Nóc một nhà dân (bên trái) chỉ cao bằng nền nhà một hộ dân thực hiện chỉnh trang nâng cốt nền bằng mặt đường dẫn cầu Kỳ Phú 1 và Kỳ Phú 2 - Ảnh: Trường Trung |
Ông Phan Văn Lũy, hộ dân ở đây, cho hay vào năm 2011 khi triển khai dự án cầu Kỳ Phú 1 và Kỳ Phú 2, chính quyền họp và thông tin vệt đường nhà ông là khu vực giải tỏa trắng, nhưng sau này thông báo giữ lại nhà hai bên đường và chỉ hỗ trợ 30-35 triệu đồng/nhà.
“Đường dẫn mới cao hơn đường cũ tới 5m và ngang với nóc nhà tôi. Đường cũ bị lấp nên muốn sinh sống được chỉ còn cách phải đập bỏ nhà cũ, nâng cốt nền lên 5-7m. Nhà tôi rộng hơn 200m2, muốn nâng cốt nền phải tốn 200-300 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ như vậy không đủ để chúng tôi đổ đất làm nền chứ đừng nói tới việc làm nhà mới để sinh sống” - ông Lũy bức xúc.
Không nâng được nền nhà nên nhiều hộ dân ở đây phải chịu cảnh nước từ đường tràn vào nhà gây ngập mỗi khi mưa. Ông Huỳnh Văn Biên, hộ dân nằm ngay sát chân cầu, cho biết từ đầu mùa mưa đến giờ nhà ông bị nước tràn vào năm lần.
“Có trận mưa gây lở đất từ đường dẫn bít luôn lối ra vào, bùn đất trôi vào nhà. Tôi muốn ra vào nhà phải leo thang từ đường dẫn xuống nhà, còn xe phải gửi nhà hàng xóm” - ông Biên nói.
Ông Biên cho biết nhà ông có diện tích hơn 250m2, số tiền để nâng nền cao ngang mặt đường và làm lại nhà mới phải hơn 500 triệu đồng, trong khi số tiền hỗ trợ của chính quyền quá thấp nên ông đành chịu cảnh “bắc thang ra đường” như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Trí - chủ tịch UBND phường An Phú, quá trình thi công cầu Kỳ Phú 1 và Kỳ Phú 2 tại địa phương có 42 hộ dân bị giải tỏa và 23 hộ dân bị ảnh hưởng do đường dẫn được thi công quá cao.
“Lúc trước dự án tính toán 23 hộ dân ngay sát chân cầu này sẽ được giải tỏa, khu vực này biến thành nơi trồng cây xanh nên không tính tới việc làm đường dẫn. Tuy nhiên sau này có một số hộ dân mong muốn được ở lại nên khu vực này không giải tỏa nữa mà thực hiện chỉnh trang.
Hiện nay có một số hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ và làm nhà mới, tuy nhiên một số hộ dân có kinh tế khó khăn vẫn chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ do số tiền quá thấp, không đủ để chỉnh trang nhà. UBND phường An Phú đã chuyển đơn của những hộ dân lên các cấp để tìm phương án giải quyết” - ông Trí nói.
Đang tính phương án bố trí nơi ở mới Ông Trần Văn Huỳnh, phó Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho biết lẽ ra công trình cầu Kỳ Phú 1 và Kỳ Phú 2 phải hoàn thành từ tháng 9-2014, tuy nhiên do vướng đền bù giải tỏa nên chưa thể hoàn thành. Ông Huỳnh cho biết các đơn vị đang tiến hành nhiều cuộc họp để gấp rút tìm phương án giải quyết vướng mắc trong giải tỏa đền bù. Về đường dẫn cao ngang nóc nhà dân, trước đây cũng tính tới phương án làm đường gom, tuy nhiên người dân đề nghị để họ tự nâng nền nhà nhằm đảm bảo mỹ quan nên phương án này được loại trừ. “Hiện nay trong số 23 hộ dân này đã có nhà nhận tiền đền bù và nâng nền xây nhà mới. Do vậy, nếu giải quyết số tiền đền bù cho các hộ dân chưa nhận tiền không hợp lý thì những người nhận tiền trước sẽ thiệt thòi và phản ứng. Ban giải phóng mặt bằng đang tính tới phương án giải tỏa các hộ dân này và bố trí đến nơi ở mới” - ông Huỳnh cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận