02/11/2008 19:23 GMT+7

Đường hẹp đến mấy cũng tìm ra cách để đi

Theo THƯỢNG TÙNG Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo THƯỢNG TÙNG Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Hai mươi lăm tuổi, lại thêm gương mặt măng tơ, nhìn bề ngoài Lê Danh Hoàng giống một sinh viên hơn là chủ doanh nghiệp. Khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên năm thứ ba Đại học Ngoại thương TP.HCM, đến nay, chàng trai quê Thái Nguyên này được biết đến với biệt danh “người đưa chim yến về nhà”.

G4NDqWdq.jpgPhóng to
Tranh: Hoàng Tường
Hai mươi lăm tuổi, lại thêm gương mặt măng tơ, nhìn bề ngoài Lê Danh Hoàng giống một sinh viên hơn là chủ doanh nghiệp. Khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên năm thứ ba Đại học Ngoại thương TP.HCM, đến nay, chàng trai quê Thái Nguyên này được biết đến với biệt danh “người đưa chim yến về nhà”.

Lê Danh Hoàng vừa khai trương nhà hàng đầu tiên chuyên phục vụ các món ăn chế biến từ yến sào tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - vùng đất vốn nổi tiếng với những đảo yến tự nhiên. Việc này khiến ông chủ trẻ khá bận rộn, cứ đầu tuần là vọt ra thành phố biển, cuối tuần tranh thủ vù về TP.HCM, vừa giải quyết công việc, vừa tranh thủ thăm người yêu. Cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi diễn ra tại một quán cà phê vào một ngày Chủ nhật cuối tháng Mười. Mở đầu cuộc trò chuyện, anh nói:

Tôi đến với ngành kinh doanh yến sào khá tình cờ. Cuối năm thứ hai đại học, khi làm phiên dịch tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế 2004 ở TP.HCM, tôi được giao phụ trách hướng dẫn cho một đoàn doanh nhân Indonesia khoảng 30 người, trong đó có tiến sĩ Elisa Nugroho, người sau này nhận tôi làm con nuôi. Không chỉ là một doanh nhân thành công trong lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc ở đất nước vạn đảo, ông còn được thừa nhận như một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới với công nghệ nuôi yến trong nhà.

Ngoài thời gian ở hội chợ, trong suốt một tuần lễ đó, tôi còn làm phiên dịch cho ông ấy trong những cuộc tiếp xúc với một số doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội làm ăn suốt một tuần lễ. Khoảng thời gian dẫu ngắn ngủi nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được sự chân thành từ ông ấy. Phần vì thiện cảm, phần vì tò mò, tôi xin ông ấy một số tài liệu về yến sào tham khảo. Sau nửa năm nghiền ngẫm, tháng 4-2005, tôi khởi nghiệp cùng một người bạn thân.

* Có một người đỡ đầu vừa là triệu phú, vừa là chuyên gia hàng đầu thế giới về yến, xem ra sự khởi đầu của anh khá hanh thông?

- Tri thức và sự động viên tinh thần là những gì tôi nhận được từ cha nuôi của mình. Như vậy cũng đã là quá may mắn, bởi ngay cả những người con ruột của ông cũng phải tự bươn chải để sống khi bước sang tuổi mười tám.

Thực tế thì thời gian đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tài chính. Để cắt giảm chi phí, chỗ trọ của tôi được trưng dụng làm văn phòng giao dịch. Đây còn là nơi chúng tôi cung cấp các thiết bị phục vụ xây dựng nhà yến, hoạt động kinh doanh duy nhất của chúng tôi lúc đó. Mặc dù vậy, doanh số của công ty cũng không đủ bù đắp chi phí.

Giao cửa hàng cho cộng sự quản lý, tôi quyết định đóng thêm một vai nữa bằng cách tham gia chương trình Quản trị viên tập sự của Công ty Unilever Việt Nam. Việc tôi được luân chuyển qua nhiều phòng ban trong khoảng thời gian hai năm làm việc ở môi trường này là cơ hội để tôi tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, thu nhập từ “vai phụ” cũng chỉ đủ cho công ty hoạt động cầm chừng. Đến cuối năm 2006 thì bạn tôi ra đi.

* Có thể hiểu việc anh ngừng đóng hai vai là do tình thế?

- Tôi sợ nếu tiếp tục ở lại, vai phụ sẽ thành vai chính. Biết đâu khi đã ổn định rồi, có một cái gì đó rồi, tôi sẽ tự bằng lòng hoặc không còn đủ dũng khí để từ bỏ. Ra đi khi trắng trơn, với tôi, là lúc chất lửa trong mình mạnh nhất. Về phía bạn tôi, sau khi rời công ty, công việc của anh ấy phát triển rất tốt, chứng tỏ đó là một quyết định chính xác. Ở lại với tôi, chưa chắc anh ấy đã phát huy hết năng lực của mình như bây giờ. Khoảng trống anh ấy để lại được anh trai tôi tiếp quản.

* Nghe có vẻ như một công ty gia đình?

- Chuyện này mới là giải pháp tình thế, dù anh trai tôi là một trong hai thành viên sáng lập. Lý do là theo quy định, một công ty trách nhiệm hữu hạn phải có tối thiểu hai thành viên. Vậy nên tôi phải mời anh trai mình đứng chung cho đủ điều kiện để được cấp giấy phép. Tôi chịu ảnh hưởng khá nhiều phương thức quản trị của các công ty châu Âu, tức là không sử dụng lao động là người thân, bạn bè.

Thời gian công ty bắt đầu phát triển, mẹ tôi lâu lâu lại gửi gắm con chú A, cháu chú B… vào công ty nhưng tôi đều tìm cách từ chối. Nhân viên có quan hệ bà con khiến mình khó xử khi đụng chuyện, ảnh hưởng không tốt đến tinh thần làm việc của những người khác.

* Việc anh dấn thân vào thương trường khi còn ngồi trên giảng đường đại học có nhận được sự ủng hộ từ gia đình?

- Gia đình tôi có truyền thống kinh doanh. Ông ngoại tôi là một nhà buôn có tiếng ở thành Vinh, từng bỏ tiền đắp toàn bộ đê biển ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sau này, khi có chủ trương đấu tư sản, ông ngoại tôi bị tịch biên hết tài sản. Còn mẹ tôi cũng là một trong những đại lý xăng dầu đầu tiên ở Thái Nguyên. Năm 1996, mẹ tôi bị người ta lừa đảo, vướng vào vòng lao lý. Còn cha tôi thì chỉ bị giam giữ chín ngày nhưng đến khi trở về nhà thì cả mái đầu đã bạc trắng.

Thời sinh viên, tôi là một trong những thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận trẻ của Trường đại học Ngoại thương TP.HCM. Kinh phí hoạt động không có, nói suông đâu có ai nghe, vốn có máu kinh doanh thừa hưởng từ bên ngoại, tôi cùng các thành viên trong ban chủ nhiệm tìm cách gây quỹ. Chúng tôi đứng ra nhận tổ chức các lớp học khiêu vũ cho một số trường bạn, rồi sản xuất đồ lưu niệm bán…

Bập vào kiếm tiền nên ai cũng ham, xao nhãng luôn nhiệm vụ chính trị. Hết nhiệm kỳ, trừ chi phí, quỹ còn dư gần trăm triệu đồng mà chẳng biết làm gì. Thấy chúng tôi chỉ lo kiếm tiền thay vì nghiên cứu lý luận, Đoàn trường quyết định thay toàn bộ ban chủ nhiệm. Tất cả thành viên trong ê-kíp này được đổi thành Câu lạc bộ Kỹ năng Doanh nhân, tiếp tục hoạt động cho đến bây giờ.

Thế nên, khi tôi trình đề án kinh doanh, sau này trở thành luận văn tốt nghiệp của tôi, gia đình rất ủng hộ, còn cho tôi tiền qua Indonesia thăm cha nuôi và tham quan các mô hình nhà yến. Tiền xây dựng ngôi nhà yến đầu tiên tôi cũng vay của cha mẹ tôi.

* Tò mò một chút, “vay” hay là viện trợ không hoàn lại?

- Tôi đã hoàn lại rồi.

* Là loài chim sống trong môi trường tự nhiên, dụ yến vào nhà hẳn không dễ?

- Nguyên tắc duy nhất để kêu yến vào nhà là tạo ra môi trường sống giống như môi trường chúng đang sống, đảm bảo các tiêu chuẩn về nhiệt độ, độ ẩm, có những thanh gỗ để yến làm tổ… Khi cơ sở hạ tầng đã chuẩn bị xong, chúng tôi phun hóa chất tạo mùi bầy đàn rồi dùng máy chuyên dụng phát sóng âm, đúng tần số là yến kéo nhau về thôi.

* Yến ở đâu ra mà nhiều vậy?

- Thực ra chim yến cư trú ở khá nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tôi đã từng nhận thầu xây dựng khá nhiều nhà yến từ miền Nam ra đến miền Trung, chẳng hạn như Bình Dương, Tiền Giang, Ninh Thuận, Quảng Ngãi… Ở TP.HCM cũng khá nhiều yến, chẳng hạn như khu vực Cần Giờ. Nhẩm sơ sơ thì số lượng nhà yến nhân tạo rải rác ở một vài quận trung tâm hiện nay cũng lên đến vài chục căn. Sở dĩ yến nhiều như vậy là nhờ khả năng sinh sản rất nhanh, thường là một năm ba lứa, mỗi lứa hai con.

* Theo anh, liệu những người đầu tư vào nhà yến có thể sẽ gặp những rủi ro gì?

- Điều tôi e ngại nhất là nguồn thức ăn. Loài chim này bay liệng liên tục để tìm mồi là các loại côn trùng. Khi nguồn thức ăn cạn kiệt thì có thể các đàn sẽ tự giới hạn. Tuy nhiên, trước mắt, nuôi yến sẽ vẫn tiếp tục phát triển.

* Việc chim yến được nuôi dưỡng trong một môi trường nhân tạo như vậy khiến nhiều người băn khoăn về chất lượng của sản phẩm?

- Tiếng là môi trường nhân tạo nhưng thực ra yến sống hoàn toàn tự nhiên. Con người chỉ tạo ra cho yến chỗ trú chân, còn tất cả hoạt động khác, từ kiếm thức ăn, giao phối, sinh sản… loài sinh vật này hoàn toàn chủ động. Thực tế, khoảng 95% lượng yến sào cung cấp cho thị trường thế giới là từ nguồn yến nuôi trong nhà. Những đảo yến hoàn toàn tự nhiên như ở Khánh Hòa là một thứ “lộc trời”, rất hãn hữu. So với yến sống ở đảo, chất lượng của yến nuôi trong nhà xê xích không đáng kể, nhưng giá cả thì có sự chênh lệch lớn.

* Có một thực tế là hàng chục căn nhà yến nhân tạo ngoài Nha Trang hiện nay không có chim về. Theo anh, đâu là lý do?

- Đây là vấn đề kỹ thuật. Yến đảo là một loài khác hẳn so với yến nhà. Tuy nhiên, cách quảng cáo lấp lửng của một số cá nhân, tổ chức xây dựng những công trình này khiến nhiều người ngộ nhận. Thậm chí đã có người bỏ ra đến 60 triệu đồng mua ba cặp chim về với hy vọng chúng sẽ ấp nở như… gà. Hệ quả là hàng chục gia đình điêu đứng, thậm chí có người đã tán gia bại sản. Người mất ít cũng vài trăm triệu đồng, người nhiều thì bốn, năm tỉ đồng.

Chi phí đầu tư một căn nhà yến khá lớn, quay vòng vốn lại chậm, nếu không tự chủ được nguồn vốn thì tốt nhất không nên tham gia vào ngành này. Bản thân tôi hiện cũng chỉ giữ lại hai cái nhà yến ở Gò Công (Tiền Giang) và Cần Giờ (TP.HCM), tạm ngưng đầu tư xây dựng thêm nhà yến, tập trung chủ yếu vào chế biến, bán lẻ, thầu xây dựng nhà yến…

* Được biết nhà hàng đầu tiên của anh đã đi vào hoạt động tại Nha Trang. Tại sao anh lại chọn thành phố này, thay vì TP.HCM, nơi sức mua mạnh hơn?

- Có nhiều lý do. Thứ nhất, thành phố Nha Trang khá nhỏ, giúp tôi có thể “kiểm soát” được đội ngũ hướng dẫn viên và tài xế taxi - lực lượng tiếp thị chủ lực nhằm vào khách du lịch đến Nha Trang. Còn TP.HCM, hay Hà Nội thì địa bàn rộng quá, người ta có nhiều mối quan tâm hơn, tôi không kham nổi. Lực mình đến đâu làm tới đó.

Thứ hai, chế biến yến sào thành món ăn bán đến người tiêu dùng cuối cùng cũng đồng nghĩa với việc mình đứng ở vị trí cao nhất trong chuỗi giá trị cộng thêm. Còn xuất nguyên liệu thô thì lợi nhuận rất thấp, nhất là khi giá thành của chúng ta vẫn còn cao hơn Indonesia, Malaysia… - những nước đi trước mình hàng chục năm. Thứ ba, Khánh Hòa là địa phương nổi tiếng về yến sào và tôi muốn sản phẩm của mình xuất hiện ở vùng đất này.

* Theo như tôi biết thì chính quyền tỉnh Khánh Hòa vẫn duy trì chính sách bảo hộ cho doanh nghiệp nhà nước kinh doanh yến sào. Hình như đến giờ mới chỉ có Công ty yến sào Khánh Hòa được cấp phép kinh doanh ngành hàng này?

- Việc chưa xin được giấy phép kinh doanh khiến tôi có thêm một lý do để xoay sang mở nhà hàng. Tham vọng của tôi là xuất khẩu công thức kinh doanh nhà hàng của mình.

* Vậy có mơ mộng quá không?

- Muốn làm lớn thì trước hết phải nghĩ lớn. Không lẽ những công ty lớn cứ lớn mãi còn các công ty nhỏ tiếp tục nhỏ hoài. Tôi nghĩ rằng đường hẹp đến mấy thì cũng tìm ra cách để đi.

* Anh rất tự tin?

- Khi xây nhà cho yến còn bị xem như nói chuyện trên trời thì tôi vẫn tin rằng sớm hay muộn nghề này cũng đến thời của nó. Cũng nhờ niềm tin đó mà vào những thời khắc khó khăn nhất, tôi vẫn không nản chí. Chưa kể, đối với những công ty “từ mini đến nhí” như chúng tôi, mỗi hành động của mình đều nằm trong sự “giám sát” của nhân viên. Đến bây giờ thì niềm tin của tôi vẫn đang đúng. Những gì tôi không tự tin thì không làm. Việc tôi chưa đụng đến mảng môi giới mua bán nhà yến cũng là vì lẽ đó.

* Là một người kinh doanh sinh ra trong thập niên 1980, theo anh, có hay chưa một thế hệ doanh nhân 8X?

- Tôi nghĩ là có nhưng chân dung về thế hệ này chưa rõ nét. Có người còn xem chúng tôi như lực lượng kế cận, thay thế các chú, các anh đi trước. Thực sự tôi cảm thấy hơi lo lắng. Nhiều người rất “sáng nước”, nhưng chưa kịp thành chủ doanh nghiệp thì đã trở nên những người làm thuê chuyên nghiệp. Nhóm bạn khá thân của tôi giờ tan tác gần hết, chủ yếu là ra nước ngoài làm việc.

* Chim bay đi rồi chim lại bay về. Biết đâu đó cũng là một cách họ chuẩn bị trước khi nhập cuộc chơi?

- Chuyện này tôi không dám chắc. Nhưng có một điều tôi cảm thấy rất rõ trong những dịp bạn bè gặp lại là hoài bão trở thành chủ doanh nghiệp của họ không còn hừng hực như ngày trước. Hy vọng rằng những trường hợp đó chỉ là thiểu số.

* Có thể hiểu thỏa mãn hoài bão làm chủ là động lực khiến anh đeo đuổi kinh doanh?

- Tôi kinh doanh là để xây dựng sự nghiệp cùng với các cộng sự. Muốn vậy thì phải thích công việc của mình đang làm. Chính vì lẽ đó mà tôi mạnh dạn giao quyền cho nhân viên. Đây cũng là cách buộc họ phải liên tục phấn đấu vươn lên. Chẳng hạn như quản đốc xưởng chế biến vốn là chị giúp việc nhà của tôi ngày trước. Tất nhiên, chị ấy có một năng lực gần như bẩm sinh về quản lý con người. Các quản lý cấp trung gian khác cũng được tự do sáng tạo.

Về kỹ thuật, đến thời điểm này tôi không còn rành bằng họ. Thậm chí hồi xây dựng ngôi nhà yến đầu tiên, tôi cũng không ở công trường quá ba ngày. Nhờ sự cố gắng của mọi người nên tôi cũng bớt cực. Tuy nhiên, thực tế là chúng tôi vẫn vừa chạy vừa sắp hàng. Khi doanh số không có, chúng tôi chỉ nghĩ đến chuyện sống còn. Thậm chí chạy xong rồi mới xếp hàng. Cái khó bó cái khôn. Hạn chế về tài chính cũng ảnh hưởng đến việc đào tạo nâng cao năng lực cũng như trang thiết bị máy móc…

* Anh có một gương mặt trông rất… măng tơ. Liệu có phải là một hạn chế đối với bạn khi tiếp xúc với các đối tác?

- Có khi đó lại là một lợi thế, khiến người ta bớt… đề phòng. Với tôi, trục thời gian không phải là thước đo duy nhất đối với cuộc sống. Những người trôi theo trục thời gian mà khôn ra được thì sẽ không có những đứa trẻ chết già.

* Những đứa trẻ chết già của nhà văn Nguyễn Bình Phương?

- Đọc sách cũng là một cách để sống nhiều hơn, giúp tôi có thêm trải nghiệm qua sự trải nghiệm của người khác.

* Thêm một câu hỏi cuối cùng. Ở tuổi 25, anh đã hài lòng với thành công bước đầu?

- Thế nào là thành công? Tôi chưa hiểu anh định sử dụng thước đo nào. Nếu thước đo là tiền bạc thì chưa. Người ta nói rằng 80% doanh nghiệp phá sản trong vòng năm năm đầu khởi nghiệp. Dẫu mới đi qua được hơn nửa chặng đường “năm năm đầu” đó, nhưng tôi tin là nó sẽ sống sót. Kinh doanh là cuộc chạy đua marathon, và với tôi, tất cả chỉ như vừa xuất phát.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

* Tin, bài liên quan:

Những ngôi nhà "bí ẩn"Dụ chim yến bay về "Vương quốc yến sào"Bí quyết tạo chim yếnSẽ thí điểm xây dựng làng yếnKỹ thuật nuôi chim Yến trong nhà

Theo THƯỢNG TÙNG Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên