Trường bắn - ngày kết thúc - Kỳ cuối:
Phóng to |
Nhà tiêm thuốc độc đang được xây dựng tại trại giam Sơn La - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP |
Gánh nặng tinh thần
Ông Lò Xuân Lẻ - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Sơn La, nguyên trưởng phòng thi hành án hình sự Công an Sơn La, từng thực hiện phát súng ân huệ trong các buổi thi hành án đối với tử tù và sau đó nhiều lần chỉ huy thi hành án tử tù. Ông Lẻ không nói nhiều về ký ức của những lần chỉ huy thi hành án ở pháp trường mà hay nhắc về đồng đội, về cấp dưới của mình, có người sau khi rời nhiệm vụ đã lui về hẳn với núi rừng, ngại tiếp xúc với anh em bạn bè.
Câu chuyện của ông Lẻ làm chúng tôi liên tưởng tới chia sẻ của bà Lê Thị Thu Ba - phó chánh văn phòng Trung ương Đảng, phó ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, về một trong những lý do đấu tranh để cho ra đời phương thức thi hành án tử hình mới: “Các anh công an được giao nhiệm vụ thi hành án thì tâm tư chung là rất nặng nề. Bởi vậy, khi pháp luật và Nhà nước giao thì họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ chứ không ai hăng hái đi làm việc này”.
Bà Thu Ba kể khi còn công tác trong ngành tòa án từng chứng kiến một cán bộ làm nhiệm vụ thi hành án tử tù, sau một thời gian lâm bệnh vì bị mất ngủ thường xuyên. Có nhiều anh em còn nhắm mắt bắn đại, riêng ông đội trưởng thì buộc phải nhìn thẳng vào tử tù để thực hiện phát súng nhân đạo. Dù có sự thay đổi cho mỗi lần thi hành án để giải tỏa tâm lý nhưng áp lực vẫn cứ nặng nề.
Phần cuối câu chuyện, ông Lò Xuân Lẻ nhắc nhiều đến việc khi rời ngành công an ông đã ra làm luật sư, mà một trong những mục đích lớn nhất như ông nói: “Tôi từng thi hành nhiều án tử hình, làm luật sư để hi vọng bào chữa bớt đi những án tử hình”. Nhưng trong suốt buổi nói chuyện đôi bàn tay ông cứ vò vào nhau một cách vô thức: “Tôi đã bào chữa 20 án tử hình rồi nhưng chưa vụ nào thành công. Toàn án ma túy thôi, có vụ thì chỉ định, có vụ thì người ta thuê”.
Rồi ông nhận xét có nhà thi hành án bằng phương pháp tiêm thuốc độc đó là một trong những việc làm rất nhân đạo của Nhà nước đối với hình phạt tử hình hiện nay. Hình như trong thẳm sâu suy nghĩ của luật sư Lò Xuân Lẻ có một điều gì đó thật khó giãi bày.
Ở trường bắn Cầu Ngà (Hà Nội), chúng tôi gặp anh V. công an viên xã Tây Mỗ, người có thâm niên 10 năm làm công việc chôn cọc, hạ xác và khâm liệm cho tử tù. Anh V. kể đã từng rất ám ảnh khi lần đầu tiên được tiếp xúc với tử thi tại trường bắn. Có lần đi chôn cọc, liệm xác về không ăn nổi cơm vì những hình ảnh quá tệ. “Nhưng vì đây là nhiệm vụ và chẳng có người làm thay. Cũng có lần chúng tôi đề nghị để đơn vị khác thực hiện, nhưng bởi trường bắn Cầu Ngà đóng trên địa bàn xã Tây Mỗ nên ban an ninh xã Tây Mỗ phải làm việc này...” - anh V. bày tỏ.
Trường bắn kết thúc sứ mệnh
Bà Lê Thị Thu Ba cho biết để có quy định mới về thi hành án tử hình này, hơn 100 cán bộ đã tổ chức khảo sát trong gần một năm cả trong và ngoài nước. Tất cả ý kiến của những người liên quan đều được hỏi, rất nhiều hội thảo, hội nghị... để có thể ra đời Luật thi hành án mới. Bà Lê Thị Thu Ba kể một cách rất thực tế: “Có những phạm nhân khi thực hiện hành vi phạm tội có thể rất tàn độc, nhưng trước một hội đồng thi hành án họ lại rất yếu đuối và có nhiều người khóc, không ăn được cơm. Việc chứng kiến hàng loạt khâu từ lúc dẫn giải trong trại giam ra đến lúc bắn phát đạn cuối cùng cũng khiến bác sĩ pháp y đến, ký biên bản và giao lại cho nhóm chôn cất... gây áp lực nặng nề đối với mọi người có liên quan".
Tiêm thuốc độc tuy được coi là một phương pháp mang tính nhân đạo hơn nhưng khi thực hiện khảo sát và hội thảo, các nhà lập pháp đã vấp phải không ít khó khăn để điều Luật thi hành án mới ra đời. Trong nhiều cuộc hội thảo có cơ quan vẫn bảo lưu quan điểm nên giữ song song hai hình thức cả tiêm thuốc độc và bắn. Việc thực hiện hình thức nào là tùy thuộc vào thẩm phán (cấp tỉnh) quyết định.
“Như vậy dễ gây ra sự bất bình trong dư luận và thiếu sự công bằng đối với các tử tù - bà Thu Ba nói - Tôi nghĩ bước đầu thì còn nhiều khó khăn nhưng rồi mọi thứ sẽ quen thôi. Tôi vẫn nghĩ trong tương lai nếu bỏ được tử hình thì rất tốt. Khi còn làm ở Ủy ban tư pháp của Quốc hội, tôi đã đề nghị với anh Trần Đại Quang và anh Lê Hồng Anh nên chăm sóc tốt hơn cuộc sống của tử tù. Điều đó thể hiện sự nhân đạo của Chính phủ!”.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà thượng tá Vũ Xuân Hồng - phó giám thị trại giam số 1 Hà Nội - thỉnh thoảng lại thở dài khi được hỏi về hơn 50 tử tù đang chờ thi hành án trong trại. “Vừa trông nom họ, nhưng chúng tôi cũng vừa nuôi cho họ hi vọng giảm án. Và điều đó đã xảy ra đối với nhiều tử tù. Đây không chỉ là tin vui với người ta mà còn là tin vui với chúng tôi nữa” - vị đại tá có gần 30 năm gắn bó với trại giam Hà Nội bộc bạch.
Khi nói về Luật thi hành án mới, thượng tá Hồng cho biết: “Sẽ chấm dứt hoàn toàn đội bắn súng, đội chôn cọc, liệm xác và mai táng. Cũng sẽ không còn những sợi dây trói tử tù nữa. Cũng chấm dứt hẳn những ám ảnh của người nhà tử tù khi cải táng cho người thân của mình. Pháp trường sẽ trở thành nghĩa trang tử tù khi gia đình họ chưa muốn đưa về ngay. Sứ mệnh của trường bắn cũng sẽ chấm dứt ở đây”.
Từ cuối tháng 11-2011 Bộ Công an đã tổ chức các lớp tập huấn cho chiến sĩ và cán bộ phòng PC81 (Phòng thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) của các tỉnh thành trong toàn quốc để thực hiện thi hành án hình sự tại hệ thống các bệnh viện của Bộ Công an. Mỗi phòng PC 81 đã cử hơn 10 người tham dự các khóa huấn luyện để nhận biết về thuốc độc, cách lấy ven và tiêm thuốc qua ven. Ngoài sự tham gia của các thành phần liên quan đến thi hành án, đội thi hành án tiêm thuốc độc cũng sẽ gồm năm người (ba người thực hành tiêm và hai người dự bị) thực hiện tiêm ba mũi bằng phương pháp thủ công, tiêm bằng tay nên sẽ có bác sĩ hỗ trợ trong suốt quá trình thi hành án. Theo thiết kế, nhà thi hành án có diện tích 150m2 được xây dựng thí điểm trong khuôn viên trại giam 15 tỉnh thành. Với ba bước tiêm thuốc (liệt thần kinh, liệt cơ và chết tim) tử tù sẽ đền tội bằng cái chết rất nhẹ nhàng. Dự kiến, từ ngày 1-1-2012 sẽ tiến hành tử hình bằng tiêm thuốc độc tại năm tỉnh thành nói trên, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn quốc. |
-----------------------------------------------------
Kỳ 1: Kỳ 2: Nơi bình yên cuối cùng Kỳ 3: Người “quản trang” ở Cầu Ngà Kỳ 4: Trộm xác và câu chuyện sửa luật Kỳ 5:
-----------------------------------------------------
Đón đọc số tới: Tử hình: Từ cổ đại đến văn minh
Từ câu chuyện thay đổi hình thức tử hình ở VN, thử nhìn ra cách mà thế giới áp dụng các hình thức tử hình từ xưa đến nay. Và liệu trong tương lai, “án tử” có còn tồn tại?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận