Phim Everest - Người tuyết bé nhỏ và phim Điệp vụ Biển Đỏ đều cài cắm những thông tin bất lợi cho chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Cần nêu cao cảnh giác trong việc duyệt các xuất bản phẩm như sách và phim.
Giáo sư - tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: Cần xử thật nghiêm
Chuyện thỉnh thoảng lại sểnh ra một cái, nhỡ cái nọ, cái kia vẫn có. Nhưng tại sao những sai sót vẫn liên tục xảy ra? Có phải vì chúng ta chưa bao giờ xử lý triệt để, toàn để hòa cả làng nên mới thế?
Chuyện váy ngắn, váy dài hở ra một tí đã nhặng cả lên, thì chuyện liên quan đến chủ quyền quốc gia sao có thể im lặng được? Tôi từng biết trong lĩnh vực xuất bản có để lọt một cuốn sách có nội dung phương hại đến chủ quyền quốc gia, người đứng đầu nhà xuất bản đã bị xử lý rất nặng.
Đây là vấn đề về phim thì cũng phải làm rõ trách nhiệm của những người duyệt phim, tại sao lại để lọt nội dung có hại vào phim. Phải xử thật nghiêm minh cho người ta nhớ, lần sau người ta sẽ không để lọt nữa.
Đã là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm trước dân thì càng phải nêu cao ý thức, sao có thể ngu ngơ trước các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia được?
Nếu những cấp cao mà thờ ơ thì làm sao dân tin tưởng được. Sức mạnh quốc gia không nằm ở tàu ngầm, máy bay đâu mà ở lòng dân. Khi dân mất lòng tin sức mạnh quốc gia sẽ yếu đi. Nên tôi rất mong những cấp lãnh đạo cần phải sát sao hơn nữa đến vấn đề này.
Giáo sư Trần Ngọc Vương: Họ cài cắm thì mình cũng phải biết cách phát hiện
Nếu Trung Quốc cố ý cài cắm những thông tin bất lợi về chủ quyền biển cho Việt Nam vào trong phim thì mình cũng phải có cách để phát hiện chứ.
Đây là vấn đề nhận thức của những người kiểm duyệt. Khi quyết định cho phổ biến phát hành xuất bản phẩm thì họ phải có trách nhiệm rà soát rất kỹ sản phẩm đó.
Hiện giờ chiến tranh tâm lý, tuyên truyền tri thức được các nước triển khai rất bài bản, tinh vi. Nên các cơ quan hữu trách ở Việt Nam cũng phải đề cao cảnh giác và phải tự nâng cao trình độ.
Trong câu chuyện này tôi thấy trách nhiệm thuộc về Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch rất rõ.
Biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Việc duyệt phim rất căng thẳng
Tôi đã từng ngồi Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện 5 năm, tôi biết công việc này nặng nề thế nào.
Vì xem phim đồng nghĩa cùng một lúc phải theo dõi tất cả các yếu tố âm thanh, hình ảnh (trong hình ảnh có bối cảnh, diễn viên, trang phục). Người xem phải căng mắt, căng tai, chỉ sơ sẩy chút thôi là để lọt thông tin.
Trước kia ít phim, duyệt không phức tạp như bây giờ. Còn hiện nay mỗi ngày duyệt đến hai phim, những thành viên hội đồng tầm 50, 60 tuổi sẽ phải chịu áp lực rất lớn về thể chất lẫn tinh thần. Thù lao cho mỗi buổi duyệt phim cũng rất thấp.
Khi làm việc với cường độ liên tục sẽ xảy ra tình trạng bão hòa, sẽ có lúc sẽ bị xao nhãng. Đặc biệt là bây giờ phim phức tạp hơn, khi có nhiều ý đồ chính trị cài cắm tinh vi hơn, đòi hỏi người duyệt căng thẳng hơn bao giờ hết. Đến giờ phim hoạt hình còn cài cắm ý đồ chính trị nữa là…
Nhưng đã làm công việc này không có cách nào khác phải căng mắt, căng tai mà duyệt, không làm được thì thôi. Và nếu sai thì cũng phải chịu trách nhiệm, đâu có cách nào khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận