Phóng to |
Các bị cáo nghe tòa tuyên án - Ảnh: Ngọc Hậu |
Ngày 23-12, TAND tỉnh Tây Ninh đã tuyên bản án sơ thẩm đối với 23 bị cáo trong đường dây tổ chức mua bán người, bắt giữ nữ tiếp viên karaoke và cho vay nặng lãi (phiên tòa đã diễn ra trong hai ngày 16 và 17-12).
Theo bản án, bị cáo Nguyễn Trường Sơn (39 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) được xác định là người có vai trò cầm đầu trong đường dây này, bị xử phạt tổng cộng 12 năm 6 tháng tù cho các tội danh: mua bán người (8 năm tù), bắt giữ người trái pháp luật (1 năm tù), cưỡng đoạt tài sản (2 năm tù) và cho vay lãi nặng (1 năm 6 tháng tù).
Trần Thị Cơ (34 tuổi, vợ Sơn) bị tuyên phạt 4 năm tù (2 năm tù về tội mua bán người, 6 tháng tù về tội bắt giữ người trái phép, 1 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản và 6 tháng tù về tội cho vay lãi nặng).
Bị cáo Lê Thị Hồng (26 tuổi, ngụ Tây Ninh) lãnh 8 năm tù, Nguyễn Trường Ân (35 tuổi, chồng bị cáo Hồng) 3 năm 6 tháng tù và bị cáo Nguyễn Thị Cẩm Nhung (29 tuổi) bị phạt 4 năm 3 tháng tù cùng về ba tội mua bán người, cưỡng đoạt tài sản và cho vay lãi nặng.
Trong vụ án này, TAND tỉnh Tây Ninh còn tuyên phạt bị cáo Nguyễn Song Tùng (36 tuổi, công tác tại Viện KSND huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã nghỉ việc vào ngày 1-4-2012, chồng của bị cáo Nhung) 2 năm 6 tháng tù (cho hưởng án treo), xử phạt 31 triệu đồng về tội mua bán người và cho vay nặng lãi.
Bị cáo Phạm Mạnh Hùng (48 tuổi) lãnh 3 năm tù (cho hưởng án treo) về tội mua bán người. Vào năm 2007, bị cáo Hùng được công an tỉnh Tây Ninh tặng giấy khen về thành tích phòng chống tội phạm.
Trong số 23 bị cáo của đường dây này, bị cáo Phạm Văn Chẩn (18 tuổi) bị tuyên phạt nhẹ nhất với mức án 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội cho vay nặng lãi.
Theo bản án, Nguyễn Trường Sơn và Trần Thị Cơ (34 tuổi, vợ Sơn), Lê Thành Phúc (36 tuổi), Nguyễn Thị Minh Lý (33 tuổi), vợ chồng Lê Thị Hồng - Nguyễn Trường Ân và các đồng phạm khác đã cùng nhau quản lý, tổ chức điều hành các nữ tiếp viên karaoke và cho họ vay tiền tiêu xài với lãi suất 20%/tháng (cao gấp 10 lần lãi suất cho vay theo quy định của nhà nước). Trong quá trình vay tiền của đường dây trên, nếu tiếp viên nào nghỉ làm một ngày sẽ bị phạt 100 ngàn đồng và mức phạt sẽ tăng lên vào ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc lễ tết lần lượt là 200 ngàn đồng/ngày và 500 ngàn đồng/ngày.
Vợ chồng Sơn, Cơ đã phạt các tiếp viên với số tiền hơn 29 triệu đồng. Nhung phạt các tiếp viên khoảng 17 triệu đồng… Hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo Sơn, Cơ và các bị cáo khác như: Phúc, Lý, Hồng, Ân… phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản của người khác.
Khi các tiếp viên không tiếp tục làm bỏ trốn, Sơn tổ chức cho Trần Hoàng Linh (28 tuổi), Nguyễn Văn Toàn (28 tuổi) và Nguyễn Văn Tính (17 tuổi) đi bắt về giam giữ ở phòng trọ cắt người giữ để buộc họ đi làm lại để trả nợ hoặc yêu cầu gia đình mang tiền đến trả.
Tòa cho rằng các bị cáo đã có hành vi mua bán, trao đổi tiếp viên nhằm mục đích hưởng lợi nên phạm tội mua bán người. Tổng cộng các bị cáo đã mua bán trao đổi 45 tiếp viên trong đó bị cáo Hùng bán 18 người, vợ chồng Sơn - Cơ mua bán 15 người, Hồng mua bán gần 20 người…. Các tiếp viên bị các bị cáo trao đổi cho nhau với giá từ vài triệu đến gần 40 triệu đồng/người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận