Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại công trường dự án đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp, TP.HCM), nhiều hạng mục đang được xây dựng. Tuy nhiên, một số đoạn vẫn còn vướng mặt bằng và lưới điện, dù số nhiều nhà dân hai bên đường đã lùi vào 5 - 10m.
Vấn đề này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, mà còn ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết theo kế hoạch từ đầu năm chủ đầu tư đăng ký với UBND TP.HCM thì công trình sẽ hoàn thành vào ngày 30-12-2024, nhưng với điều kiện nhận được toàn bộ mặt bằng trong tháng 9-2024.
Tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gần nhất, quận Gò Vấp đã bàn giao 418/425 mặt bằng. Trong đó còn 2 trường hợp là hộ dân, 1 trường hợp cây xăng, 1 đơn vị quân đội và 3 lô cốt.
Hiện chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với quận Gò Vấp, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng.
Về tiến độ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (thu hồi trụ điện, viễn thông), chủ đầu tư đang đẩy nhanh xây dựng ở các mặt bằng đã được giao để giải ngân vốn đầu tư công, nhưng gặp rất nhiều khó khăn do vướng công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu chưa được thu hồi.
Chủ đầu tư đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung giải quyết. Đầu tháng 11, chủ đầu tư tổ chức buổi làm việc với Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Công ty Điện lực Gò Vấp, Ban quản lý dự án lưới điện phân phối.
Qua đó, các đơn vị ngành điện báo cáo khó khăn về đấu thầu, nhập khẩu các thiết bị… và phấn đấu thu hồi lưới điện trước quý 2-2025.
Như vậy, với tiến độ bàn giao mặt bằng và di dời lưới điện như trên, thời gian hoàn thành công trình sẽ chậm so với kế hoạch.
Dự kiến tại các vị trí đã có mặt bằng, chủ đầu tư sẽ cho thảm 1 lớp nhựa để có thể thông xe tạm thời, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trước 15-1-2025.
Tuy nhiên để đảm bảo an toàn giao thông, ngành điện phải phối hợp thu hồi ngay các trụ điện nằm ở diện tích mặt đường đã mở rộng vào đầu tháng 12. Các đơn vị thống kê có khoảng 21 trụ điện, đa số là các trụ hạ thế cấp điện vào các hẻm, án ngữ trên phần đường mới không thành hàng và sẽ gây mất an toàn giao thông.
Sau khi ngành điện lực, viễn thông thu hồi xong toàn bộ lưới điện và bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư sẽ xây dựng phần khối lượng còn lại, thảm nhựa, sơn đường, hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng, lắp dải phân cách… trong khoảng một tháng.
Chủ đầu tư kiến nghị Tổng công ty Điện lực TP.HCM, viễn thông thành phố quan tâm, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ ngầm hóa, di dời hệ thống trụ điện, không phát sinh chậm trễ.
Trước đó, tại cuộc họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 7-11, ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVN) - cho biết gặp khó khăn trong việc tiếp nhận mặt bằng để ngầm hóa điện, nên chậm thu hồi cột và dây điện. Ngành điện lực nhận một phần trách nhiệm.
Việc bàn giao mặt bằng và nhập khẩu các vật tư thiết bị điện cho tuyến đường Dương Quảng Hàm kéo dài thời gian. Do đó, để hoàn thành ngầm hóa và di dời lưới điện dự kiến phải kéo dài đến tháng 6-2025.
Nhiều dự án bị "đe dọa" tiến độ vì vướng mặt bằng
Một số dự án giao thông khác tại TP.HCM cũng đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch với cùng nguyên nhân chính là vướng mặt bằng. Như đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, nút giao An Phú, đường song hành quốc lộ 50...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận