Đường đến dân nguyện 

NGUYỄN ĐỨC LAM 30/05/2017 23:05 GMT+7

TTCT - "... Nhưng có điều gì đó không ổn khi qua hàng chục kỳ họp, các báo cáo lặp đi lặp lại những cụm từ đã quá quen thuộc về mong muốn của cử tri đối với những chuyện quốc kế dân sinh và đời sống của chính mình...."

 

 Đúng vào ngày khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, một người bạn inbox cho tôi đường dẫn đến một bài viết về hoạt động dân nguyện của nghị viện các nước và than rằng tại sao ta đã đi học hỏi kinh nghiệm các thứ mà sao đường đi của dân nguyện vẫn còn lâu thế, từ khi tiếp nhận, tổng hợp, chuyển đơn, theo dõi, giải quyết, tính bằng năm, thậm chí hàng năm, sao thế?

Câu hỏi này đã vang vang ở các diễn đàn khác nhau mấy chục năm nay, giờ thêm một lần nữa được nêu ra.

Đường xa

Hằng năm, riêng các kênh của Quốc hội đã tiếp hàng chục ngàn lượt công dân; nhận được hàng chục ngàn đơn, thư.

Ví dụ như năm 2015, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp nhận hơn 26.000 đơn, thư; các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận hơn 15.000 đơn, thư.

Mỗi kỳ họp Quốc hội đều có báo cáo tổng hợp hàng ngàn ý kiến, kiến nghị của cử tri. Việc đọc, phân loại, xử lý, chuyển, theo dõi việc giải quyết hàng chục ngàn đơn như vậy quả thật là một khối lượng công việc quá lớn và nhọc nhằn.

Tất nhiên, chuyện đời của hàng chục ngàn số phận không thể được phản ánh cụ thể trong những báo cáo đó, cho dù người làm báo cáo giỏi giang và có tâm đến đâu.

Nhưng có điều gì đó không ổn khi qua hàng chục kỳ họp, các báo cáo lặp đi lặp lại những cụm từ đã quá quen thuộc về mong muốn của cử tri đối với những chuyện quốc kế dân sinh và đời sống của chính mình.

Còn các con số sẽ cho thấy những chuyện đáng nói, chẳng hạn như lượng đơn, thư trùng và đơn không đủ điều kiện xử lý chiếm khoảng 56% năm 2015.

Tức là bản thân những công dân gửi đơn không đúng chiếm tỉ lệ khá lớn, nhưng cũng không khỏi băn khoăn liệu trong số đơn bị gạt lại này có những phận người nào oan khiên hay không.

Hoặc là trong số đơn đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tỉ lệ trả lời trong kỳ báo cáo không cao, thường chỉ khoảng trên 50%.

Có thể là do vụ việc phức tạp, chưa được giải quyết vào thời điểm làm báo cáo, nhưng con số trên một lần nữa cho thấy câu hỏi inbox của người bạn là có cơ sở, đường dân nguyện quả thật mất rất nhiều thời gian.

Thực ra, trên thế giới, việc giải quyết dân nguyện cũng đòi hỏi thời gian khá lâu, dù đó là từng cá nhân nghị sĩ hay là cơ quan riêng của nghị viện phụ trách công việc này như thanh tra quốc hội, cao ủy viên nghị viện về vấn đề quyền công dân, hoặc ủy ban dân nguyện.

Như Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội Đức là mô hình điển hình, nhiều nước học hỏi, được ví với “máy dự báo động đất”, “chuông báo cháy”, công dân dùng mỗi khi có vấn đề với các cơ quan công quyền.

Thế nhưng, với số lượng lớn đơn gửi về, nguồn lực có hạn, nhất là về thời gian, ủy ban không thể trả lời kịp tất cả các đơn. Thậm chí nếu đơn được xem xét ngay thì công dân cũng phải đợi vài tháng mới có trả lời.

Tỉ lệ “thành công” của ủy ban dân nguyện qua các nhiệm kỳ không cao lắm, ví dụ từ năm 1987-1990, ủy ban nhận được hơn 52.500 đơn và xem xét được hơn 32.000 đơn.

Trong số đó, gần 15% đơn dân nguyện được giải quyết thành công, tức là mang lại kết quả nào đó cho người đứng đơn.

Hoặc như điểm yếu nhất của cơ chế dân nguyện ở Bồ Đào Nha là thời gian giải quyết quá lâu. Trong nhiều trường hợp, thời gian này dây dưa đến nỗi việc đưa vấn đề dân nguyện ra thảo luận trở thành vô nghĩa.

 

 Hai mô hình dân nguyện

Nếu hiệu quả thực tế thấp, cơ chế dân nguyện dù ở Việt Nam hay nước nào cũng có nguy cơ đẩy người dân ra xa hơn chứ không kéo họ xích gần với quốc hội.

Thế nhưng, như ở nghị viện các nước, nghị sĩ không thể làm thay cơ quan hành chính hoặc cơ quan xét xử; nếu bị cuốn vào xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo thì sẽ không còn thời gian để thực hiện nhiệm vụ lập pháp, giám sát.

Chính vì vậy, nghị viện nhiều nước thường tập trung giám sát những vấn đề đụng chạm đến lợi ích của cả dân tộc hoặc của hàng triệu người chứ không xem xét việc của một người.

Nhiệm vụ chính của quốc hội khi giải quyết đơn thư dân nguyện của công dân là cung cấp thông tin và hướng dẫn, giúp đỡ về thủ tục đối với những công dân “gặp khó khăn với chính quyền”.

Việc tư vấn, giải thích về thủ tục và tháo gỡ, can thiệp về thủ tục sẽ do văn phòng nghị sĩ thực hiện. Tuy nhiên, bản thân nghị sĩ sẽ can thiệp với các thành viên nội các phụ trách các lĩnh vực cụ thể để “đeo bám” một số vụ việc tới cùng, nếu vẫn không hiệu quả thì vẫn còn công cụ báo chí và các phiên họp tại nghị trường.

Ở Việt Nam, có những đại biểu Quốc hội chia sẻ kinh nghiệm, trong một nhiệm kỳ, mỗi đại biểu Quốc hội nên đeo bám, giúp cử tri giải quyết một vài vụ việc thì cộng lại cũng có tác dụng lớn.

Quan trọng hơn, qua những vụ việc cụ thể như vậy, các cơ quan hành chính sẽ phải tôn trọng công dân hơn, giải quyết nhanh hơn vấn đề của công dân nói chung.

Do quan niệm không trực tiếp giải quyết khiếu nại cụ thể, thậm chí quy chế hoạt động của Quốc hội Thụy Điển không cho phép các nghị sĩ đưa ra xem xét trước quốc hội những vấn đề cụ thể thuộc về cá nhân hoặc nhóm cá nhân nào đó.

Chính vì quy định này, ở Thụy Điển, người dân không gửi đơn khiếu nại đến quốc hội. Thế nhưng, Quốc hội Thụy Điển vẫn thành lập được một cơ quan thanh tra quốc hội để xem xét các khiếu nại của công dân.

Đây là phương án đưa lại sự thay đổi về cơ bản cách thức giải quyết đơn thư khiếu nại, dân nguyện của công dân: nghị viện không chuyển đơn thư và giám sát việc giải quyết, mà thành lập một cơ quan chuyên môn trực tiếp giải quyết và định kỳ báo cáo với nghị viện.

Động tác giám sát của quốc hội chỉ là xem xét báo cáo hằng năm của thanh tra quốc hội và có những quyết định cần thiết về mặt chính sách, pháp luật để cải thiện tình hình.

Nếu theo mô hình ủy ban dân nguyện, để tăng cường hiệu quả cần rút ngắn thời gian xem xét đơn dân nguyện và tăng cường sự phối hợp giữa ủy ban dân nguyện với các cơ quan công quyền được nhắc đến trong đơn dân nguyện.

Ủy ban này phải được trao những quyền hạn đủ mạnh, ví dụ ở Đức, chính phủ liên bang, các cơ quan hành chính liên bang phải cung cấp mọi tài liệu, thông tin cho ủy ban dân nguyện theo yêu cầu. Ủy ban có quyền mời nhân chứng, chuyên gia, thành viên chính phủ và người đứng đơn đến để nghe điều trần.

Ủy ban chỉ cần thông báo về hoạt động điều tra của mình cho cơ quan chính phủ biết mà không cần có sự đồng ý của cơ quan đó để có thể điều tra vụ việc trực tiếp ngay ở cơ quan liên quan.

Tuy nhiên, nguyên tắc thảo luận tập thể và quyết định theo đa số kém hiệu quả khi xem xét, xử lý những khiếu nại, đơn thư dân nguyện cụ thể.

Do đó, trường hợp của Thanh tra Quốc hội Thụy Điển và mô hình ủy ban dân nguyện đều cho thấy rằng việc các cơ quan của nghị viện tiến hành khảo sát tình hình thực tế hoặc xem xét một vụ việc cụ thể chỉ thực sự hữu ích và có hiệu quả khi các hoạt động này phục vụ mục đích giám sát một vấn đề thuộc tầm chính sách vĩ mô.

Đường đến

Tất nhiên, dân nguyện không chỉ đến với quốc hội, quốc hội không chỉ đến với dân nguyện bằng những con đường như thế.

Các cuộc gặp gỡ cử tri, tham vấn công chúng, hội nghị, hội thảo, báo chí, email, điện thoại, mạng xã hội... tất cả đều cho thấy có nhiều con đường để lắng nghe và phản ánh dân nguyện, nếu thực sự coi đây là việc tối quan trọng.

Và đáp ứng nguyện vọng của dân tốt nhất bằng những kết quả cụ thể từ những việc đã làm ở Quốc hội, ví dụ trả lời và công bố rõ ràng, như một năm qua mỗi đại biểu Quốc hội đã làm gì để thực hiện lời hứa vận động bầu cử, bằng những câu chất vấn, bài phát biểu ở hội trường, những phát hiện, kiến nghị qua các cuộc giám sát, đề xuất trong xây dựng luật...

Nói cho cùng, dân nguyện có được đáp ứng hay không, điều đó phụ thuộc nhiều vào sức mạnh của lá phiếu cử tri: nếu cử tri có thực quyền sẽ chọn ra những đại biểu thực quyền, có động lực làm hài lòng cử tri; từ đó thực sự thúc đẩy những yêu cầu chính đáng mà cử tri đòi hỏi.■

Tại phiên họp ngày 17-4-2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải đã kiến nghị đưa báo cáo việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ra hội trường Quốc hội.

Báo cáo tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân hằng năm được đưa ra vào kỳ họp cuối năm, nhưng sau khi thảo luận tại Thường vụ Quốc hội sẽ được gửi tới đại biểu Quốc hội chứ chưa được trình để thảo luận tại hội trường.

Bà Hải cho biết số lượng đơn thư công dân gửi tới Quốc hội ngày càng nhiều (hiện một tuần tiếp nhận khoảng 500 đơn thư tố cáo, một năm nhận khoảng 20.000 đơn) và hi vọng với việc đưa báo cáo này ra phiên họp toàn thể sẽ đốc thúc các địa phương tuân thủ thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo nghiêm túc hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận