Tác phẩm điêu khắc Champa của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế trong ngày khai trương - Ảnh: THÁI LỘC |
Khu cổ vật Champa gồm có 28 hiện vật được lựa chọn trong bộ sưu tập 86 hiện vật thuộc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Đó là những tượng thờ, linh vật, vật trang trí kiến trúc có niên đại trải dài từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 14-15, nhiều hiện vật thuộc hàng tuyệt tác.
Giới yêu văn hóa nghệ thuật không khỏi vui mừng trước sự ra đời của khu cổ vật này. Tuy nhiên, ngay tại buổi khai trương, nhiều nhà nghiên cứu cũng tỏ ra thất vọng xen lẫn nuối tiếc cho rất nhiều sưu tập hiện vật điêu khắc Champa quý giá khác đang im ỉm trong các nhà kho nhiều cơ quan khác nhau ở Huế.
Theo số liệu thống kê mới đây của Sở Văn hóa và thể thao Thừa Thiên - Huế, trên địa bàn tỉnh này có ít nhất 236 hiện vật Champa. Nhiều nhất trong số đó là Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế (106 hiện vật), Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế (86 hiện vật), Bảo tàng Văn hóa Huế (12 hiện vật), khoa lịch sử Trường ĐH Khoa học Huế (9 hiện vật) và 23 hiện vật nằm tản mác ở nhiều cơ quan, làng xã trong tỉnh...
Thực ra, chuyện quy về một mối để thành lập bảo tàng Champa ở Huế được đặt ra từ rất lâu. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết từ 20 năm trước từng nhiều lần kêu gọi chính quyền tỉnh tập hợp lại giao cho một đơn vị để thành lập bảo tàng nhưng “không tới đâu”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho hay giai đoạn những năm 2000, khi còn làm giám đốc Sở Văn hóa - thông tin, ông từng lập phương án thành lập bảo tàng Champa nhưng không được tỉnh trả lời.
Mãi đến gần đây, vào giữa tháng 7-2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mới có chủ trương tập hợp các hiện vật điêu khắc Champa về một mối để phát huy giá trị và giao cho Sở Văn hóa và thể thao xây dựng đề án này.
Ông Phan Thanh Hải - giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết chính ông cũng “nóng ruột” trước tình trạng hiện vật Champa trong tình trạng cát cứ, tản mác quá lâu không phát huy giá trị được gì cả.
Và đợt mở cửa kho Champa lần này, theo ông, vừa để “kích động” các đơn vị khác bày hiện vật từ kho ra ngoài cho mọi người xem, đồng thời kích thích tỉnh đẩy nhanh tiến độ thu về một mối, thành lập bảo tàng Champa.
Với con số 236 hiện vật điêu khắc, nhiều ý kiến cho rằng là quá ít để tạo thành một bảo tàng, dẫn đến độ chênh khá lớn so với Bảo tàng Champa bên kia đèo Hải Vân của Đà Nẵng. Ông Nguyễn Xuân Hoa cho rằng điều đó sẽ được khắc phục nếu nhìn vấn đề một cách toàn diện để có cách làm phù hợp.
Theo ông, văn hóa Champa là thành tố có tính nền tảng, đóng góp vào việc hình thành bản sắc văn hóa Huế thông qua nhiều yếu tố còn đọng lại trong ngôn ngữ Huế, sản vật Huế, xu hướng màu sắc của Huế và tín ngưỡng thờ Mẫu... Do đó, hoàn toàn có thể thành lập bảo tàng di sản văn hóa Champa, và không nên chỉ dừng lại ở tác phẩm điêu khắc, mà nên mở rộng ra rất nhiều “hệ” hiện vật khác, trên rất nhiều loại chất liệu vốn còn rất nhiều ở vùng Huế.
Địa điểm để đặt bảo tàng, theo ông Hoa, chỉ có thể gắn liền với một trong hai di tích Champa độc đáo, còn tương đối nguyên vẹn là thành Lồi ở phường Đúc, TP Huế và tháp Champa Phú Diên, huyện Phú Vang...
Ông Nguyễn Khoa Điềm - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương - cho rằng việc tập trung hiện vật để hình thành bảo tàng Champa ở Huế rất nên tiến hành sớm, tránh tình trạng tản mác, phung phí như hiện nay. Vấn đề này cũng nên đặt ở tầm trung ương vì liên quan đến chính sách đền bù giá trị cho các chủ sở hữu. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận