Phóng to |
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (thứ hai từ trái qua) trên trường quay Đường lên Điện Biên - Ảnh: NVCC |
* Ðường lên Ðiện Biên mùa này đã trắng hoa như 60 năm về trước, lúc các chàng Vệ quốc đoàn hào hoa cùng các cô dân công hỏa tuyến xinh đẹp gặp nhau trên đường đi kháng chiến chưa, thưa anh?
- Các loài hoa đang nở trắng khắp núi rừng Tây Bắc. Bối cảnh phim thường chìm khuất trong sương mù. Năm nay may mắn hơn các năm là ít mưa, tuy vậy thời tiết thì lạnh giá, ảnh hưởng nhiều đến diễn xuất của diễn viên và tiến độ sản xuất phim của chúng tôi. Kế hoạch sản xuất 25 tập phim truyền hình Ðường lên Ðiện Biên rất gấp, chúng tôi bắt đầu một tháng trước khi nghỉ Tết Nguyên đán và dự định kết thúc phim sau khoảng một tháng nữa.
Đường lên Điện Biên của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (kịch bản: Lê Ngọc Minh - Khuất Quang Thụy - Bùi Tuấn Dũng) là câu chuyện từ năm 1954 với những chàng Vệ quốc đoàn hào hoa rời thủ đô đi kháng chiến và những cô dân công hỏa tuyến xinh đẹp, nết na. Tình yêu và lửa đạn, máu và nước mắt cùng hào khí ngàn năm hội tụ ở một thế hệ cha ông được thể hiện lãng mạn mà bi tráng... Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết: hình ảnh Tổ quốc và tình yêu là chủ đề xuyên suốt của phim. Phim dự kiến phát sóng trung tuần tháng 4-2014 trên VTV1. |
* Sau những Ðường thư, Những người viết huyền thoại, giờ lại là Ðường lên Ðiện Biên. Tại sao cứ phải là phim chiến tranh dù là phim truyện hay phim truyền hình? Vì đó là thể loại anh tự tin nhất hay là... tùy duyên?
- Thật ra tôi hay làm và thích làm thể loại phim hành động. Ðó có thể là tâm lý hành động, hình sự hành động hoặc chiến tranh... Tôi không thích những phim diễn viên chỉ đi đứng nằm ngồi và đối thoại. Diễn viên trong phim tôi luôn phải hoạt động. Tôi thích những cảnh quay nhiều hành động. Diễn viên phải dao súng, ngựa xe, võ nghệ... Tuy nhiên hài hước và lãng mạn là yếu tố đối trọng làm mềm đi vẻ xù xì, cứng nhắc của những yếu tố trên. Tôi cũng thường cố gắng đầu tư sâu vào các chi tiết gây cười và những cảnh quay đẹp.
* Kịch bản Ðường lên Ðiện Biên sẽ có gì để anh tin là hấp dẫn khán giả hơn một phim "cúng cụ" đúng ngày bởi phim dự kiến phát sóng vào tháng tư này, ai cũng biết là để kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ðiện Biên?
- Dù là đề tài gì, câu chuyện gì thì yếu tố hấp dẫn của phim với tôi luôn được đặt lên hàng đầu. Những chi tiết lạ là một trong những yếu tố cuốn hút khán giả, rồi các xung đột chồng chéo giữa các tuyến nhân vật, những cảnh quay luôn ấn tượng về một trong những thời kỳ lịch sử quan trọng liên quan đến sinh mệnh của cả dân tộc: cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngoài ra âm nhạc, bối cảnh, kỹ xảo... cũng là những yếu tố quan trọng cuốn hút người xem.
* Anh đặt câu chuyện này vào những gương mặt nào anh tin là họ sẽ đến và ở lại được trong lòng khán giả?
- Dàn diễn viên của phim khá trẻ trung, trong đó có những diễn viên mới đầy triển vọng như Nguyễn Mạnh Trường hoặc khán giả sẽ gặp lại những diễn viên kỳ cựu như Hoàng Hải (vai tướng Dinh trong Những người viết huyền thoại). Ðặc biệt tôi tự hào nhất bởi Ðường lên Ðiện Biên được quay bởi hai tay máy kỳ cựu là nhà quay phim Lý Thái Dũng và nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn. Tôi và êkip của chúng tôi muốn cái đọng lại trong khán giả là nhân vật và số phận nhân vật. Chúng tôi cùng xây dựng lên nhân vật chứ không dựa vào tên tuổi của diễn viên tạo dấu ấn cho phim.
* Khó khăn nhất để thực hiện phim này nằm ở khâu nào? Phục trang? Bối cảnh? Khói lửa hay đạn bom? Và anh đã "cầu viện" ở những đâu, như thế nào để Ðường lên Ðiện Biên sẽ chân thực nhất?
- Tôi làm phim truyện nên không rập khuôn cứng nhắc những yếu tố mang tính tài liệu để làm phim. Tôi biết rất rõ những gì mình đang làm nên khước từ hiện thực, ngay cả khi đó là phim nhựa về chiến tranh. Tái tạo một cảnh phim chiến tranh là vô cùng khó. Tất cả yếu tố từ phục trang, đạo cụ, khói lửa... đều rất quan trọng nhưng tôi có những bè bạn hiểu việc và làm việc một cách chuyên nghiệp, nhiều người trong số họ đã đi cùng tôi trong các phim chiến tranh kể trên. Hiệu quả ra sao, khán giả đã biết. Còn bây giờ, khó khăn ư? Tôi không cảm thấy khó khăn nữa vì có quá nhiều khó khăn.
CÁT KHUÊ thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận