Hành trình từ vùng cao Mù Cang Chải xa xôi đến FUV là cả một câu chuyện dài với nhiều cung bậc thăng trầm, đa dạng cảm xúc. 

Tủa cùng các bạn được cấp học bổng toàn phần (bao gồm học phí, nơi ở) cho năm học Đồng kiến tạo của ĐH này.

Đường đến Fulbright của Khang A Tủa - Ảnh 1.

Lần đầu gặp, tôi hơi ngờ ngợ vì vẻ ngoài của Tủa hoàn toàn không giống những gì tôi hình dung về một người dân tộc thiểu số ở vùng cao xa xôi. Tủa không có nét nào "Mù Cang Chải" cả, ngoại trừ chiếc quần lanh rộng thùng thình - trang phục đặc trưng của người Mông. 

Người thấp, hơi khẳng khiu, một chỏm tóc cột ngược ra phía sau để ở phía trước là khuôn mặt sáng và thông minh, phong thái hoạt bát, tiếng Việt rất sõi.

Tủa sinh năm 1995 ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Mọi người khi nói chuyện về vấn đề gì đó mà người khác không biết, người ta sẽ hỏi vui: bộ ở Mù Cang Chải hả? 

Mù Cang Chải hẻo lánh xa xôi và nghèo thiệt. Nhà Tủa ở tít trong một cái xã nghèo của cái huyện nghèo đó. Giấy tờ là vậy nhưng Tủa nói, ngay cả cha mẹ cũng không nhớ chính xác Tủa sinh năm nào, 1994 hoặc 1995.

Đường đến Fulbright của Khang A Tủa - Ảnh 2.

Khang A Tủa - Ảnh: N.V.

Tủa có 6 anh em. Ba mẹ nuôi anh em Tủa bằng mảnh đất nằm tận trong rừng trồng táo mèo, ngô, vài mảnh ruộng bậc thang, nuôi gà. Nghèo vậy nhưng rất may, cha mẹ Tủa rất quan tâm chuyện học của con. Mấy anh em Tủa ai cũng được đến trường, không ai phải nghỉ học để bươn chải kiếm sống quá sớm. Lên cấp 2, Tủa là một trong 5 học sinh của xã giành được suất học nội trú huyện.

Ở trường, hầu hết học sinh là người Mông nên trừ khi trên lớp, về nhà, các bạn lại sử dụng tiếng Mông để giao tiếp. Do vậy, dù ở huyện học xong cấp 2 nhưng tiếng Việt của Tủa vẫn rất khó nghe. Nhưng Tủa học rất giỏi. Sau khi tốt nghiệp cấp 2, Tủa là một trong bốn học sinh của huyện được chọn gửi về học cấp 3 tại Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc ở TP Thái Nguyên. Đó là lần đầu tiên Tủa rời bản làng về phố.

Thời gian đầu ở nơi học mới, bạn bè trong lớp không hiểu được những gì Tủa nói bằng ngữ điệu lơ lớ của mình. Phải gần một học kỳ, Tủa mới sõi tiếng Việt. Năm lớp 11, Tủa đạt giải học sinh giỏi môn vật lý và giải vật lý trên máy tính cầm tay cấp tỉnh. 

Với Tủa và gia đình mình khi đó, học là để thoát nghèo, để bản thân không phải lam lũ như cha mẹ nữa. Phải học giỏi để vào ĐH. Thế nhưng cái nghèo đôi khi nó cũng trói buộc suy nghĩ của một con người nhiều hoãi bão.

Đường đến Fulbright của Khang A Tủa - Ảnh 3.

Những năm đó, du lịch cũng bắt đầu men đến Mù Cang Chải, nhiều người dân bản làng quê Tủa cũng tham gia. Thế nhưng cái giá phải trả cho sự phát triển ấy là môi trường bị dẫm đạp, phá hoại, văn hóa thay đổi, sự gắn kết của con người ngày càng rời rạc. 

Kỳ thi ĐH năm 2013, Tủa đăng ký vào ngành môi trường Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong suy nghĩ lúc bấy giờ, Tủa nói mình muốn học để khi ra trường về huyện làm quy hoạch du lịch để vừa phát triển kinh tế địa phương vừa bảo vệ môi trường, có thể oai nghiêm đi kiểm tra, xử phạt những người tàn phá môi trường, xả rác bừa bãi, bảo vệ những giá trị văn hóa của người Mông bản địa.

Đường đến Fulbright của Khang A Tủa - Ảnh 4.

Ban đầu, Khang A Tủa muốn học để về làm quy hoạch du lịch nhằm vừa phát triển kinh tế địa phương vừa bảo vệ môi trường - Ảnh: MINH GIẢNG

Nhà Tủa ở vùng sâu nên không tham gia vào trào lưu phát triển du lịch lúc bấy giờ. Ở đó, nhà nào làm lúa đủ ăn quanh năm không phải đi mua gạo mùa giáp hạt đã là tốt lắm rồi. Thu nhập của cha mẹ Tủa dựa vào việc bán gà, táo mèo. 

Gà có lứa, táo có mùa, vài tháng mới bán một lần, gặp lúc giá không tốt thì số tiền thu về chẳng bao nhiêu, làm sao có thể lo cho Tủa đi học tận Hà Nội đắt đỏ. Tủa lại còn mấy đứa em còn trong tuổi ăn tuổi học. Nếu Tủa vẫn về Hà Nội, có khi mấy đứa em kia phải nghỉ học, theo cha mẹ vào rừng làm lụng kiếm sống.

Hay là về quê làm nông vài năm phụ ba mẹ nuôi các em ăn học xong mình mới tiếp tục việc học? - Tủa nghĩ vậy. Cái suy nghĩ đó cứ ám ảnh Tủa mãi và cậu quyết định không thi ĐH.

Thi tốt nghiệp THPT xong, các bạn ở lại trường ôn thi ĐH, Tủa khăn gói về quê với một kế hoạch rõ ràng. Dành dụm từ tiền ăn hàng tháng, tiền học bổng, thưởng học sinh giỏi, Tủa đặt mua… 2 con dê con. Tủa dự định sẽ trồng thêm táo mèo, nuôi dê, làm du lịch để có thêm thu nhập phụ ba mẹ nuôi các em học xong, Tủa sẽ học sau.

Đường đến Fulbright của Khang A Tủa - Ảnh 5.

Gần ngày thi ĐH, thầy cô ở trường phổ thông động viên, cha mẹ cũng khuyên Tủa đi thi. Rồi Tủa đi thi với tâm lý đậu thì học, không thì biết khả năng mình tới đâu rồi về làm nông chứ không quan trọng nữa. Tủa rớt thật. Không đậu vào ngành mong muốn là môi trường nhưng Tủa đủ điểm trúng tuyển vào ngành hóa của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ngay từ những ngày đầu theo học, Tủa hoàn toàn không có hứng thú với ngành học này. Tủa nói ngày nào cũng cảm thấy chán nản, lên lớp là nghĩa vụ chứ không hào hứng. 

Đường đến Fulbright của Khang A Tủa - Ảnh 6.

Suy nghĩ "mình chưa cố gắng hết mình hay mình vô dụng" cứ ám ảnh Tủa từ ngày này sang ngày khác mà không có ai giãi bày. Nghĩ thế nhưng Tủa tự nhủ phải ráng để có bằng ĐH. Nhưng càng cố gắng, Tủa càng cảm thấy mình đi vào ngõ cụt. Và điều mà Tủa cảm nhận rõ ràng nhất đó là mình lạc lõng giữa Hà Nội xô bồ.

Để vơi đi cảm giác lạc lõng này, Tủa tìm đến những hội người Mông của sinh viên các trường ĐH khác tại Hà Nội để tìm lại những thứ vốn gắn bó và quen thuộc với mình. Hơn hết, từ các hội nhóm này, Tủa tham gia các hoạt động xã hội, các dự án nghiên cứu về người Mông của một số tổ chức cần người Mông bản địa. Chính những hoạt động ấy, Tủa đã tìm thấy niềm vui và nhận ra, mình không phải vô dụng, mình không hợp với học hóa chứ không phải do mình chưa cố gắng.

Đường đến Fulbright của Khang A Tủa - Ảnh 7.

Tủa hướng dẫn các em nhỏ tại Mù Cang Chải trong dự án Chúng em an toàn với thiên tai 2017 - Ảnh: N.V.

Sau những dự án ấy, 12 bạn trẻ người Mông, trong đó có Tủa, đã thành lập nhóm Action for Hmong Development - AHD - Hành động vì sự phát triển của người Mông. Họ tổ chức nhiều buổi nói chuyện về văn hóa người Mông, cách tính lịch và ăn tết của người Mông, về giới trong phong tục người Mông… Văn hóa người Mông cũng có nhiều điểm đặc biệt chứ không chỉ là sự lạc hậu, mông muội như những gì người ta thường nghĩ. Những sự kiện này thu hút được rất nhiều người quan tâm tới dự và có những phản hồi tích cực.

"À, thì ra mình hợp và giỏi với công tác xã hội hơn là học ngành hóa ở Bách khoa. Hơn một năm tham gia, mình nhận ra mình trưởng thành hơn, hiểu rõ hơn mình muốn làm gì để có thể đưa ra quyết định của chịu trách nhiệm với quyết định đó. Trước đây mình cũng nghĩ mình không hợp với ngành hóa ở ĐH nhưng chưa dám quyết định vì sợ cái này sai cái kia sai, không ai chịu trách nhiệm với quyết định đó" - Tủa chia sẻ thêm.

Sau hơn 2 năm học Bách khoa, Tủa quyết định sẽ nói với cha mẹ sẽ nghỉ học để tập trung vào các dự án công tác xã hội của mình. Cả một vùng khó nghèo quê Tủa chưa có ai học Bách khoa nên việc đưa ra quyết định ấy cũng không hề đơn giản. Rất may cha mẹ Tủa cũng không phản đối quyết định của con. 

Trong các năm 2016, 2017, Tủa là điều phối của Nhóm hành động vì sự phát triển của người Mông. Thêm hai dự án về tết của người Mông, truyện cổ tích người Mông và các dự án về tiếng nói trẻ em người Mông, dạy tiếng Anh miễn phí cho thanh niên dân tộc thiểu số tại Hà Nội, được nhóm triển khai thực hiện.

Hơn một năm tham gia các hoạt động công tác xã hội, Tủa mình nhận ra mình trưởng thành hơn - Ảnh: N.V

Đường đến Fulbright của Khang A Tủa - Ảnh 9.

Ngày Tủa ra mắt tập san tuyển tập Truyện cổ tích người Mông sau nhiều tháng đi sưu tầm khắp các tỉnh miền Bắc cũng là ngày các bạn cùng lớp ĐH mời dự lễ tốt nghiệp ĐH. Tự nhủ, nếu cố gắng có khi giờ này mình cũng đứng trên bục kia nhận bằng cùng các bạn nhưng Tủa tâm đắc: hôm nay ra tập san này mình rất vui nhưng nếu đổi lại đứng trên bục nhận bằng tốt nghiệp chắc mặt mình sẽ rất buồn.

Đường đến Fulbright của Khang A Tủa - Ảnh 10.

Tủa tham gia chương trình học về văn hóa Việt Nam tại Huế do ĐH Fulbright VN tổ chức - Ảnh: FUV

Tủa nghĩ, nếu hồi xưa không lên Hà Nội, Tủa bây giờ có khi đã có vợ và mấy đứa con nheo nhóc với cuộc sống ruộng rừng quanh năm lam lũ. Suy nghĩ cũng sẽ không dứt ra được những nỗi lo toan cuộc sống với trâu chết, gà bệnh, lúa mất mùa, con đau ốm, sự túng bấn… Tủa có điều kiện đi xa để mở mang tầm nhìn, thay đổi suy nghĩ nhưng không phải ai ở Mù Cang Chải cũng có điều kiện như thế. 

Tủa ấp ủ mở một trung tâm cộng đồng cho trẻ em ngay tại quê hương mình. Tủa sẽ dạy chữ, nói với bọn trẻ những điều không có ở bản làng, về những điều các em có thể học, có thể làm để sống tốt hơn.

Trong lúc thực hiện các dự án xã hội của mình, Tủa làm diễn giả về ảnh hưởng của du lịch đại trà đến người dân bản địa. Cán bộ tuyển sinh ĐH Fulbright cũng tham gia buổi này. Biết câu chuyện của Tủa, vị này động viên hãy ứng tuyển vào trường. Lúc đó hoàn toàn không biết gì về trường ĐH này, không biết họ tuyển sinh ra sao, nhận đường link đăng ký do chị cán bộ tuyển sinh gửi, Tủa vẫn băn khoăn mãi bởi lúc ấy Tủa vẫn muốn về quê…

Đường đến Fulbright của Khang A Tủa - Ảnh 11.

Rồi Tủa quyết định ứng tuyển. Tủa thừa nhận, tiếng Anh của mình có được là do "nhặt nhạnh" mỗi nơi một ít từ các dự án tiếng Anh thanh niên mà Tủa tổ chức, buổi nói chuyện có người nước ngoài, tự học. Buổi phỏng vấn đầu vào của ĐH Fulbright là cuộc nói chuyện về những vấn đề mình quan tâm. Tủa chia sẻ về văn hóa dân tộc mình, những chuyện mình đã gặp phải, những điều mình đã làm bằng một thứ tiếng Anh không phải trôi chảy nhưng thu hút và thuyết phục. Tủa được nhận.

Lần học ĐH này Tủa cảm nhận được sự thú vị của từng môn học, từng bài tập bởi sự gợi mở và phóng khoáng của nó, không gò bó như trước. Học toán để ứng dụng vào phân tích tâm lý chứ không chỉ là tích phân, phương trình. Thời gian đầu tiếng Anh cũng khó khăn nhưng cũng như tiếng Việt, Tủa đã hòa nhập và phát huy được khả năng của mình. Với Tủa, tiếng Anh hay tiếng Việt dù là ngôn ngữ thứ hai nhưng cũng không quá đáng sợ.

A Tủa chia sẻ mình hạnh phúc với những việc đã và đang làm - Video: M.G.

"Tiếng Việt thực ra là ngôn ngữ thứ hai của mình. Đến tận năm học lớp 10 mình vẫn chưa nghe thông nói thạo tiếng Việt. Nhưng mình vẫn luôn lên lớp đều đều, thậm chí cũng giành một vài giải học sinh giỏi các cấp. Mình không cần hiểu toàn bộ những lời văn ý thơ trong một đề thi, mình chỉ cần xác định được ý chính của câu hỏi là gì, và tập trung dùng ngôn ngữ của mình để trình bày những suy nghĩ của mình một cách đơn giản nhất.

Đường đến Fulbright của Khang A Tủa - Ảnh 13.

Tủa và các bạn trong lớp tại ĐH Fulbright Việt Nam - Ảnh: FUV

Bây giờ với tiếng Anh cũng vậy. Mình chẳng thông thạo tiếng Anh vào lúc này, nhưng mình cũng thấy mình không bị bỏ quá xa tại một môi trường gần như toàn bộ cuộc sống diễn ra bằng tiếng Anh ở ĐH Fulbright Việt Nam. Cứ trả ngôn ngữ về đúng chức năng là công cụ kết nối của chính nó thật sự hữu ích và đơn giản trong việc học ngôn ngữ và trong cuộc sống"- Tủa chia sẻ.

Vừa học ĐH, Tủa vẫn tích cực tìm kiếm các hoạt động cộng đồng tham gia. Nói về dự định trong tương lai, Tủa nói vẫn muốn làm những điều có ích cho cộng đồng, bản làng mình. Mong muốn tạo ra cơ hội tiếp cận tri thức dễ dàng hơn cho trẻ em người dân tộc thiểu số vẫn cháy bỏng, vận động chính sách để hỗ trợ thêm.

Đường đến Fulbright của Khang A Tủa - Ảnh 14.
Đường đến Fulbright của Khang A Tủa - Ảnh 15.

Ảnh: N.V, MINH GIẢNG


MINH GIẢNG
KIỀU NHI
BẢO SUZU
1/1/2019

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên