Theo dữ liệu ghi nhận từ hệ thống quan trắc giao thông của TP.HCM, đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) đứng ở vị trí thứ 2 trong số 10 đường chịu áp lực mật độ lưu thông nhất thành phố. Con đường có chiều dài chỉ khoảng 3km này hầu như ngày nào cũng kẹt xe.
Điều đáng nói đường Cộng Hòa đang "gánh" vai trò quan trọng là tuyến đường huyết mạch kết nối nhiều trục giao thông chính của TP.HCM. Nơi đây còn là cửa ngõ của sân bay Tân Sơn Nhất, nối ngoại thành vào nội thành.
Sở Giao thông vận tải đã cùng các đơn vị liên quan làm hàng loạt cách. Sở đã trình UBND TP.HCM xem xét đầu tư các công trình trọng điểm ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030, trong đó có đề xuất xem xét dự án xây dựng đường trên cao Trường Chinh - Cộng Hòa dài 11,2km và bố trí bổ sung kế hoạch vốn đầu tư dự án trong năm 2025.
"Sau đó UBND TP.HCM sẽ xem xét, cân đối vốn để tổ chức làm, hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2030" - Sở Giao thông vận tải nêu rõ.
Liên quan vấn đề này, TS Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM - nhìn nhận đường Cộng Hòa ngày nào cũng kẹt xe vào giờ cao điểm. Dù vậy, việc làm các dự án này vẫn khá chậm khiến áp lực giao thông ngày càng lớn.
"Lượng xe, dân cư tăng nhanh mà hạ tầng không kịp đáp ứng dẫn tới ùn tắc giao thông cửa ngõ. Tình trạng này thậm chí lan rộng ra tuyến khu vực lân cận dẫn tới thiệt hại cả về xã hội, kinh tế" - ông Thắng đánh giá.
Theo ông, khi dự án xây dựng nhà ga T3 hoàn thành, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa xong thì đòi hỏi loạt hạ tầng xung quanh cũng phải được nâng cấp, mở rộng mới đồng bộ và giải quyết vấn đề được.
Người dân khu vực này đang mong chờ các dự án mở rộng các đường Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý, Tân Sơn, Thân Nhân Trung… nhanh hơn từng giờ.
Thực tế như ông nhìn thấy dự án đường Cộng Hòa vẫn chưa tiến triển rõ rệt, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám còn ngổn ngang. Và đến nay việc mở rộng đường Hoàng Hoa Thám chỉ mở rộng nửa con đường từ đường Cộng Hòa vào nhà ga T3, còn đoạn từ Cộng Hòa đến Trường Chinh không thấy mở rộng!
"Theo tôi, có nhiều vấn đề khó khăn trong quá trình triển khai như vốn, giải phóng mặt bằng, cơ chế… dẫn tới chậm trễ.
Các đơn vị, nhất là Ban Giao thông và chính quyền địa phương, phải tăng tốc hơn nữa bởi đây là nhóm dự án cần ưu tiên, khẩn trương làm. Chúng ta đang có cơ chế từ nghị quyết 98 tạo điều kiện tối đa về vốn, giải phóng mặt bằng… nên tận dụng cơ hội để giải quyết vấn đề hạ tầng giao thông" - ông Thắng kỳ vọng.
Các dự án "chia lửa"
Trong lúc chờ một dự án lớn như xây dựng đường trên cao Trường Chinh - Cộng Hòa được phê duyệt, ngành giao thông cho biết đã và đang đẩy nhanh tiến độ các công trình lân cận để "chia lửa" cho đường Cộng Hòa.
Điển hình như dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện nối thông trục đường từ Trần Quốc Hoàn tới đường Cộng Hòa, kết nối nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sẽ góp phần giải tỏa lượng lớn xe vốn dồn về Cộng Hòa lâu nay. Tuy nhiên, cho đến nay đoạn hầm chui đã thông xe, trong khi đoạn từ Thăng Long đến Cộng Hòa hiện vẫn ngổn ngang.
Bên cạnh đó, dự án xây dựng metro số 2, dự án nâng cấp mở rộng đường Trường Chinh (từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ), dự án nâng cấp mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa) vẫn đang dang dở.
Bạn đọc hiến kế gì?
Theo bạn đọc báo Tuổi Trẻ, vấn đề kẹt xe trên đường Cộng Hòa chủ yếu là do giao cắt cùng lúc với quá nhiều đường nhỏ. Các điểm đen gây ùn chủ yếu là các ngã tư giao với đường Út Tịch, Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh, Phạm Văn Bạch và vòng xoay Lăng Cha Cả. Từ đó lan ra nhiều đường khác.
Do đó càng mở rộng các đường nhánh kết nối với đường Cộng Hòa thì càng kẹt xe hơn. Giải pháp tốt nhất là mở rộng các con đường chạy song song cùng hướng với đường Cộng Hòa để chia bớt lượng xe, giảm giao cắt đồng mức bằng cách xây cầu vượt ở các giao lộ lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận