Lực lượng xã đội Vĩnh Hội Đông dùng vỏ lãi để đưa rước học sinh - Ảnh: BỬU ĐẤU
ĐBSCL: học sinh vượt lũ lớn
Ông Thái Kim Khải - trưởng Phòng GD-ĐT huyện An Phú (An Giang) - cho biết do nước lũ năm nay lớn hơn mọi năm nên học sinh các xã Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Phú Hữu, Khánh An, Vĩnh Lộc và thị trấn An Phú đến trường trong điều kiện nhiều khó khăn.
Toàn huyện có 1.710 học sinh bị nước lũ chia cắt phải nhờ chính quyền tổ chức đưa rước đến trường hoặc cha mẹ dùng xuồng ghe đưa đến trường. Đặc biệt, ở các xã Khánh An, Quốc Thái và Khánh Bình hiện có 1.090 học sinh Việt kiều từ Campuchia sang học tập.
Theo thầy Hà Minh Phương - phó hiệu trưởng Trường tiểu học B Vĩnh Hội Đông, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, nơi điểm trường nằm giữa vùng lũ bị chia cắt, chính quyền tổ chức đưa đón học sinh đến trường.
Toàn trường hiện có trên 530 học sinh, đạt trên 95% so với kế hoạch vận động học sinh ra lớp.
"Mùa lũ này các em đi học gặp nhiều khó khăn, nếu không có việc đưa đón của chính quyền xã thì chắc học sinh nghỉ học rất nhiều. Cái khó hiện nay là các em học điểm phụ không thể học thực hành môn tiếng Anh và tin học bởi phòng chức năng đều nằm ở điểm chính.
Vì vậy, mùa lũ này các em chỉ được học lý thuyết, đến khi nước rút mới cho các em về điểm chính học thực hành được" - ông Phương nói.
Còn ông Trấn Tuấn Khanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, cho biết mùa lũ hiện nay toàn tỉnh có chín điểm trường bị lũ chia cắt, trên 600 học sinh bị ảnh hưởng khó khăn trong việc đến trường nhập học, chủ yếu xảy ra đối với thị xã Tân Châu và huyện An Phú, nơi có lũ lớn đầu nguồn.
"Hiện nay nơi nào bị ảnh hưởng lũ thì nhà trường phải phối hợp địa phương tổ chức đưa đón các em an toàn đến trường trong mùa lũ" - ông Khanh nói.
Tại Đồng Tháp, các đường đến trường bị nước lũ nhấn chìm sẽ có đội ngũ tình nguyện viên đưa đón học sinh, giáo viên ba buổi/ngày.
Tại huyện Hồng Ngự, khu vực ấp Giồng Bàng (xã Thường Phước 1) và ấp Giồng Duối (xã Thường Thới Hậu A) có khoảng 45 học sinh được UBND xã, bộ đội biên phòng và người dân đưa đón ba buổi/ngày, kế hoạch sẽ diễn ra suốt mùa lũ.
Tại huyện Tam Nông, Trường tiểu học - THCS Phú Thành B (điểm phụ ấp Phú Hòa) và Trường tiểu học Hòa Bình A (điểm phụ kênh Kháng Chiến) có hơn 150 học sinh đi học bằng đường thủy.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, chính quyền địa phương đã vận động người dân tổ chức đón học sinh bằng xuồng máy, một số khác được cha mẹ trực tiếp đưa rước.
Ông Lê Phước Hậu, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tam Nông, cho biết việc đưa đón, đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa lũ đã triển khai đến các trường. Trong trường hợp nước lũ lên cao hơn, phòng sẽ báo cáo UBND huyện xin cho học sinh tạm nghỉ.
Ông Hậu cho biết thêm huyện vừa nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng hương Đồng Tháp ở TP.HCM hai chiếc tắc ráng để phục vụ việc đưa rước học sinh.
Riêng huyện biên giới Tân Hồng có 14 học sinh cần phải đưa qua sông, trong đó sáu em từ Campuchia sang học. Các em đều được gia đình đưa đón đảm bảo an toàn.
Khu bán trú Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Tam Chung bị mưa lũ phá hủy tan hoang - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Thanh Hóa: 1.000 học sinh chưa thể đến trường
Ông Mai Xuân Giang, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Mường Lát, cho biết đến nay toàn huyện còn gần 1.000 học sinh chưa thể đến trường sau ngày khai giảng vì hậu quả thiệt hại lớn do mưa lũ gây ra những ngày qua.
Nhiều con đường đến trường ở các xã trên địa bàn huyện bị mưa lũ tàn phá, chia cắt.
Phòng GD-ĐT huyện đang chỉ đạo và cùng giáo viên các trường xuống tận các bản vùng sâu, vùng xa để vận động học sinh trở lại trường học.
Đối với học sinh mầm non, tiểu học sẽ học tại bản, còn học sinh THCS ở các bản vùng sâu, vùng xa ra trung tâm xã học sẽ được hỗ trợ nơi ăn, ở bán trú.
Học sinh ở vùng lũ Mường Lát đang thiếu sách giáo khoa, vở viết, cặp sách, áo ấm, các trường thiếu đồ dùng dạy học...
Ông Phạm Văn Kiên, hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Tam Chung, cho biết nhà trường có 354 học sinh, trong đó có 221 em ở bán trú.
Lũ dữ phá hỏng toàn bộ khu bán trú của nhà trường nên hiện nay các em học sinh không có chỗ ở, mất toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập.
Do không còn khu nấu ăn cho học sinh của trường, hiện các em học sinh phải ở trọ nhà dân hoặc về nhà sau buổi học, khiến đường đến trường học chữ của các em gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt, gia đình học sinh có nhà bị đổ, lũ cuốn trôi, mất toàn bộ tài sản, nguy cơ các em bỏ học rất cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận