17/09/2022 10:31 GMT+7

Đường đua cuộc đời của nữ sinh mồ côi

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - 18 tuổi, Nguyễn Ngọc Nhẫn chỉ cân nặng 35kg, khuôn mặt gầy hốc hác nhưng ánh mắt lúc nào cũng ánh lên hy vọng khi nói về khu giảng đường đại học rộng lớn, chiếc áo blouse trắng của những ngày sắp tới.

Nữ sinh mồ côi vào đại học

Nhẫn không hiểu và cũng chẳng muốn hiểu "chuyện người lớn" mà hàng xóm vẫn xì xầm là gì mỗi khi nhắc tới lý do khiến cô mãi mãi mồ côi từ hồi mới chập chững. Điều duy nhất Nhẫn khắc cốt ghi tâm là bà nội mình đã phải đánh đổi rất nhiều để cô có được như ngày hôm nay.

Cháu phải đến trường...

Trưa đứng bóng. 

Nhẫn lóc cóc chiếc xe đạp cũ, băng băng vượt qua đám lau sậy cao quá đầu người trên đường Hà Quang Vóc (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM), nháo nhác đi tìm bà. Bà Phạm Thị Chi (73 tuổi) - bà nội Nhẫn - đang nhặt ve chai ở đâu đó loanh quanh trong xã Bình Khánh. 

Bỗng Nhẫn thắng xe kêu "kít", chiếc xe khựng lại vì bị thắng gấp, loạng choạng. Nhẫn với tay nhặt chiếc vỏ lon bẹp dí bên vệ đường, bỏ vào giỏ xe.

Gần nửa tiếng đạp xe tới lui hơn 5km, cuối cùng Nhẫn cũng tìm thấy nội. 

"Về thôi nội, trưa lắm rồi", Nhẫn nói. 

Đường đua cuộc đời của nữ sinh mồ côi - Ảnh 2.

Bao năm lặn lội lượm ve chai, bà nội chỉ mong mỏi Nhẫn được vào đại học - Ảnh: CÔNG TRIỆU

"Đợi nội chút thôi, sắp được rồi", vừa nói bà Chi vừa đưa bàn chân run run giẫm rạp cả một đám cỏ lớn trên đường Rừng Sác rồi đưa tay móc lên một vỏ chai nhựa cong queo, dính đầy đất cát. 

Xong việc, bà choàng bao ve chai qua vai, nách kẹp bịch nước đã cạn, khó khăn ngồi lên xe. Nhẫn ghì người giữ thăng bằng rồi bắt đầu đạp xe tiến về phía trước. Hình ảnh đã quá quen thuộc với bà con quanh đó.

Băng qua cây cầu nhỏ yếu ớt cũng là lối duy nhất dẫn vào căn nhà thấp lè tè nơi mấy bà cháu đang trú ngụ. Căn nhà có tường và mái được lợp từ lá dừa nước, chằng chéo tạm bằng lạt tre. Bên trong nhà, đà ngang là những cây tràm và trụ chống được cột bởi mấy que thép đã gỉ sét.

Thương bà tuổi cao vất vả, mấy lần Nhẫn từng xin được nghỉ học thay bà đi nhặt ve chai hoặc xin vào xí nghiệp làm công nhân may cũng được. Nhưng mỗi lần như vậy, bà Chi chỉ khóc. Bà thương đứa cháu tội nghiệp, chịu nhiều thiệt thòi từ bé nên dẫu có khổ cực đến mấy, bà vẫn mong Nhẫn được ăn học đủ đầy. 

"Cháu phải đến trường, phải học lên khi đó mới thành tài, mới thoát kiếp nghèo", lời căn dặn của bà khiến Nhẫn nhớ mãi.

Đường đua cuộc đời

Tuổi thơ của Nhẫn gắn liền chuỗi ký ức với những chiều tan học được theo chân nội đi mò cua bắt ốc, nhặt ve chai quanh xã. Nghèo khó, thiếu thốn làm nên sự dung dị, hiền lành nhưng đầy mạnh mẽ nơi cô. 

Khi kể về gia đình, Nhẫn vẫn hay ngước mặt lên trời để che đi những giọt nước, cũng là để "gần hơn" với cha mẹ mình.

Nhẫn nhớ lúc tròn 2 tuổi, cha mẹ cô vẫn còn chung sống hạnh phúc. Nhưng sau đó ít lâu, nhiều chuyện xảy đến khiến gia đình rạn nứt, rồi cả cha và mẹ Nhẫn qua đời trong cùng một ngày. 

Người gầy nhom vậy nhưng cô gái ấy rất thích chạy. Trên chiếc phản vừa là chỗ ngủ, vừa là bàn học của mình, Nhẫn tự hào khoe loạt thành tích, đủ các loại huy chương đạt được. 

Trong bộ sưu tập của Nhẫn có huy chương vàng chạy cự li 1.500m tại hội thi thể thao cấp TP, huy chương vàng và đồng giải chạy cự li 3.000m hội thi thể thao cấp TP vào các năm 2017, 2018 và 2019.

Cạnh những chiếc huy chương còn có loạt các giấy khen, bằng khen khi Nhẫn là học sinh khá, giỏi suốt 12 năm liền. Thương trò mồ côi hiếu học, nhiều thầy cô ở Trường THPT Bình Khánh (huyện Cần Giờ) hỗ trợ Nhẫn bằng việc dạy học thêm miễn phí, tặng học bổng, dụng cụ học tập.

Khác hẳn với đường chạy quen thuộc mà Nhẫn tự nhận "mình rất yêu thích và có lợi thế", đường đua cuộc đời của một đứa trẻ mồ côi chông chênh và khốc liệt gấp bội, đầy rẫy áp lực cơm áo gạo tiền. 

Ngày mới của Nhẫn luôn bắt đầu trước 5h30 sáng. Ngoài việc quét dọn nhà cửa, nấu cơm cho cả gia đình 10 người đang chung sống (cùng gia đình chú, cô), Nhẫn đảm nhiệm luôn việc vệ sinh cá nhân, chăm sóc cho hai đứa con của chú với "tiền lương" 50.000 đồng mỗi tuần.

Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, Nhẫn đạt trên 20 điểm cho ba môn khối A. Nhẫn bảo muốn theo học ngành điều dưỡng để sau này có thể chăm sóc, đền ơn bà. 

"Chỉ sợ khi em có thể tạm ổn định thì nội chẳng còn nữa", Nhẫn bật khóc.

"Báu vật" của Nhẫn

Cả chín mùa khai giảng năm học mới của Nhẫn đều bắt đầu bằng những bộ sách giáo khoa cũ. Với đứa trẻ mồ côi như Nhẫn, việc đến trường với tập sách cũ hay thiếu nhiều trang liền có lẽ cũng là điều thường tình.

Nhưng ba năm cấp III, Nhẫn vui sướng khi được học với những bộ sách mới toanh, là phần thưởng mà một người cô đã tặng với lời hứa nếu Nhẫn học giỏi.

"Học sách mới đã lắm. Sách thơm tho, sạch sẽ, chữ rõ, nhìn sách là chỉ muốn cầm lên đọc chứ sách mới vậy mà không học thì thật có lỗi, báu vật của em đó", Nhẫn cười hiền lành.

Niềm tự hào của nhà trường

Ngay câu đầu tiên khi kể về học trò, thầy Lê Quan Bình - trợ lý thanh niên Trường THPT Bình Khánh - nói liền Nhẫn là "niềm tự hào của nhà trường".

Với thầy Bình, hành trình nỗ lực trên từng chặng đường đua, vươn lên trong học tập, cuộc sống của Nhẫn xứng đáng là tấm gương để các học sinh của trường noi theo.

"Nhẫn từng mang về cho nhà trường nhiều thành tích khi tham gia giải chạy các cấp. Nhưng cô học trò này không chỉ giỏi mỗi chạy mà Nhẫn còn học rất tốt, lại ngoan ngoãn lắm", thầy Bình nói.

Đường đua cuộc đời của nữ sinh mồ côi - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Mẹ bươn chải nuôi chữ cho con: Mẹ bươn chải nuôi chữ cho con: 'Gia tài của tôi là các con'

TTO - Chồng qua đời vì bạo bệnh, dù sức khỏe yếu, chị Dương Thị Truyền (thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận) một thân một mình gồng gánh chăm lo gia đình, nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên