Sáng 8-10, bốn nhà leo núi: Nguyễn Trọng Thành (Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng), Nguyễn Minh Triết (Trường THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế), Nguyễn Việt Thành (Trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội), Lê Xuân Mạnh (Trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa) bước vào tranh tài gay cấn tại vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23.
Bên cạnh chiếc vòng nguyệt quế danh giá, quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23 sẽ nhận được giải thưởng trị giá 50.000 USD. Đây là mức giải thưởng cao nhất từ trước đến nay.
Đồng thời, giải thưởng đối với các thí sinh đoạt giải nhì, giải ba cũng tăng lên gấp đôi so với năm ngoái: giải nhì: 200 triệu đồng, giải ba 100 triệu đồng.
Không dẫn đầu ở các vòng thi Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc nhưng chính sự bứt phá ở phần thi Về đích đã giúp Xuân Mạnh giành được vòng nguyệt quế vinh quang.
Giải nhì thuộc về Trọng Thành với giải thưởng 200 triệu đồng và giải ba trị giá 100 triệu đồng thuộc về Việt Thành.
Lê Xuân Mạnh trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2023
Cuộc đua gay cấn
Trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2023 bắt đầu với phần thi đầu tiên Khởi động. Trải qua 3 lượt câu hỏi, Trọng Thành tạm dẫn đầu với số điểm 65, Minh Triết và Việt Thành cùng được 30 điểm, Xuân Mạnh 10 điểm.
Ở phần thi Vượt chướng ngại vật, chương trình đưa ra thử thách với 15 chữ cái. Ngay câu hỏi đầu tiên, Minh Triết đã đưa ra đáp án đúng "Thiên nhiên". Chỉ với một góc hình ảnh từ khóa được lật mở, Việt Thành đã bấm chuông giành quyền trả lời từ khóa chương trình là "Năng lượng tái tạo" và giành 40 điểm.
Việt Thành cũng chính là thí sinh xuất sắc, trả lời đúng tất cả các từ khóa chương trình từ các vòng thi tuần, thi tháng và thi quý.
Điểm số các thí sinh sau vòng thi này lần lượt là Việt Thành 70, Trọng Thành 65, Minh Triết 40 và Xuân Mạnh 10.
Phần thi Tăng tốc, ngay từ câu hỏi đầu tiên, 4 thí sinh đều có câu trả lời đúng. Đến câu hỏi thứ hai, chỉ có Việt Thành và Trọng Thành trả lời đúng. Câu hỏi thứ 3, cả 4 nhà leo núi đã không có đáp án đúng.
Đến với câu hỏi hình ảnh cuối cùng, Trọng Thành có câu trả lời chính xác và nhanh nhất, giành lại được vị trí dẫn đầu với 165 điểm. Việt Thành xuống vị trí thứ hai (120 điểm), tiếp đến là Xuân Mạnh (100 điểm), Minh Triết (70 điểm).
Bước vào vòng thi Về đích, vòng thi cuối cùng, Trọng Thành là thí sinh đầu tiên chọn gói câu hỏi. Cậu đã chọn 3 câu 20 điểm. Tuy nhiên cậu trả lời sai câu hỏi đầu tiên, Việt Thành nhấn chuông giành quyền trả lời đúng được cộng 20 điểm, nâng tổng số lên 140 điểm.
Câu hỏi thứ hai, Trọng Thành tiếp tục không đưa ra đáp án đúng. Minh Triết nhấn chuông, trả lời đúng được cộng thêm 20 điểm, nâng tổng số lên 90 điểm.
Ở câu hỏi cuối cùng, Trọng Thành lựa chọn ngôi sao hy vọng, trả lời đúng và giữ nguyên điểm số 165 điểm.
Việt Thành chọn gói câu hỏi 30 - 20 - 20 điểm. Câu hỏi đầu tiên, Việt Thành đưa ra đáp án sai. Trọng Thành nhanh chóng bấm chuông xin trả lời và giành được 30 điểm nữa.
Việt Thành quyết định chọn ngôi sao hy vọng ở câu hỏi thứ hai nhưng vẫn không có câu trả lời đúng. Một lần nữa Trọng Thành giành quyền trả lời và được 20 điểm, nâng tổng số điểm của mình lên 215. Ở câu hỏi cuối cùng, Việt Thành trả lời đúng, được 110 điểm sau phần thi này.
Tới lượt Xuân Mạnh, cậu chọn gói câu hỏi 3 câu 30 điểm. Câu đầu tiên Mạnh có đáp án đúng. Câu thứ 2 cậu trả lời sai. Câu thứ 3, cậu chọn ngôi sao hy vọng và giành được 60 điểm. Tổng điểm của cậu lúc này là 190.
Là thí sinh cuối cùng thi Về đích, Minh Triết khá xúc động khi nhận được sự cổ vũ từ các thầy cô, bạn bè và gia đình ở trường quay cũng như ở điểm cầu. Cậu gửi lời cảm ơn mọi người, sau đó chọn gói câu hỏi 3 câu 30 điểm.
Ở câu hỏi đầu tiên, Minh Triết nhanh chóng có đáp án đúng. Đến câu thứ 2, cậu trả lời sai. Xuân Mạnh nhấn chuông và có câu trả lời chính xác, giành thêm được 30 điểm, vượt qua Trọng Thành với 220 điểm.
Đến với câu hỏi cuối cùng, một điều chưa có tiền lệ ở Đường lên đỉnh Olympia đã xảy ra: Minh Triết quyết định không đưa câu trả lời, nhường cơ hội cho hai thí sinh đang có điểm số cao nhất là Xuân Mạnh (220) và Trọng Thành (215) tranh tài. Trọng Thành nhanh chóng bấm chuông, song lại không có câu trả lời đúng.
Chung cuộc, Xuân Mạnh dẫn đầu với 220 điểm, Trọng Thành 200 điểm, Việt Thành 95 điểm, Minh Triết 90 điểm.
"Nhà leo núi" mơ trở thành bác sĩ
Chia sẻ cảm xúc sau trận chung kết "nghẹt thở" vừa diễn ra, Xuân Mạnh cho biết qua hai phần thi đầu điểm số của em vẫn rất "lẹt đẹt", nhưng em chưa bao giờ nghĩ mình hết cơ hội chiến thắng, "có thể gỡ lại ở các vòng thi sau".
"Câu hỏi giúp em chiến thắng chính là câu cuối cùng phần thi Về đích, em đã dùng ngôi sao hy vọng và vượt lên. Nếu không có câu này, cơ hội chiến thắng của em gần như bằng 0.
Em rất tự hào khi được đại diện cho quê hương và trở thành 'nhà leo núi' đầu tiên mang vòng nguyệt quế trận chung kết về cho tỉnh Thanh Hóa. Em muốn dành tặng chiến thắng này tới tất cả những người đã ủng hộ em trong thời gian qua", Xuân Mạnh nói.
Xuân Mạnh tiết lộ người truyền cảm hứng cho em đến với Đường lên đỉnh Olympia chính là bà nội đã qua đời cách đây 6 năm.
"Vì bà rất thích chương trình Đường lên đỉnh Olympia nên từ khi còn nhỏ em đã luôn muốn được trở thành một phần của cuộc thi, vì vậy em đăng ký tham gia. Kết quả ngày hôm nay cũng như một món quà để em gửi đến bà", Mạnh nói.
Thế nhưng hành trình đăng ký thi Đường lên đỉnh Olympia của Mạnh không mấy suôn sẻ. Đợt đầu tiên đăng ký, cậu gửi bản đăng ký sai địa chỉ. Lần thứ hai gửi đơn, cậu cũng không nhận được hồi âm.
"Cho đến khi được ban tổ chức gọi thi đợt ba, em như vỡ òa. Lúc ấy chỉ đặt mục tiêu qua vòng tuần, thậm chí nghĩ có thua thì đừng thua quá đậm. Vào chung kết là kết quả ngoài mong đợi của em", Mạnh chia sẻ.
Trước khi bước vào trận chung kết, Mạnh tâm sự: "Đây là trận đấu cuối cùng, nên em nghĩ tất cả sẽ làm hết mình, có thể truyền cảm hứng cho các khóa sau".
Thầy giáo Dương Văn Hạnh - giáo viên dạy môn toán, là chủ nhiệm của em Lê Xuân Mạnh - nhận xét lợi thế của Mạnh là ý thức ham học hỏi, tinh thần quả cảm trong các cuộc thi.
Mạnh đang học đội tuyển toán nhưng thầy giáo luôn có cảm giác Mạnh học chuyên nào cũng được, vì em học đều, khả năng ghi nhớ và nền tảng kiến thức tốt, thái độ học nghiêm túc. Mạnh cũng năng nổ trong các hoạt động của Đoàn trường, nhiệt tình với bạn bè, cân bằng tốt giữa việc học và giải trí, vui chơi, không thuộc dạng "mọt sách".
Bà Vũ Thị Hường, mẹ của quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23, cho biết rất vui và tự hào về thành tích mà Mạnh đã cố gắng đạt được.
Theo bà Hường, Mạnh là người có tư chất tốt, rất hòa đồng, hiểu chuyện, được bạn bè, hàng xóm yêu mến. Tuy vậy, Mạnh vẫn còn là học sinh, sống cảm xúc.
"Cháu rất kỷ luật, từ nhỏ tôi đã rèn luyện để tu chí học hành. Cứ 19h tối, dù bận thế nào, con cũng dành thời gian học. Bên cạnh thành tích học tập tốt, cháu còn tham gia Đoàn thanh niên địa phương, hỗ trợ cơm nước khi mẹ vắng nhà. Từ bé, con rất giỏi lịch sử, văn học, ham mê đọc sách của anh", bà Hường bày tỏ.
Anh Lê Xuân Dương - anh trai của Mạnh, chia sẻ chiến thắng trong vòng chung kết Đường lên đỉnh Olympia chính là niềm vui, vinh dự, cái kết mỹ mãn cho những nỗ lực của em trai.
Nói về một số câu mất điểm đáng tiếc của em trai, Dương bày tỏ dù là chuyên toán song thời gian tính toán ngắn, câu hỏi tại vòng chung kết là thách thức với mọi thí sinh.
"Trước khi đi thi, Mạnh nói rằng nếu không vô địch em sẽ không buồn, mà coi đó là động lực cố gắng ôn luyện để thực hiện ước mơ làm bác sĩ", anh Dương nói.
Ngoài vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia, Xuân Mạnh từng đoạt giải ba môn toán và vật lý kỳ thi 9 môn văn hóa cấp thành phố năm học 2020-2021, giải nhì môn hóa học và sinh học và giải ba môn toán học kỳ thi học sinh giỏi cấp trường năm học 2022-2023.
Xuân Mạnh còn là thủ khoa khối B năm học 2021-2022 và học kỳ I năm học 2022-2023 trong kỳ thi chọn khối của nhà trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận