Nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM tất bật nhận điện thoại xin hỗ trợ từ người dân - Ảnh: THẢO LÊ
Theo giám đốc Nguyễn Duy Long, Trung tâm cấp cứu 115 là một trong những "mắt xích" của ngành y tế TP.HCM trong công tác chống dịch với nhiệm vụ vận chuyển người có dấu hiệu nhiễm bệnh đến các cơ sở y tế; bên cạnh việc tiếp nhận cấp cứu tai nạn giao thông, y tế tại nhà.
Thời gian qua trung tâm còn tiếp nhận những cuộc gọi nghi ngờ bệnh từ cộng đồng, các phòng khám tư nhân, 62 chốt kiểm dịch; nhận điện thoại sàng lọc bệnh cho 200 taxi hỗ trợ người dân,… Tuy nhiên, những ngày qua đường dây nóng của trung tâm đang bị quá tải, phải điều phối thêm nhân viên túc trực điện thoại.
Hơn 70% cuộc gọi không có nội dung
Có mặt tại phòng điều phối Trung tâm cấp cứu 115 mới cảm nhận thế nào là tiếng điện thoại reo không ngớt. Lúc nào cũng có 5-6 nhân viên đang trong cao độ trao đổi thông tin với người gọi điện.
Theo ông Long, nếu như trước đây chỉ 400 - 500 cuộc gọi đến trung tâm mỗi ngày thì giai đoạn dịch COVID-19, con số này tăng lên đến 700 cuộc gọi, nhất là sau khi trung tâm được giao nhiệm vụ tiếp nhận cuộc gọi yêu cầu taxi miễn phí.
Còn ông Nguyễn Trọng Hiển - phó phòng phân phối Trung tâm cấp cứu 115 - xác nhận hằng ngày trung tâm nhận được 400-500 cuộc gọi không có nội dung. Ông Hiển cho biết có nhiều cuộc gọi đến chỉ nghe tiếng tivi, cười giỡn, có trường hợp gọi điện chọc ghẹo nhân viên, gọi nhầm số.
Nhân viên trực điện thoại đã khuyên ngăn những đối tượng có hành vi quấy rối đường dây nóng để tránh làm ảnh hưởng đến công tác cấp cứu trong trường hợp nguy cấp.
Tuy nhiên theo ông Hiển, cần có biện pháp xử phạt nghiêm khắc những đối tượng gọi điện quấy rối để tránh diễn ra tình trạng ách tắc thông tin liên lạc, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Gọi xin taxi miễn phí
Theo ông Long, nhiều người dân khi biết thông tin TP.HCM hỗ trợ taxi miễn phí còn lạm dụng gọi điện cho Trung tâm cấp cứu 115 yêu cầu taxi, dù có thể đi khám bệnh bằng xe máy.
Về vấn đề này, tại cuộc họp báo ngày 3-4, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải - cho biết đối tượng được hỗ trợ dịch vụ taxi miễn phí là các bệnh nhân cần vận chuyển đến bệnh viện, người sau khi xuất viện không thể vận chuyển bằng phương tiện môtô, xe máy như sản phụ, bệnh nhi, bệnh nhân sau phẫu thuật... Cho nên người dân có phương tiện cá nhân hoặc có khả năng di chuyển bằng xe máy không gọi taxi hỗ trợ.
Không chỉ vậy, trung tâm thường xuyên nhận các cuộc gọi cấp cứu từ các chốt kiểm dịch. Như vào ngày 5-4, trung tâm nhận được 5 ca ghi nhận sốt cao từ chốt kiểm dịch Đồng Nai. Sau khi điều phối xe cấp cứu thì nhân viên kiểm dịch thông báo lại là thân nhiệt người đó đã bình thường do TP.HCM bước vào thời điểm nắng nóng, người dân đi lại trên đường dễ có nhiệt độ cao.
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, trung tâm cũng nhận được nhiều cuộc gọi nghi ngờ bệnh tại cộng đồng, có trường hợp người dân gọi cấp cứu khi phát hiện một người lang thang nằm ở công viên. Sau khi trao đổi, trung tâm mới biết là người này không có dấu hiệu nhiễm COVID-19, vì người dân quá lo lắng nên gọi cấp cứu. Trung tâm đã liên hệ với trung tâm y tế địa bàn đến kiểm tra.
Phạt tiền 10 - 20 triệu đồng với hành vi gọi điện quấy rối
Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM), văn bản xử lý các hành vi vi phạm với việc báo tin giả, quấy rối các tổng đài cần đánh giá đúng tính chất trong lĩnh vực viễn thông hay "gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức".
Với quy định hiện hành, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại điểm G khoản 3 điều 66 nghị định số 174/2013/NĐ-CP với mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng với hành vi quấy rối qua hình thức viễn thông. Mặt khác, cần phải xem xét xử lý hình sự đối với các trường hợp nghiêm trọng theo điều 330 Bộ luật hình sự về tội chống người thi hành công vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận