một dự án lưu diễn bằng các thế thân (avatar tour).

Bảo tàng tương tác ABBA tại Stockholm
Bảo tàng tương tác ABBA tại Stockholm

 

Bộ tứ người Thụy Điển, chủ nhân của 9 bản hit vị trí số 1 ở Anh trong 7 năm, từ 1974-1980, đã bán đâu đó từ 400-500 triệu đĩa trên toàn cầu, cho rằng:

Quyết định tiếp tục tiến về phía trước cùng dự án lưu diễn bằng thế thân của nhóm đã có kết quả khó ngờ. Bốn chúng tôi đều cảm thấy rằng, sau 35 năm gì đó, thì tái hợp và cùng nhau vào phòng thu cũng là chuyện hay. Vậy là chúng tôi đã thực hiện. Và cảm giác giống như thời gian đã ngừng trôi và chúng tôi chỉ vừa gặp lại nhau sau một kỳ nghỉ ngắn. Một trải nghiệm cực kỳ vui vẻ!”.

Phần hồn của một thế hệ thính giả 

Một trong hai sáng tác mới của buổi ghi âm này, I Still Have Faith in You, sẽ xuất hiện trên truyền hình vào tháng 12. “Bọn tôi có thể đã có tuổi, nhưng bài hát thì vẫn mới. Và cảm giác vẫn hay lắm” theo ảnh cập nhật trên Instagram của nhóm.

Hồi đầu tuần, Björn Ulvaeus, một trong 2 chữ B, đã tiết lộ chi tiết về dự án lưu diễn bằng thế thân của nhóm tại Brussels (Bỉ). Tâm điểm của tiết lộ này nằm ở một show diễn truyền hình đặc biệt kéo dài 2 giờ do đài NBC và BBC đồng sản xuất.

Ulvaeus cho rằng các thành viên trong nhóm, trong đó có anh, đã được quét kỹ thuật số và giải tuổi xuống (de-aged) để trông giống như độ tuổi của họ vào chuyến lưu diễn thứ 3 và thứ 4, cũng là cuối cùng của nhóm, năm 1979. Sau đó, show diễn sẽ lưu diễn vòng quanh thế giới. Đồng thực hiện trải nghiệm số hứa hẹn này là Simon Fuller, người sáng lập American Idol và Universal Music Group.

Tháng 11, tại Singapore, vở nhạc kịch Broadway Mamma Mia sẽ ra mắt công chúng mộ điệu, trở lại sau cú hit phải tăng suất diễn hồi năm 2014. Vở nhạc kịch mệnh danh dài hơi thứ 8 trong lịch sử West End, “tỏa nắng nhất trong tất cả nhạc kịch”, sử dụng ngay tên một bản hit của Abba do biên kịch Catherine Johnson sáng tác đã chinh phục hơn 60 triệu khán giả và trình diễn trên 16 ngôn ngữ, 50 quốc gia và khắp 6 châu lục.

Những tác phẩm quá đỗi quen thuộc mà fan ruột của ABBA có thể hát theo từng câu, từng chữ (ít nhất là đoạn điệp khúc) như Money, Money, Money, S.O.S, Knowing Me Knowing You, Dancing Queen, The Winner Takes It All.

Cạnh ABBA và nhà sản xuất Judy Craymer lừng danh, những tên tuổi tầm trung của giới sân khấu như đạo diễn Phyllida Lloyd, biên đạo Anthony Van Laast tham gia vở nhạc kịch dễ tạo cảm giác như thể những ngôi sao đích thực của vở diễn chính là những bài hát: những kỷ niệm của người nghe gắn với chúng, hơn là chính họ.

Theo thông tin của nhà tổ chức, cứ 10 người Anh thì có 1 người đã xem phiên bản tại London của Mamma Mia. Năm 2011, đây là vở nhạc kịch phương Tây đầu tiên trình diễn bằng tiếng Quan thoại ngay tại Trung Quốc.

ABBA xưa và nay. Ảnh: The Sun
ABBA xưa và nay. Ảnh: The Sun

 

The Winner Takes It All

Sau khi nhóm tan rã, kèm hai vụ ly dị rối rắm của các thành viên trong nhóm kết thúc năm 1986, phải đến ba thập kỷ sau họ mới trở lại và đứng cùng nhau trên sân khấu - không phải theo nghĩa đen hoàn toàn. Nhưng trước đó, vào năm 2016, các thành viên đã cùng trình diễn với nhau tại một buổi tiệc riêng tư, nằm ngoài tầm mắt công chúng.

Trong thập niên 1970, tinh thần Eurovision của người Thụy Điển, và người Thụy Điển nơi các thành viên về-sau-lập-ra ABBA, giống như một niềm tự hào dân tộc ngắn hạn và chẳng có mấy giá trị cho khán giả, nhưng là sự cầu may cho một ban nhạc nội địa muốn “xuất ngoại” - tức ra khỏi biên giới Thụy Điển, như chính Björn thừa nhận.

Cho một liên hoan âm nhạc đa quốc gia đầy ắp những bản nhạc thừa ủy mị, sến sẩm hơn là chất lượng, các thành viên của ABBA đã trở thành “gà chọi” ở Melodifestivalen, festival âm nhạc quyết định nhóm nhạc hay nghệ sĩ nào sẽ đại diện Thụy Điển tham gia Eurovision.

Họ đã mấp mé các thứ hạng, như năm 1969 với bản Härlig är vår jord của một chữ A, tức Frida Lyngstad, cho tới bản Ring Ring năm 1973 của Björn & Benny, Agnetha & Frida (vẫn chưa gọi bằng ABBA). Trước đó, Agnetha Fältskog từng thủ vai Mary Magdalene trong vở nhạc kịch Jesus Christ Superstar thành công của Andrew L. Webber, phiên bản Thụy Điển.

Công thức bức tường âm thanh (wall of sound) cóp của nhà sản xuất huyền thoại Phil Spector, cộng với ngón đàn của các tên tuổi gắn bó gần như trọn vẹn với sự nghiệp của ABBA: Janne Schaffer, Rutger Gunnarsson, Ola Brunkers của Ring Ring đã thật sự hoàn thiện ở Waterloo, giúp bản nhạc này giành quán quân không bàn cãi tại Eurovision vào tháng 4-1974 tại Brighton’s Dome (Anh).

Phiên bản tiếng Pháp của bài hát sử dụng tên một trong những trận đại bại của quân Pháp nhanh chóng ra đời cùng nhiều phiên bản khác, do Claude-Michel Schönberg thực hiện - không phải dạng vừa, chính là đồng tác giả nhạc kịch Những người khốn khổ!

Theo hai nhà âm nhạc, xã hội học Simon Frith và Peter Langley trong quyển Abba’s Abba Gold của tác giả Elisabeth Vincentelli, chiến thắng của ABBA tại Eurovision, bệ phóng siêu xịt của hầu hết các nghệ sĩ thắng giải, lại có một ý nghĩa khác:

Rock là một món đặc trưng của Anh - Mỹ, và hầu hết các quốc gia đều có nhóm rock riêng. ABBA chứng minh họ không phải là những nghệ sĩ thứ cấp như thế. Họ không chỉ rock ra trò, mà họ còn Thụy Điển ra trò, chỉ hợp tác với các nhạc công và studio Thụy Điển, thay vì hợp tác với những nhà sản xuất cộm cán đến từ Anh hay Mỹ”.

Björn trả lời phỏng vấn vào năm 2002 rằng: “Trong suốt thời gian nhóm hiện diện, giới phê bình khinh ghét chúng tôi”. Robert Christgau, bố già tự phong của giới phê bình âm nhạc Mỹ, viết về ABBA: “Truyền thống đích thực của ban nhạc chính là giai điệu quảng cáo mời chào, và tôi chắc việc họ miễn cưỡng không hát như người da đen chỉ hòng tái khẳng định họ đến từ châu Âu”.

Việc ABBA đi ngược lại những giá trị gắn với nhạc rock không phải là điều phải bàn cãi, khi nhóm đến từ một trong những quốc gia Scandinavia vẫn thường bị đánh giá là mềm yếu bởi nền dân chủ xã hội - dù Thụy Điển và Bắc Âu (tức Scandinavia) lại là nơi sản sinh ra mật độ dày đặc nhất các nhóm nhạc chơi metal hung hãn.

Sự phản kháng xã hội vốn có của rock vắng bóng trong âm nhạc của những người đến từ khu vực này, thế nhưng ABBA hoàn toàn có thể - hay chính là - nhóm nhạc nổi tiếng nhất từng chiến thắng, bước ra khỏi Eurovision và vẫn thành công. Sự thống trị bảng xếp hạng của ABBA chỉ có Rolling Stones, Elvis Presley và Beatles mới sánh được và hơn thế, bản Dancing Queen đứng nhất ở 12 quốc gia khác ngoài Mỹ.

Năm 2010, ABBA đã được vinh danh tại Rock and Roll Hall of Fame, cho thấy hiện tượng ABBA vẫn chưa bao giờ chấm dứt.

Ấy vậy mà, trong phỏng vấn năm 2013 với BBC, Agnetha cho rằng: “Vì sao chúng tôi nên làm điều đó (tái hợp)? Chúng tôi đã thực hiện quá nhiều bản nhạc, trong suốt một thời gian dài. Thực tế rằng chúng tôi đã có hai cuộc ly hôn, và chẳng còn ý nghĩa gì cả, tôi cho là thế, khi quay lại với nhau”.

Theo George Starostin, nhà phê bình âm nhạc kiêm ngôn ngữ học người Nga: “Những người có thẩm mỹ âm nhạc trình độ cao, và phần lớn những nhóm nghe rock nặng nói riêng, chắc chắn sẽ đấm vỡ mũi tôi vì dám cả gan xếp ABBA trong cùng danh sách với Beatles, [Rolling] Stones, Led Zeppelin.

Tôi biết rồi: cái thứ nhạc thị trường, bóng lưỡng, sôcôla viên dành cho những tay ẻo lả và những bà nội trợ lụ khụ thích nhạc “sạch sẽ” hơn là “hay” [...]. Cho dù doanh số bán ra của album chẳng thể là một lập luận xác đáng cho khả năng của một ban nhạc, doanh số bán của ABBA là một cái gì đó không thể chối cãi được, khi người ta mua album của ABBA thay vì của Spice Girls hay Britney Spears. [...]

Họ chơi nhạc pop, nhưng khác với hàng ngàn nhóm nhạc pop theo sau (và trước) họ, ABBA có một thứ mà hầu hết các nhóm nhạc khác chỉ có thể mơ mà không có: hai gã B, Benny Andersson và Björn Ulvaeus. Họ là những thiên tài âm nhạc.

Họ sáng tác nghiêm túc, với pop, rock, jazz và ảnh hưởng từ nhạc cổ điển thấm đẫm nhưng đầy hài hòa. Ở đỉnh cao, họ sáng tác ra những chuỗi hợp âm thú vị, khó ngờ, riêng có, và những câu hát khiến những nhóm pop kém tưởng tượng cùng thời tức chết vì hổ thẹn”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận