11/05/2011 12:08 GMT+7

Đường dây bán trẻ ở Trung Quốc

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Đường dây bán trẻ em của những cán bộ thuộc cơ quan kế hoạch hóa gia đình ở thành phố Thiệu Dương (Hồ Nam), được báo Tân Thế Kỷ (Bắc Kinh) phơi bày trên số báo ngày 9-5, đang làm kinh động dư luận ở Trung Quốc.

TZHw2p6q.jpgPhóng to

Người đàn ông trưng hình của những đứa trẻ đã bị bắt cóc đem bán - Ảnh: Caing.com

Trong 10 năm qua, “đội ngũ thi hành luật pháp” thuộc cơ quan kế hoạch hóa gia đình thành phố này đã câu kết với cán bộ địa phương ở huyện Long Hồi bắt giữ ít nhất 20 trẻ - mà theo họ là vượt tiêu chuẩn theo chính sách một con ở Trung Quốc, rồi đưa chúng đến nhà mở của huyện, biến chúng thành những trẻ mồ côi và đem bán ra nước ngoài để thu lợi nhuận riêng.

Từ giật sập nhà đến “tịch thu” trẻ em

Hiện tượng cán bộ cướp trẻ rộ lên từ khoảng năm 2002-2005 ở Hồ Nam, thậm chí một số nhà mở còn liên kết với những kẻ buôn người để tìm kiếm trẻ em, cướp khỏi gia đình và sau đó đem về phân loại như hàng hóa để dành “xuất khẩu”. Mỗi đứa trẻ được đưa đến nhà mở, cơ quan kế hoạch hóa gia đình địa phương sẽ được các nhà mở “lại quả” 1.000 nhân dân tệ (154 USD) hoặc nhiều hơn nữa. Càng thương tâm hơn khi một số nạn nhân bị bắt cóc lại là đứa con duy nhất và hợp pháp theo luật định của Trung Quốc.

Từ trước năm 2000, chính quyền thị trấn Cao Bình còn có quy định kỳ quái hơn là “giật sập nhà” của các gia đình sinh thêm con thứ hai. Với phương châm “Thông hay không thông trong ba phút, nếu tiếp tục không thông thì sẽ xoáy”, cán bộ kế hoạch hóa gia đình địa phương cho người dân suy nghĩ trong ba phút, sau thời gian này họ sẽ cướp đi bất cứ đồ đạc nào có giá trị trong nhà, nếu gia đình tiếp tục không nộp tiền phạt vi phạm chính sách một con thì sẽ bị giật sập nhà.

“Trước năm 1997, họ thường kỷ luật chúng tôi bằng cách giật sập nhà vì vi phạm chính sách một con của nhà nước, nhưng từ sau năm 2000 họ đã sửa quy định thành tịch thu con của chúng tôi” - Viên Triều Nhân, người dân thị trấn Cao Bình, nói.

Thị trấn Cao Bình thuộc huyện Long Hồi là điểm nóng của nạn công chức nhà nước bắt cóc trẻ em để “xuất khẩu”. Ít nhất 16 trẻ ở đây đã bị bán đi sau khi tịch thu từ tay cha mẹ ruột. Ngày 29-4-2005, bé Dương Linh (9 tháng tuổi) đang được bà nội ẵm trong tay thì có 10 người là cán bộ của phòng kế hoạch hóa gia đình thị trấn ập vào, họ tuyên bố là cán bộ đang thi hành nhiệm vụ “tịch thu” những trẻ em sinh ngoài chính sách và vây bắt bé gái này bất chấp bà nội của bé ẵm cháu trốn vào chuồng heo.

Trước khi đem bé Dương đi, một trong những cán bộ này còn nhắn lại cho gia đình muốn nhận cháu về thì phải có 6.000 nhân dân tệ nộp cho phòng kế hoạch hóa gia đình. Ngày hôm sau, khi vay mượn được 4.000 nhân dân tệ, ông nội của bé Dương tất tả tìm đến cơ quan trên thì chỉ nhận được câu trả lời nghiệt ngã từ một cán bộ của phòng: “Ông không thể đòi lại nó, thậm chí ông có trả 10.000 nhân dân tệ đi chăng nữa”. Thực chất đứa bé đã được đưa đến nhà mở của huyện.

Hay tin con gái bị bắt mất, ông Dương Lý Binh - đang làm việc ở Thâm Quyến - vội quay về và đến nhà mở của huyện để tìm lại con, nhưng đứa bé đã bị đưa đi mất, từ đó đến nay vẫn bặt vô âm tín. “Giờ tôi không biết con bé ở đâu” - ông Dương cho biết trên mạng Tài Tín ngày 8-5. Ông Dương cho biết thêm ngay khi biết đã tịch thu nhầm đứa trẻ nhưng cán bộ kế hoạch hóa gia đình đã cố ý không trả lại con cho ông mà còn đưa ra giấy chứng nhận được quyền sinh thêm con thứ hai để dụ dỗ nếu ông không kiện tụng và làm lớn chuyện mất con, song ông Dương cự tuyệt. Sáu năm qua, ông Dương và gia đình đã tìm con trong vô vọng, còn chính quyền địa phương vẫn im hơi lặng tiếng cho đến khi báo chí phanh phui vụ việc này.

Năm 2002 cũng tại Cao Bình, gia đình ông Tăng Hựu Đông đã bị cán bộ đến vây nhà “tịch thu” con gái, mãi đến bảy năm sau tình cờ vợ chồng ông phát hiện con gái mình đang ở tận nước Mỹ xa xôi nhưng không cách nào đòi con về được.

Long Hồi là một huyện nghèo của Trung Quốc với hơn 1 triệu dân. Sáu năm trước, mức phạt sinh thêm một trẻ ngoài chính sách là 8.000 nhân dân tệ, số tiền quá lớn so với những gia đình nông thôn nghèo ở đây nên không ít gia đình đã uất nghẹn nhìn cán bộ nhà nước đến đưa con họ đi. Song những gia đình này hầu như đều không biết được con của họ đã bị biến thành trẻ mồ côi và bị đem bán như một món hàng.

Nhà mở huyện Long Hồi đã đem số trẻ “tịch thu” được về và cho chúng mang họ Thiệu, sau đó kêu giá 3.000 USD/trẻ. Một số trẻ giờ đang sống tại Mỹ, Hà Lan, Ba Lan và chưa bao giờ được gặp lại cha mẹ ruột của mình ở Trung Quốc.

xiM6VwoI.jpgPhóng to
Bé Viên Thạch (giữa) khóc khi có người nhắc đến đứa em gái sinh ngoài kế hoạch của bé đã bị bắt đi bán - Ảnh: Caing.com

Pháp luật lỏng lẻo, hay...

Ngày 9-5, chính quyền thành phố Thiệu Dương đã ra lệnh lập tổ điều tra chuyên án bán trẻ ra nước ngoài. Song dư luận Trung Quốc đặt câu hỏi liệu có quá muộn không khi người dân Long Hồi từng muốn kiện vượt cấp đến chính phủ trung ương ở Bắc Kinh nhưng họ đều không thể làm được do chính quyền địa phương ngăn chặn ngay từ đầu.

Khi vụ bê bối đổ bể, cán bộ phòng kế hoạch hóa gia đình huyện Long Hồi còn khăng khăng họ không sai mà do cha mẹ của những đứa trẻ này đã vi phạm chính sách một con và họ là những người thi hành công vụ phải chịu áp lực thực thi chính sách này ở địa phương.

Chính quyền thành phố Thiệu Dương cũng tuyên bố đã cách chức một số cán bộ Phòng kế hoạch hóa gia đình huyện Long Hồi nhưng lại không công bố cụ thể. Người dân nghi ngờ phải chăng còn nhiều khuất tất và liệu vụ việc này rồi sẽ lại chìm xuồng.

“Nếu vụ bê bối được xác nhận, cơ quan kế hoạch hóa gia đình và nhà mở Long Hồi đã phạm các tội nghiêm trọng về con người” - ông Phùng Ngọc Quân, giáo sư luật Trường đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận định. “Để mang con họ trở về nhà, các bậc cha mẹ có thể sớm buộc tội cơ quan kế hoạch hóa gia đình này lên cơ quan chủ quản hoặc yêu cầu bồi thường hay nộp đơn kiện tại tòa án địa phương”- ông Phùng nói.

Nhiều ý kiến lên tiếng yêu cầu siết chặt các quy định về việc nhận con nuôi để ngăn chặn hiện tượng các cơ quan kế hoạch hóa gia đình bắt trẻ em và các trung tâm chăm sóc trẻ biến chúng thành các sản phẩm để “xuất khẩu”.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên