Đường lây truyền viêm gan siêu vi. Ảnh minh họa. Nguồn: lilyapp.me
Viêm gan siêu vi là bệnh viêm gan do nhiều loại siêu vi trùng (virus) khác nhau gây ra. Hiện nay, người ta đã biết có đến 6 loại siêu vi gây viêm gan và được đặt tên lần lượt là siêu vi A, B, C, D, E, G. Hầu hết các siêu vi trên đều gây viêm gan cấp tính nhưng viêm gan do siêu vi A và E thường tự khỏi, còn siêu vi B, C, D có thể diễn tiến kéo dài thành viêm gan mạn tính, rồi dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan. Ngoài ra, một số loại siêu vi khác cũng có thể gây viêm gan, ví dụ như Cytomegalovirus (CMV), siêu vi Herpes, siêu vi Epstein-Barr... nhưng ảnh hưởng của các loại siêu vi này đối với gan thường không nghiêm trọng và ít gặp nên ít được nhắc đến.
Con đường lây truyền của siêu vi viêm gan rất đa dạng nhưng chủ yếu tập trung vào hai nhóm chính: Nhóm các siêu vi viêm gan lây qua đường ăn uống và nhóm còn lại không lây qua đường tiêu hóa.
Bệnh viêm gan siêu vi lây qua đường ăn uống: Bao gồm siêu vi viêm gan A và E.
- Siêu vi viêm gan A chủ yếu lây lan qua đường miệng do những đồ ăn thức uống bị nhiễm siêu vi A. Siêu vi A tồn tại trong đường ruột, thải ra ngoài qua phân người bệnh. Thức ăn, nước uống, vật dụng, hoặc tay người tiếp xúc với siêu vi A sẽ trở thành nguồn lây nhiễm siêu vi A.
- Siêu vi viêm gan E cũng là loại siêu vi lây qua đường tiêu hóa nhưng chủ yếu là do các nguồn nước bị nhiễm siêu vi E.
Bệnh viêm gan siêu vi không lây qua đường tiêu hóa: Bao gồm nhiều phương cách lây truyền khác nhau.
- Siêu vi viêm gan B:
Ở Việt Nam, đường lây truyền chủ yếu của bệnh là từ mẹ bị nhiễm siêu vi B lây sang cho con trong lúc sinh và lây truyền giữa các trẻ em với nhau. Các con đường khác cũng làm lây lan bệnh như: Truyền máu, quan hệ tình dục (mà không dùng bao cao su) với người bị nhiễm siêu vi viêm gan B, dùng chung những vật dụng có thể dính máu như kim chích, kim châm cứu, kim xăm mình, bàn chải đánh răng, dao cạo râu... với người bị nhiễm siêu vi B. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị lây bệnh khi đi chữa răng, nội soi, hoặc được làm những thủ thuật mà dụng cụ không bảo đảm vô trùng.
- Siêu vi viêm gan C:
Siêu vi viêm gan C được lây truyền chủ yếu qua đường máu. Do vậy, bất cứ lý do gì mà chúng ta tiếp xúc với máu của những người bị nhiễm siêu vi C thì đều có khả năng mắc bệnh này. Cách đây hơn 20 năm, những trường hợp nhiễm bệnh do truyền máu chiếm 10% nhưng hiện nay, nhờ có các biện pháp sàng lọc tốt ở những người cho máu nên nguy cơ lây nhiễm sau truyền máu đã giảm đi đáng kể. Đường lây truyền khá quan trọng hiện nay là qua việc dùng chung kim và ống chích, thường gặp ở những người tiêm chích ma túy.
Ngoài ra, bệnh còn có thể lây nhiễm qua da-niêm mạc như sử dụng chung kim châm cứu, xăm mình, xỏ lỗ tai, dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu,... với người nhiễm virus viêm gan C. Bên cạnh đó, vấn đề lây nhiễm trong bệnh viện cũng đáng được quan tâm, do phẫu thuật hoặc các thủ thuật như nội soi, sinh thiết, chữa răng mà dụng cụ không đảm bảo tiệt trùng đầy đủ. Những phương cách lây truyền khác như qua tiếp xúc tình dục hoặc do mẹ truyền sang cho con thì ít xảy ra hơn so với viêm gan siêu vi B.
- Siêu vi viêm gan D là loại siêu vi chỉ được phát hiện ở những bệnh nhân đã bị nhiễm siêu vi viêm gan B trước đó vì siêu vi D phải cần lớp vỏ bọc của siêu vi B mới có thể tồn tại và gây bệnh. Do vậy, cách lây truyền siêu vi viêm gan D cũng tương tự như của siêu vi viêm gan B. Ở Việt Nam, tỉ lệ bệnh nhân nhiễm siêu vi viêm gan D rất thấp, do vậy người ta ít quan tâm đến việc tầm soát siêu vi D.
Hiểu biết các phương cách lây truyền bệnh viêm gan siêu vi sẽ giúp ích cho việc phòng ngừa bệnh. Đối với các bệnh lây qua đường ăn uống như viêm gan siêu vi A và E, biện pháp phòng ngừa chủ yếu là thực hiện tốt vấn đề vệ sinh ăn uống bao gồm: Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn sạch uống sôi, vệ sinh từ khâu chế biến thực phẩm, và cũng cần chọn lựa những nơi ăn uống bên ngoài đảm bảo vệ sinh.
Đối với bệnh viêm gan siêu vi B, C, D…, cách phòng ngừa nói chung là tránh tiếp xúc với máu và các loại dịch từ cơ thể người bệnh, không sử dụng chung kim tiêm, các vật dụng cá nhân có thể gây trầy sướt da-niêm như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kềm cắt móng tay… Nên sử dụng bao cao su để phòng tránh việc lây lan qua đường tình dục. Hiện nay, chỉ có viêm gan siêu vi A và B có thuốc vắc-xin chủng ngừa. Các vắc-xin này tương đối an toàn và rất hiệu quả.
Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh - đây là thông điệp chúng tôi muốn gửi tới quý độc giả nhằm hạn chế bệnh viêm gan do siêu vi ở nước ta trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận