06/04/2018 14:38 GMT+7

Đường lên đỉnh cao khoa học của thầy dạy toán 'tỉnh lẻ' Nguyễn Sum

DUY THANH
DUY THANH

TTO - 'Với toán học, hãy đam mê và nghiên cứu nghiêm túc thì cơ hội 'hái quả ngọt' sẽ đến, không cần phải ở trung tâm nghiên cứu lớn nào cả” - PGS.TS. Nguyễn Sum - vừa được vinh danh trong top 100 nhà khoa học châu Á năm 2018, nói.

Đường lên đỉnh cao khoa học của thầy dạy toán tỉnh lẻ Nguyễn Sum - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Sum - Ảnh: NVCC

Trước đó, năm 2017, ông Sum cũng được Bộ Khoa học và công nghệ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 - giải thưởng khoa học duy nhất ở Việt Nam do chính các nhà khoa học chọn ra.

Xin nghỉ quản lý để tập trung nghiên cứu

Việc PGS Sum được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu và được vinh danh là 1 trong 100 nhà khoa học xuất sắc nhất châu Á năm 2018 được cho là một bất ngờ.

Bởi Trường ĐH Quy Nhơn nơi ông công tác không phải là trung tâm nghiên cứu về toán học của Việt Nam, nhưng công trình của PGS. Nguyễn Sum lại được đăng tải trên một tạp chí khoa học về toán học hàng đầu.

Công trình giúp PGS Nguyễn Sum đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu và được vinh danh top 100 nhà khoa học châu Á là "Về bài toán hit của Peterson", thuộc lĩnh vực Tôpô Đại số, được đăng tải trên tạp chí Advances in Mathematics số 274, ra ngày 9-4-2015 (nguyên văn tên công trình tiếng Anh: "On the Peterson hit problem", Advances in Mathematics, vol. 274, 432-489). Đây là tạp chí toán học có uy tín hàng đầu.

PGS Nguyễn Sum cho biết ông đã dành gần như toàn bộ thời gian 15 năm (1995-2009) để làm công tác quản lý từ cấp khoa đến cấp trường cho Trường ĐH Quy Nhơn, trong đó 5 năm làm phó hiệu trưởng (2004-2009).

Đến tháng 10-2009, thấy sức khỏe không đảm bảo cho công tác quản lý, đồng thời muốn dành toàn bộ thời gian còn lại để nghiên cứu bài toán này của Peterson, ông đã xin thôi làm công tác quản lý, chỉ làm giảng viên Khoa Toán của trường.

Ông dành 7 năm để "sống chết" với công trình này và cuối cùng thành công, được giới nghiên cứu về toán quốc tế công nhận.

"Cháy" hết mình với toán

Đường lên đỉnh cao khoa học của thầy dạy toán tỉnh lẻ Nguyễn Sum - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Sum (trái) nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 - Ảnh: NVCC

Sau thành công của công trình được đăng tải trên Advances in Mathematics, PGS Nguyễn Sum cho biết ông đang tiếp tục nghiên cứu bài toán này.

Ông cho biết đã công bố thêm ba bài nữa về bài hit của Peterson, trong đó có hai bài trên tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học Pháp và một bài trên tạp chí toán học uy tín của Việt Nam là Acta Mathematica Vietnamica.

"Tôi làm khoa học, được cộng đồng khoa học tín nhiệm, đương nhiên rất vinh dự. Vui hơn là mình ở một thành phố nhỏ, Trường ĐH Quy Nhơn nơi tôi công tác cũng chưa phải là trung tâm nghiên cứu về toán của Việt Nam, nhưng mình cũng đóng góp một phần nhỏ công sức vào thành quả chung về nghiên cứu khoa học đạt được trình độ quốc tế", ông nói.

Ông Sum cho biết khác với nhiều chuyên ngành nghiên cứu khác phải ở những trung tâm lớn của đất nước mới có thể nghiên cứu sâu và thành công, toán học không cần như vậy.

Quan trọng nhất vẫn là tư duy của người nghiên cứu toán học. Thực tế cho thấy nếu đam mê và nghiên cứu nghiêm túc thì người làm toán ở bất kỳ đâu, không gian nào, tỉnh lẻ hay thành phố lớn, đều có cơ hội hái quả ngọt",

PGS Nguyễn Sum

Con trai lớn của ông Sum nay đã 32 tuổi, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán học tại Úc. Còn ông, dù có nhà và vợ cùng con gái đều ở TP.HCM, nhưng ông vẫn gắn bó với Trường ĐH Quy Nhơn, với quê hương Bình Định. 

Ông cho hay cũng đã từng đi dạy thỉnh giảng ở TP.HCM, cũng có một số lời mời, nhưng ông thấy chỉ ở Quy Nhơn mới có điều kiện tốt nhất để vừa giảng dạy, vừa "cháy" hết mình với toán mà không phải xa quê.

"Làm toán trở thành một nhu cầu và tôi chưa nghĩ đến việc khi nào mình sẽ dừng lại", ông cho biết.

Hi vọng tạo động lực cho thế hệ trẻ

"Tôi nghĩ thành công này sẽ động lực để cho cá nhân tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa về khoa học toán, đồng thời nó cũng là động lực để các nhà khoa học trẻ hơn ở Trường ĐH Quy Nhơn và các trường khác không phải ở trung tâm nghiên cứu khoa học có thể tự tin nghiên cứu khoa học cơ bản nhiều hơn nữa", vị tiến sĩ 57 tuổi quê xã Cát Tài (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) hi vọng.

Ông dẫn chứng: khoa toán Trường ĐH Quy Nhơn, dù ở tỉnh xa, dù không phải là trường dạng "top" của Việt Nam, nhưng đã có 27 tiến sĩ, 10 người đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài và trở thành một trong ba trung tâm nghiên cứu về toán lớn nhất nước, chỉ sau Hà Nội và TP.HCM.

"Anh em ở khoa tôi hàng năm đều đạt nhiều giải thưởng toán học nằm trong chương trình trọng điểm quốc gia do Bộ Giáo dục và đào tạo công nhận", ông cho biết.

Năm ngoái, PGS Nguyễn Sum hướng dẫn cho 2 học trò làm nghiên cứu sinh về toán và đều bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Cả 2 người này đều có công trình đăng trên tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học Pháp mà ông đánh giá là "có tầm cỡ quốc tế".

Công trình đặc biệt xuất sắc

"Đây là một công trình khoa học đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực tô pô đại số, nó được thực hiện hoàn toàn trong nước bởi một tác giả duy nhất. Đây là một bước tiến mới trong việc giải quyết giả thuyết Peterson kể từ năm 1990.

PGS.TS Nguyễn Sum đang làm việc tại Đại học Quy Nhơn, nơi không phải là một trung tâm toán học của Việt Nam. Ông đã không chạy theo số lượng công bố công trình khoa học (số bài báo đã được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín có thể đếm trên đầu ngón tay) mà kiên trì theo đuổi bảy năm liền giả thuyết "hit" là một bài toán mở rất khó chưa có lời giải trọn vẹn trong lĩnh vực tô pô đại số. Kết quả nghiên cứu và Giải thưởng Tạ Quang Bửu là phần thưởng xứng đáng cho sự quyết tâm và kiên trì của PGS.TS Nguyễn Sum"

GS.TS ĐINH DŨNG

(Phó chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017)

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên