TTCT - Hành trình "nấu nướng" ra một tín chỉ carbon là chuỗi dài "tài chính hóa" thiên nhiên, các cộng đồng và những giải pháp. Dịch vụ "bù đắp carbon" đang nở rộ ở nhiều quốc gia giàu có. Qua đó, một tập đoàn lớn hay một công dân bình thường nằm ở nhà cũng có thể chống biến đổi khí hậu bằng cách mua tín chỉ carbon. Nhưng ai bán?Hiểu một cách nôm na, "bù đắp carbon" (carbon offsetting) là cơ chế thương mại cho phép người gây ô nhiễm triệt tiêu "dấu chân carbon" của mình bằng cách trả tiền cho các dự án giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính, phần lớn được thực hiện ở những khu vực kém phát triển hơn. Có dự án trồng cây. Có dự án chỉ đơn giản là trả tiền cho người chủ của mấy cái cây để họ không chặt chúng. Một số khác thì đầu tư vào công nghệ khử carbon trong cuộc sống hằng ngày, như phát triển năng lượng tái tạo hay thu hồi khí thải của bãi rác.Nhưng hiểu một cách chân thực, không gì bằng "truy xuất nguồn gốc" của một tín chỉ carbon, như cách làm của hai nhà kinh tế học là Angus Chapman và Desné Masie. Bài báo của họ đăng trên trang Vox được tóm tắt dưới đây.Công dân Anh, bếp lò châu Phi và tổ chức Thụy SĩSống ở Yorkshire (Anh), Al Dix là một công dân tận tâm. Ông còn giữ ảnh chụp một tiết mục sân khấu tự dàn dựng hồi đầu thập niên 1980, với nội dung than khóc cho những chỏm băng ở vùng cực. Ông nói mình bắt đầu cảm thấy "bất lực" trước biến đổi khí hậu từ những năm 1990. Hiện đã hơn 75 tuổi, ông vẫn không hài lòng với các chính sách của chính phủ và doanh nghiệp để giải quyết cuộc khủng hoảng.Nhưng Al Dix không từ bỏ. Từ năm 2022, ông bắt đầu nghiên cứu cách để giảm thiểu "dấu chân carbon" và bắt đầu trả cho công ty khởi nghiệp Ecologi 15 USD mỗi tháng để bù đắp cho lượng khí thải tạo ra từ lối sống của mình.Trên trang web của Ecologi, những hình ảnh xanh mát về cây cối, sông nước, turbine gió và các tấm pin mặt trời được đặt cạnh "khu rừng" hoạt hình dễ thương mà tiền thu được từ những người như Dix đã trồng được. Mỗi tháng, Dix nhận một bản sao kê nêu rõ số tiền ông góp đã được chi tiêu ở đâu - thường là ở các nước nghèo. Chẳng hạn, trong tháng 1 và tháng 2-2023, ông đã trồng được 8 cây, và thông qua các tín chỉ carbon mà ông gián tiếp mua, bù đắp được 0,75 tấn CO2 - tương đương "dấu chân carbon" hằng tháng của một người Anh trung bình."Rõ ràng việc mua và bán carbon thực sự không tạo ra nhiều khác biệt đối với tình trạng của cái hành tinh chết tiệt này" - Vox đăng nguyên văn lời của Dix trong bài viết ngày 3-8-2023. Tuy nhiên, có còn hơn không. "Tôi muốn nghĩ rằng tôi đưa tiền của mình cho Ecologi, họ ký hợp đồng với người ta để trồng cây, thế thôi"- ông nói. Nhưng hóa ra, người ta dùng tiền đó để nấu nướng.Tại Kenya, từ 2010-2017, công ty Carbon Zero Kenya đã phân phát 55.000 cái bếp lò cho dân làng. Công ty mẹ là CO2Balance, trụ sở ở Anh, thường tài trợ cho các dự án tạo ra tín chỉ carbon, sau đó bán chúng cho các nhà môi giới như Ecologi.Khi thay thế hình thức đốt củi truyền thống bằng kiểu bếp bê tông - kim loại hiệu quả hơn, CO2Balance ước tính họ có thể giảm một nửa lượng củi dùng trong một hộ gia đình. Điều này giúp giảm một nửa lượng khí thải từ việc nấu nướng của những người dân nào chuyển sang loại bếp mới."Tránh phát thải" là mấu chốt của việc mua bán phát thải carbon. Trong trường hợp này, CO2Balance có thể tạo và bán tín chỉ carbon, miễn là họ có thể phân phát bếp lò và chứng minh rằng chúng đang được sử dụng. Mỗi tín chỉ đại diện cho 1 tấn khí CO2 dơ bẩn mà Trái đất tránh được, nhờ có những cái bếp lò.Logic tương tự được áp dụng cho tất cả các dự án tín chỉ carbon, chẳng hạn nhà máy năng lượng tái tạo, hoạt động bảo tồn rừng hay những chiếc xe điện của Tesla. Mỗi công ty có cách tính toán khác nhau nhưng điểm chung là ý tưởng về "tính bổ sung" (additionality). Theo đó, việc giảm/tránh phát thải không thể diễn ra nếu người ta không bán tín chỉ carbon. Ecologi cho biết dân làng không có đủ tiền để mua loại bếp lò mới và số tiền đến từ tín chỉ carbon đã lấp đầy khoảng trống quan trọng đó. Nhưng cũng cần biết thêm rằng khi xem xét tất cả tài liệu của dự án, nhóm tác giả không rõ liệu chúng có tính đến các nguồn phát thải khác hay không, ví dụ khí thải từ quá trình sản xuất và vận chuyển bếp lò.Vào giữa năm 2019, Ecologi đã mua tổng cộng 535 tín chỉ carbon từ dự án bếp lò của CO2Balance. Vào tháng 2-2023, họ đã phân bổ khoảng 1/3 tín chỉ cho Dix. Nên bây giờ, ông Dix có quyền nói rằng ông đã ngăn chặn được 1/3 tấn khí nhà kính khỏi bị thải vào khí quyển.Nhưng chuyện giảm phát thải ở Kenya không trở thành tín chỉ carbon ở Yorkshire ngay lập tức. Để được các nhà bán lẻ như Ecologi mua vào và bán cho những người như Dix, trước tiên chúng phải vượt qua dãy Alps của Thụy Sĩ.Ở vùng ngoại ô phía bắc Geneva, các văn phòng của Tổ chức Gold Standard Foundation chỉ cách trụ sở Liên Hiệp Quốc 10 phút chạy xe. Tại đó, tín chỉ carbon của Kenya mới thực sự ra đời, sau khi Gold Standard nhận được tài liệu kiểm toán của bên thứ ba - Bureau Veritas, rằng dự án của CO2Balance đang làm những gì đã tuyên bố.Các yêu cầu của Gold Standard nghe như một châm ngôn: có chứng nhận, có thực, có tính bổ sung, được xác minh một cách độc lập, là duy nhất và có thể truy nguyên. Đằng sau câu chữ là vô vàn phép toán phức tạp. Tài liệu của dự án bếp lò có nhiều trang dày đặc phương trình toán học, định lượng các loại khí thải khác nhau trong các khoảng thời gian khác nhau và trong các điều kiện ngoại cảnh khác nhau. Tất cả đều được sửa đổi và cập nhật hằng năm bởi các nhóm chuyên gia được cắt cử đến tận nơi để đảm bảo dự án vẫn hoạt động như kế hoạch. Tài liệu cho các dự án lớn hơn có thể dài tới hàng trăm trang giấy.Tóm lại là: ông lão Al Dix (ở Yorkshire, Anh) trả tiền cho dịch vụ bù đắp carbon của Ecologi (ở Bristol, Anh), vốn trước đó đã mua tín chỉ carbon từ CO2Balance (ở Somerset, Anh). Công ty này đã thuê Bureau Veritas (ở London, Anh) đến kiểm toán, nhằm thuyết phục Gold Standard (ở Geneva, Thụy Sĩ) cấp tín chỉ cho việc giảm phát thải nhờ dự án bếp lò ở Kenya (châu Phi).Hành trình "nấu nướng" ra một tín chỉ carbon là chuỗi dài "tài chính hóa" thiên nhiên, các cộng đồng và những giải pháp. Kết quả là một mức giá cho 1 tấn không khí không tồn tại hoặc đã bị loại bỏ! Công cuộc cứu lấy Trái đất sao mà trừu tượng và vòng vo. Và Dix, một ông lão đã về hưu với căn nhà trên vùng đồng hoang lầy lội ở Yorkshire, có thể không thích việc đó. Dẫu vậy, ông vẫn trả tiền và nó khiến ông cảm thấy tốt hơn một chút.Cách nhìn khácKhi thiếu vắng những quy định đúng đắn nhằm hạn chế lượng khí thải làm ấm hành tinh ở các nước giàu có, việc bù đắp carbon mang tính cá nhân giống như của Al Dix đã mở ra cơ hội kinh doanh lớn. Chúng hình thành nên cái gọi là "thị trường carbon tự nguyện". Đó là một không gian phi tập trung, nơi người dân và doanh nghiệp có thể chọn mua tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng khí thải họ tạo ra. Nói cách khác, bằng cách trả tiền (thường không nhiều), người tiêu dùng có thể vui vẻ đi máy bay, mua quần áo mới hoặc ăn thịt bò mà không làm cho cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Theo McKinsey, thị trường này, tuy phần lớn không được kiểm soát, có thể đạt 50 tỉ USD vào năm 2030 và tăng gấp 100 lần vào năm 2050.Tính thuận tiện và hợp túi tiền của tín chỉ carbon thoạt nghe có vẻ rời rạc với sự cấp bách của biến đổi khí hậu, nên những năm gần đây gia tăng lo ngại rằng việc bù đắp đó chỉ là "cục đường" cho lương tâm người giàu, không hơn không kém. Một số nhà phê bình cho rằng toàn bộ chuyện này là một trò lừa đảo, giống như mua bán "giấy phép được gây ô nhiễm" mà không thực sự cải thiện sức khỏe của hành tinh.Sarah Leugers, giám đốc tăng trưởng của Gold Standard, thừa nhận những hạn chế, rằng việc này rất khó khăn, phức tạp và có vẻ trừu tượng, đòi hỏi rất nhiều niềm tin rằng các phương trình toán và báo cáo nói lên sự thật, và tất cả các bên tham gia đều đang làm việc với thiện chí. Nhưng bà khăng khăng rằng tín chỉ carbon, nếu được quản lý đúng và minh bạch, vẫn là một công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu."Nói thật lòng nào, thị trường carbon tự nguyện tồn tại chỉ vì không có ý chí chính trị để áp dụng thuế carbon trên toàn bộ nền kinh tế" - Vox dẫn lời Leugers. Nếu có, "chúng tôi sẽ chẳng cần tồn tại. Thật khó chịu khi người ta tiêu hao năng lượng để chỉ trích những người đang làm một điều gì đó, trong khi thường bỏ qua cho những kẻ chẳng làm gì cả".Nhóm tác giả kết bài như sau: "Tất cả những người chúng tôi trò chuyện đều kiên quyết: việc bù đắp carbon không bao giờ có thể là giải pháp tổng thể hoặc một tấm thẻ miễn-trách-nhiệm-điều-hòa-khí-hậu. Nhưng đó cũng có thể là một cách hiểu sai về chuyện bù đắp".John Holler, chuyên gia khí hậu tại Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF), cho rằng việc mua bán phát thải carbon không thực sự là để bù đắp. Thay vào đó, nó chỉ đơn giản là một công cụ để hướng dòng tiền tới những điều tốt đẹp: bếp lò ít thải carbon, rừng xanh, năng lượng mặt trời cho cộng đồng. Ông nói: "Bạn đang mua tín chỉ carbon để góp phần khử carbon toàn cầu, chứ không phải phủ nhận lượng khí thải của chính bạn. Đó là một mục tiêu khiêm tốn hơn, ít thỏa mãn hơn. Nhưng có lẽ trung thực hơn". Một phụ nữ trong dự án ca cao bền vững tạo tín chỉ carbon ở Ghana. Ảnh: WORLD BANK Một ví dụ về động lực của tín chỉ carbonỞ phía nam Ashanti bốn năm trước, trang trại ca cao rộng 15 mẫu Anh (hơn 6ha) của Adwoa Akyaa "không có gì để kể", bà nói vậy. Điều đó có thể đã từng đúng, vì dù Ghana là nước sản xuất ca cao lớn thứ hai thế giới nhưng năng suất trung bình của các trang trại riêng lẻ lại ở mức thấp. Tuy nhiên, ngày nay Akyaa ở trong số 140.000 nông dân tại Ghana áp dụng các biện pháp đổi mới, hồi sinh đất đai và gia tăng kho ca cao của họ. Họ không chỉ sản xuất nhiều ca cao hơn mà còn giảm lượng khí thải nhà kính, từ đó kiếm thêm tiền từ tín chỉ carbon."Đó là một hành trình tuyệt vời… Chúng tôi được dạy cách trồng cây che bóng trên trang trại ca cao của mình. Nhờ đó, cây ca cao của tôi rất khỏe mạnh" - Akyaa được dẫn lời trong một bài blog của Ngân hàng Thế giới (WB).Chương trình GCFRP của chính phủ nước này giúp nông dân cải thiện diện tích trồng ca cao bằng cách trồng cây che bóng, cắt tỉa hiệu quả và các kỹ thuật canh tác bền vững khác. Những cộng đồng này cũng tham gia ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép, khai thác khoáng sản trái phép và cháy rừng.Năng suất trung bình của các trang trại ca cao trong chương trình đã tăng từ 400kg/ha lên 600kg/ha kể từ năm 2019. Đo lường thành công bằng khối lượng hạt ca cao thu về thì dễ rồi, nhưng để biết bao nhiêu khí CO2 đã giảm được thông qua canh tác bền vững là một quá trình phức tạp hơn nhiều.Chính phủ Ghana đã nhận hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF) của WB nhằm củng cố các hệ thống đo lường, báo cáo và xác minh mức giảm phát thải. Ghana đang vận dụng kết hợp công nghệ viễn thám (ví dụ như hình ảnh vệ tinh) với việc lấy mẫu trên mặt đất (bằng các công cụ như Collect Earth) và ý kiến chuyên gia. Họ cũng nhờ cộng đồng địa phương giúp xác định các thông tin về sử dụng đất và lập bản đồ…Một khi được xác minh, mức giảm phát thải sẽ trở thành tín chỉ carbon mà Ghana có thể sử dụng cho các cam kết khí hậu của chính đất nước mình theo Thỏa thuận Paris.Nỗ lực tập thể đó đang được đền đáp. Vào tháng 1-2023, FCPF đã trả cho Ghana 4,8 triệu USD nhờ giảm khoảng 972.000 tấn khí CO2 trong giai đoạn giám sát đầu tiên (tháng 6 đến tháng 12-2019) theo thỏa thuận thanh toán giảm phát thải (tên viết tắt là ERPA). Nó quy định rằng FCPF sẽ trả tối đa 50 triệu USD cho 10 triệu tấn khí thải carbon mà Ghana giảm được cho đến năm 2024.Phần lớn các khoản thanh toán này (69%) sẽ đến tay các nhóm nông dân và cộng đồng địa phương như của Akyaa. Có một bản kế hoạch chia sẻ lợi ích để đảm bảo nông dân và các bên liên quan khác được công nhận và khen thưởng một cách công bằng.Andres Espejo, giám đốc Quỹ FCPF, cho biết: "Khi Ghana và các quốc gia có chương trình tương tự bắt đầu kiếm tiền từ việc giảm phát thải thông qua thị trường carbon, những dòng thu nhập và tài chính đa dạng này sẽ mang lại lợi ích cho các cộng đồng nông nghiệp nào đi đầu trong công tác bảo tồn rừng". Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Tín chỉ carbonBiến đổi khí hậuNăng lượng tái tạoBù đắp carbon
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.