Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Marc E. Knapper nghe về công tác rà phá bom mìn vật liệu chưa nổ dưới chân đồi A Bia, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 10-1 - Ảnh: HỒNG VÂN
Đường lên đỉnh đồi A Bia sạch bom mìn
Ngày 10-1, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức tổng kết dự án "Rà phá bom mìn vật nổ tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 3".
Dự án được triển khai từ tháng 3 đến hết tháng 12-2022, đã phát hiện và xử lý 235 vật liệu nổ các loại gồm bom phá, bom bi các loại, lựu đạn, đạn pháo, pháo cối các loại, tên lửa… trên diện tích hơn 50ha với kinh phí từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Phan Quý Phương cho biết: "Việc loại bỏ bom mìn trên địa bàn đã góp phần đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, tạo tiền đề để phát triển du lịch tại di tích lịch sử đồi A Bia".
Theo ông Phương, ô nhiễm bom mìn tại huyện miền núi biên giới A Lưới và các địa phương khác của tỉnh Thừa Thiên Huế còn rất lớn, gây ra nguy cơ lớn cho người dân và thiệt hại về kinh tế.
Sau 10 tháng triển khai, dự án đã làm cho 50ha đất đai ở xã Lâm Đớt, huyện A Lưới không còn ô nhiễm do bom mìn, người dân an tâm canh tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Đồng thời, dự án cũng giúp nâng cao năng lực kỹ thuật rà phá bom mìn và các vật liệu nổ cho hơn 50 cán bộ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế và cán bộ tham gia dự án.
Các trang thiết bị được bàn giao sau khi tổng kết dự án cho Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam trị giá 50.000 USD, trong đó có một xe Ford Ranger và các máy dò cầm tay để được sử dụng khảo sát và rà phá bom mìn ở Việt Nam.
Cựu thù thành bạn bè
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - ông Marc E. Knapper cho biết: "Hôm nay là một ngày có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện được tầm quan trọng của những nỗ lực hòa giải đang được thực hiện giữa hai quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ.
Hôm nay chúng ta có thể chính thức tuyên bố đường dẫn lên đỉnh đồi A Bia đã không còn ô nhiễm bom mìn và vật liệu chưa nổ để bàn giao cho người dân địa phương.
Trận chiến ở đồi A Bia được người Mỹ biết đến với tên gọi "đồi thịt băm" vì tính chất hủy diệt của nó. Đó là nơi những người lính ở cả hai phía đã ngã xuống và bị thương trong 11 ngày diễn ra trận chiến này.
Đây từng là địa danh của sự tàn phá và hủy diệt nhưng ngày hôm nay chúng ta có mặt ở đây với tư cách là đối tác, là bạn bè.
Chúng ta thường được nghe câu "Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai" trong quan hệ ngoại giao hai nước, buổi lễ ngày hôm nay là minh chứng cho câu nói này. Chúng ta có thể tóm lại một chương giao tranh giữa hai quốc gia và tập trung vào tương lai chung xán lạn giữa hai nước".
Theo Đại sứ Knapper, Mỹ đã đóng góp hơn 185 triệu USD vào các chương trình khảo sát và rà phá bom mìn, vật liệu chưa nổ trên khắp Việt Nam, trao trả lại hàng triệu m2 đất an toàn khỏi bom mìn, vật liệu chưa nổ từ thời chiến tranh cho Việt Nam.
Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam Nguyễn Văn Nghiệp (trái) và Giám đốc quốc gia Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy tại Việt Nam Jan Erik Stoa ký biên bản bàn giao trang thiết bị dự án ngày 10-1 - Ảnh: HỒNG VÂN
Hơn 50 cán bộ rà phá bom mìn vật liệu chưa nổ được nâng cao năng lực trong dự án - Ảnh: HỒNG VÂN
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper chụp ảnh kỷ niệm với các cán bộ rà phá bom mìn vật liệu chưa nổ dưới chân đồi A Bia, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 10-1 - Ảnh: HỒNG VÂN
Lễ giới thiệu về kết quả dự án "Rà phá bom mìn vật nổ tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 3" dưới chân đồi A Bia ngày 10-1 - Ảnh: HỒNG VÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận