27/10/2020 14:33 GMT+7

Đường huyết mạch ngổn ngang sau lũ, vừa nối đường vừa lo sạt lở

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Gần một tuần sau lũ, nhiều tuyến đường huyết mạch của tỉnh Quảng Bình vẫn đang bị tê liệt hoàn toàn bởi hàng chục điểm sạt lở. Ngành giao thông tỉnh này đang cật lực cả ngày lẫn đêm để nối thông đường.

Đường huyết mạch ngổn ngang sau lũ, vừa nối đường vừa lo sạt lở - Ảnh 1.

Quả núi khổng lồ đổ ập xuống đường nên tuyến quốc lộ 12A đã bị tê liệt gần cả tuần sau lũ - Ảnh: QUỐC NAM

Cơn "đại hồng thủy" vừa lắng xuống, những tuyến đường khắp tỉnh Quảng Bình ngổn ngang với hàng chục điểm sạt lở, cản trở nhiều tuyến đường huyết mạch. Để nối lại những tuyến đường này, những ngày qua ngành giao thông vận tải Quảng Bình đã phải huy động nhân lực, máy móc làm cật lực cả ngày lẫn đêm.

Đường huyết mạch tê liệt cả tuần

Tuyến quốc lộ 12A là tuyến đường huyết mạch quan trọng bậc nhất, chỉ sau quốc lộ 1 tại Quảng Bình. Tuyến đường này nối từ quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Ba Đồn lên cửa khẩu quốc tế Cha Lo kéo qua Lào. 

Từ 20-10 đến nay, tuyến đường này hoàn toàn tê liệt vì một quả núi đổ ập xuống lấp một đoạn dài. Mọi hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu trên tuyến đường này phải dừng hoàn toàn. Việc thông đường trở thành nhiệm vụ khẩn cấp và bức thiết sau lũ.

Ngày 27-10 đã là ngày thứ sáu lực lượng của ngành giao thông vận tải phải căng mình dọn quả núi đổ xuống chặn quốc lộ 12A ở đoạn km 137. Có 12 máy múc, 6 máy ủi cùng 20 xe tải chở đất hoạt động liên tục nhưng khối đất đá mới vơi chưa được một nửa. 

Một cán bộ kỹ thuật ở đây cho biết đội máy đã làm cật lực từ sáng sớm đến tận khuya trong suốt những ngày qua. Toàn bộ quả núi đổ xuống khối lượng khoảng 5 triệu khối đất đá. Nhưng phần lớn trong số đó đổ xuống bên taluy âm và taluy dương của tuyến đường nên đội máy chỉ phải dọn số đất đá ở phần chính giữa con đường để thông tuyến tạm thời. 

"Chỉ với chừng đó phần việc thôi thì chúng tôi cũng phải dọn ít nhất 300 ngàn khối đất đá. Đây đã là một con số khổng lồ", người này nói.

Đường huyết mạch ngổn ngang sau lũ, vừa nối đường vừa lo sạt lở - Ảnh 2.

Ngành giao thông đã huy động nhiều máy móc thiết bị làm từ 5h sáng đến 23h đêm để nỗ lực thông đường sớm nhưng không xuể - Ảnh: QUỐC NAM

Ông Phạm Quang Hải - giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Bình, nói tuyến đường 12A là tuyến đường huyết mạch của tỉnh nên áp lực thông đường khẩn cấp là rất lớn. Từ sau khi đoạn đường này bị sạt lở đến nay, lực lượng chuyên trách của sở đã huy động máy móc nhân lực làm ngày làm đêm để sớm thông đường. Dự kiến ít nhất khoảng 2 ngày nữa tuyến đường bị chặt đứt này mới được nối lại tạm thời. 

"Mỗi ngày lực lượng máy móc thiết bị này phải làm từ 5h sáng đến tận 23h đêm mới kịp tiến độ như trên. Nhưng đến đó mới chỉ là thông tạm thời. Mỗi ngày một làn xe đi khoảng trong 1-2 tiếng đồng hồ. Để trả lại hoàn toàn mặt đường này thì còn mất rất nhiều ngày nữa", ông Hải nói.

Vừa nối đường vừa lo

Đường huyết mạch ngổn ngang sau lũ, vừa nối đường vừa lo sạt lở - Ảnh 3.

Tuyến quốc lộ 9E cũng tê liệt nhiều ngày qua vì 4 điểm sạt lớn - Ảnh: QUỐC NAM

Không chỉ tuyến quốc lộ 12A, tuyến quốc lộ 9E cũng bị chặt đứt hoàn toàn bởi bốn điểm sạt lở lớn từ km27 đến km29. Hiện ngành giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình đã huy động 2 máy múc đến hiện trường để dọn dẹp đất đá thông đường. 

Tuyến tỉnh lộ dẫn lên vùng Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch) cũng bị sạt lở chia cắt nhiều ngày. Lực lượng chuyên trách của ngành giao thông Quảng Bình phải làm xuyên đêm đến 5h sáng 25-10 mới thông đường tạm thời. 

"Cùng lúc phải chia lực lượng ra xử lý nhiều điểm sạt lở nên dự kiến để nối lại tuyến quốc lộ 9E này phải mất ít nhất hơn 2 ngày nữa", ông Hải cho biết.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, những trận lũ liên tiếp vừa qua gây tổn thất cực lớn cho các tuyến đường trên toàn tỉnh. Hàng chục điểm sạt lở lớn xuất hiện trên khắp các tuyến đường từ tỉnh lộ đến quốc lộ. Cả tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây cũng có nhiều điểm sạt lở. Thiệt hại là vô cùng lớn.

Ông Hải nói nhiệm vụ nối thông các tuyến đường được xem là nhiệm vụ vô cùng quan trọng không kém việc tái thiết trường học, trạm y tế sau khi lũ rút. Những ngày qua, ngành giao thông vận tải của tỉnh đã huy động tổng lực để khẩn cấp nối những tuyến đường bị chặt đứt bởi sạt lở. Tuy nhiên, việc khắc phục hiện tại ở nhiều điểm vẫn phải cầm chừng vì lo sạt lở tiếp.

Theo ông Hải, điểm sạt lở ở km 137 trên quốc lộ 12A hiện được xem là điểm sạt có nhiều nguy cơ rủi ro nhất. Điểm sạt này hiện có nhiều dấu hiệu bị sạt lở tiếp nên lực lượng dọn dẹp phải cẩn trọng từng gàu đất múc ra. 

"Hiện ngành giao thông phải đặt hệ thống 24 điểm quan trắc bằng vệ tinh trên khu vực núi sạt lở và mỗi giờ đồng hồ phải vào kiểm tra một lần để đảm bảo an toàn. Nếu phát hiện dấu hiệu trượt tiếp thì phải cho ngừng ngay. Vừa khắc phục khẩn cấp nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn", ông Hải nói.

Nhiều tuyến đường sạt lở, người dân vùng cao đi lại khó khăn Nhiều tuyến đường sạt lở, người dân vùng cao đi lại khó khăn

Tuy chưa vào cao điểm mùa mưa nhưng một số huyện vùng cao Quảng Ngãi đã xuất hiện sạt lở núi, sạt lở đường đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Ngoài nguyên nhân do mưa kéo dài thì tình trạng một số công trình giao thông thi công ẩu, kém chất lượng gây ra sạt lở.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên