Nữ diễn viên nổi tiếng Lori Loughlin trình diện tại tòa án liên bang ở thành phố Los Angeles, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Trước đó một ngày, nữ diễn viên này đã ra trình diện tại Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sau khi trở về từ Vancouver, Canada.
Tại tòa, thẩm phán Steve Kim cho phép nữ diễn viên Loughlin di chuyển giữa Mỹ và Canada để hoàn thành dự án phim với điều kiện bà phải thông báo trước kế hoạch cho tòa án. Nữ diễn viên này cũng bị tòa buộc nộp hộ chiếu cho đến hết tháng 12-2019.
Trong một diễn biến liên quan, theo Fox News, ĐH Southern California (USC) ngày 13-3 tuyên bố đã sa thải hai nhân viên được cho là nhận hối lộ để tạo điều kiện cho hàng chục sinh viên có "suất" vào trường. Đó là huấn luyện viên điền kinh Donna Heinel và huấn luyện viên trưởng môn bóng nước nam và nữ Jovan Vavic.
"USC đang tiến hành một cuộc điều tra nội bộ. Trường đã chấm dứt hợp đồng với Donna Heinel và Jovan Vavic và sẽ có những hành động thích hợp khác sau đó" - tờ Daily Trojan dẫn thông báo của USC cho biết.
Ngoài ra huấn luyện viên bóng đá nữ Laura Janke và Ali Khosroshahin của USC cũng bị truy tố nhưng chưa biết trường có sa thải họ hay không.
Bà Heinel (57 tuổi) bị buộc tội nhận hối lộ 500.000 USD từ nữ diễn viên Loughlin. Hãng tin NBC ngày 13-3 cho biết một số phụ huynh đã chi từ 200.000 USD đến 6,5 triệu USD để đảm bảo con cái họ được theo học tại trường mà họ muốn.
Ngoài ra, cựu giám đốc điều hành công ty đầu tư Pimco Douglas Hodge cùng một số phụ huynh tham gia đường dây "mua suất" đại học cũng trình diện tại một tòa án ở Boston, Massachusetts ngày 14-3 (theo giờ Việt Nam). Ông Hodge phải trả 500.000 USD để được tại ngoại.
Fox News ngày 13-3 cũng công bố toàn bộ danh sách những nghi phạm nổi tiếng liên quan đến bê bối gian lận trên. Danh sách này được chia làm 4 nhóm gồm nghi phạm chính với nhiều tội danh, nghi phạm làm giàu bất chính, nghi phạm lừa đảo và nghi phạm hối lộ.
Các nghi phạm khác là những người đã nhận tiền đi thi hộ, giám sát viên tại các đợt kiểm tra và huấn luyện viên của các ĐH danh tiếng như ĐH Yale, ĐH Stanford, ĐH Georgetown, ĐH Wake Forest, ĐH Southern California, và ĐH Texas.
Người đứng đầu đường dây "chạy" suất vào các trường đại học Mỹ, William Rick Singer đã thừa nhận móc nối cho 761 gia đình trong bê bối gian lận tuyển sinh trên toàn nước Mỹ. Nếu bị buộc tội, ông Singer phải đối mặt với bản án tối đa lên đến 65 năm tù.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận