07/08/2013 19:13 GMT+7

Đường dây trà bẩn: kiểm tra đột xuất lòi ra sai phạm

MAI VINH - CHÍNH THÀNH
MAI VINH - CHÍNH THÀNH

TTO - Nhiều hành vi sai phạm nghiêm trọng tại các cơ sở sản xuất trà khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất. Một cơ sở không chứng minh được xuất xứ của hàng hóa, không cung cấp cho cơ quan chức năng điểm đến của trà bẩn và một cơ sở khác bị phát hiện có hành vi đấu trộn trà bẩn.

6Z14xNhE.jpgPhóng to
Hàng trăm bao trà phế tại cơ sở Linh Dũng - Ảnh: CHÍNH THÀNH
FFKPCtsN.jpgPhóng to
Cơ quan chức năng lấy mẫu trà phế tại cơ sở Linh Dũng - Ảnh: MAI VINH
EgOrd3j3.jpgPhóng to
Phân loại trà phế trước khi đấu trộn tại nhà xưởng doanh nghiệp Đặng Gia - Ảnh: MAI VINH
aAMdPz2d.jpgPhóng to
Đấu trộn trà phế tại nhà xưởng doanh nghiệp Đặng Gia - Ảnh: MAI VINH

Kỳ 1: Kỳ 2:

Ngày 7-8, đoàn kiểm tra liên ngành TP Bảo Lộc phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng kiểm tra cơ sở sản xuất trà phế Linh Dũng (chủ cơ sở là bà Nguyễn Thị Mai Linh, P.Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) và doanh nghiệp sản xuất trà Đặng Gia (chủ doanh nghiệp Đặng Ngọc Trường, P.Lộc Châu, TP Bảo Lộc), phát hiện nhiều sai phạm.

80 tấn trà bẩn không biết đi đâu

Cơ sở Linh Dũng được cơ quan chức năng xác định sản xuất trà phế lớn nhất trên địa bàn TP Bảo Lộc với hai nhà xưởng được xây dựng kiên cố hơn 2.000m2 ở hai địa điểm khác nhau. Tại nhà xưởng gần quốc lộ 20 (đoạn qua P.Lộc Tiến), hàng trăm bao trà phế chất ngổn ngang bên trong và bên ngoài nhà kho. Phía bên ngoài nhà kho, ruồi bay vo ve trên những bao trà phế bị rách, mùi chua phủ quanh nhà kho. Bên trong, bụi và mạng nhện phủ đầy trên những bao trà. Tại đây, bà Linh khai nhận đang lưu kho hơn 30 tấn trà phế. Bà từ chối cung cấp cho cơ quan chức năng những người mua trà phế của bà, chỉ giải thích rằng đây là loại trà dùng làm phân bón và ướp xác. Một nhà kho khác của bà Linh nằm giáp ranh xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) đang lưu kho hơn 50 tấn trà phế.

Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, xưởng bà Linh đã ngừng làm việc. Tại kho, cơ quan chức năng ghi nhận chứa khoảng 50 tấn trà phế và nguyên liệu làm trà phế như rễ, thân cây trà và xơ trà. Bà Linh khăng khăng đây là nguyên liệu bán cho cơ sở sản xuất phân bón. Khi cơ quan chức năng phát hiện nhiều bao hoa lài đã qua sử dụng, dậy mùi ẩm mốc, bà Linh mới thú nhận: “Một số cơ sở sản xuất trà mua xác hoa lài về xay nhỏ, trộn vào trà thành phẩm đã ướp hương hóa học để đánh lừa người tiêu dùng đây là trà ướp hương tự nhiên”.

Bà Linh chỉ xuất trình được hai hóa đơn nhập hàng, không có hóa đơn xuất hàng với lý do: “Chi cục Thuế TP Bảo Lộc đang lưu để xác minh thuế”. Đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu bà trong vòng hai ngày phải trình hóa đơn cho đoàn kiểm tra. Ông Nguyễn Phúc Tín, chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Phải có hóa đơn để xác định những doanh nghiệp trà nào mua trà phế của bà Linh”.

Phát hiện một công ty đấu trộn trà phế

Cơ quan chức năng lập biên bản ghi nhận hiện trường kiểm tra hai nhà xưởng của cơ sở Linh Dũng, lấy 3 mẫu trà phế để phân tích. Đây là cơ sở hoạt động sai chức năng đăng ký trên giấy phép kinh doanh. Cơ sở này đăng ký “thu mua, gia công, chế biến, sản xuất mặt hàng trà tươi khô” nhưng qua kiểm tra thì toàn bộ hàng kinh doanh của bà Linh là phế phẩm.

Chiều tối cùng ngày, cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất doanh nghiệp sản xuất trà Đặng Gia. Tại đây đoàn kiểm tra phát hiện hành vi đấu trộn trà diễn ra tại cuối nhà xưởng của doanh nghiệp. Hàng chục bao trà phế được mua về từ các cơ sở sản xuất trà bẩn trên địa bàn như Hồng Thoại, Ngọc Dung đang được công nhân phân loại và đấu trộn vào trà thương phẩm. Ông Đặng Ngọc Trường thừa nhận mình đấu trộn để bán cho các đối tác cần mua mặt hàng giá rẻ. Tùy vào tỉ lệ pha trộn mà có giá khác nhau.

Phải minh bạch nguồn hàng nhập

Một diễn tiến khác của vụ việc, trưa cùng ngày, UBND TP Bảo Lộc đã triệu tập một cuộc họp nhanh để tìm hướng xử lý các cơ sở buôn bán trà bẩn cũng như các doanh nghiệp nhập trà bẩn để đấu trộn với trà thương phẩm. Ông Phùng Ngọc Hạp, phó chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, cho biết: “Có hiện tượng các doanh nghiệp sản xuất trà thương phẩm mua trà bẩn nhưng ghi hóa đơn không rõ ràng, chung chung, không rõ mục đích sử dụng. Điều này khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn. Ngày 9-8, UBND TP sẽ triệu tập 56 doanh nghiệp sản xuất trà để yêu cầu cam kết ghi rõ loại nguyên liệu nhập và chứng minh mục đích sử dụng. Nếu phát hiện làm sai cam kết sẽ bị phạt nặng”.

MAI VINH - CHÍNH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên