03/11/2012 01:05 GMT+7

Đường dài thu tiền nhạc số

TTO
TTO

TT - Ngày 1-11 vừa qua, MVCorp cùng sáu đơn vị phân phối âm nhạc trực tuyến gồm: Zing, Nhaccuatui, Nhac.vui.vn (24h), Socbay.com, Nghenhac.info và Go.vn đã tiến hành đồng loạt thu phí tải nhạc trực tuyến trên các trang web của mình.

Tuy nhiên, sự khởi đầu này đã không mang lại kết quả như mong muốn. Bạn đọc Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn) đã góp thêm các ý kiến để chủ trương này đi vào thực tế hơn là chỉ nằm trên cam kết của những nhà cung cấp nhạc số.

Bạn đọc Nguyễn Văn Quân cho rằng có hai vấn đề mà các nhà cung cấp nhạc số cần tính toán lại. Thứ nhất là phí: “Mức phí 1.000 đồng/lượt tải nhạc là khá cao. Với mức phí này, khán giả sẽ tìm cách khác để lách mà sẽ không tải nhạc trên các trang web thu phí nữa”. Thứ hai là: “Hiện có rất nhiều phần mềm download cho phép trích file nhạc đang nghe online để tải về máy, vậy thì việc gì phải trả phí nữa. Những người tải nhạc chỉ để nghe, không yêu cầu chất lượng bản nhạc cao và nhạc online hoàn toàn đáp ứng nhu cầu này của họ”.

Cùng với nhận định “mục tiêu thì tốt, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì còn xa rời thực tế”, bạn đọc tên Vũ phân tích thêm yếu tố kỹ thuật nói là ngăn chặn mà không hề bị ngăn chặn, cũng không nhận được cảnh báo nào. Nhiều người đã download hàng ngàn bài, album tải từ các trang nhạc số VN rồi đưa lên những trang chia sẻ file của nước ngoài và thế là tiếp tục “tải lậu”, rồi chia sẻ cho nhau, lan truyền. Bạn Vũ đặt câu hỏi: “Vậy để đối phó với các trường hợp trên phải làm gì đây?”. Câu hỏi của bạn Vũ và nhiều bạn đọc khác cũng là thách thức lớn của các đơn vị thực hiện, như thừa nhận của ông Phùng Tiến Công (phó giám đốc MV Corp): “Chúng tôi đều xác định cuộc chiến sẽ dài vì thị trường nhiều năm qua người nghe đã quá quen với việc nghe và tải miễn phí”.

Để người nghe nhạc sẵn sàng mở hầu bao trả tiền khi tải nhạc, ông Công cho biết sẽ thay thế dần các album miễn phí hiện nay bằng các album thu phí chất lượng cao, tiến tới thống nhất phương án thu phí thuê bao tháng. Đích đến của các trang mạng này là ngày 1-1-2013, sau khi các bên hoàn thiện xong hệ thống chứ không phải ngày 1-11-2012 như hiện tại.

Rõ ràng các nhà quản lý các trang web nghe nhạc đã có một chủ trương chính đáng, một yêu cầu bức thiết trước một thực tế “xài lậu” nhạc số tràn lan như hiện nay. Song trước một thực tế “phũ phàng”, xem ra “cuộc chiến” như lời ông Công nói còn rất dài và các nhà cung cấp nhạc số còn nhiều việc phải làm. Và theo gợi ý của bạn đọc Lê Viết Hùng: “Ở Hàn Quốc và Nhật Bản họ làm chuyện này rất tốt, chúng ta nên tham khảo”.

Bạn đọc Mỹ Hoa động viên: “Các nhà làm nhạc số đừng nản lòng, con đường còn dài, giải pháp sẽ còn nhiều, dần dần sẽ làm được, trong tương lai sẽ hình thành một thị trường nghe nhạc có ý thức”.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên