29/09/2019 19:36 GMT+7

Đường con đi nương bóng mẹ

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - 'Em nghĩ còn bà, còn cậu, còn các anh chị họ hàng và còn niềm hi vọng, mong muốn của mẹ. Nghĩ lại, em không thể chết, không thể đau buồn nữa, mẹ là động lực lớn nhất của em' - Hiếu tâm sự.

Đường con đi nương bóng mẹ - Ảnh 1.

Hay tin Hiếu đỗ đại học, bà Nguyễn Thị Chấn (bà ngoại Hiếu) dặn dò cháu trai nhiều điều trước khi nhập học Ảnh: HÀ THANH

Con muốn học gì cũng phải đỗ đại học, vì đó là con đường nhanh nhất để đến được thành công.

Minh Hiếu luôn nhớ lời của mẹ

Ngày mẹ mắc bạo bệnh nằm trên giường, cậu học trò nghèo nghĩ nếu mẹ mất, chắc mình cũng chết. Mẹ mất đi, cậu nhớ đến niềm mong mỏi lớn nhất cuộc đời mẹ: "Con phải đỗ đại học, đó là con đường nhanh nhất dẫn đến thành công" làm hành trang bước tiếp.

Từng nghĩ sẽ chết theo mẹ

Ngôi nhà cấp 4 của cậu học trò nghèo Đào Đỗ Minh Hiếu (18 tuổi, ở xã Phú Nam An, Chương Mỹ, Hà Nội) được dựng lên từ tấm lòng của các nhà hảo tâm. Vắng bàn tay mẹ chăm sóc hơn một năm qua, nhà dột từ nóc, mùi ẩm thấp bốc lên. Hơn một tháng nay, Hiếu lên thủ đô nhận chăm sóc các con của người cậu với hi vọng "được đồng nào hay đồng nấy" trong thời gian chờ xin việc làm thêm.

Hiếu lên cấp III, bệnh của mẹ trở nặng, dù cố gắng chạy chữa nhưng đến tháng 3-2018 người mẹ qua đời. Hiếu nhớ lúc biết tin, Hiếu đang trên đường đi học cùng người anh họ, nhận tin hai anh em tức tốc quay về. "Về đến nhà thấy bà đang khóc, lúc đấy không thể tin được mẹ em đi mất rồi" - Hiếu nhớ lại giây phút hay tin dữ.

Nhiều ngày sau đó, dù ngồi vào bàn học nhưng kiến thức trôi tuồn tuột, Hiếu bị hổng một phần kiến thức quan trọng của lớp 12. Nhớ mẹ, hầu như đêm nào Hiếu cũng trằn trọc không ngủ được.

Cậu trăn trở: "Không còn mẹ, quãng thời gian tiếp theo mình sẽ sống thế nào? Chắc là...". Hiếu kể từng nghĩ đến việc chết theo mẹ, nhưng rồi nhớ đến hình bóng mẹ, nhớ lại niềm hi vọng của mẹ trước lúc qua đời, cậu học trò mồ côi tự vực dậy bước tiếp chặng đường khó khăn phía trước.

Hiếu bộc bạch biết mình bị bệnh nhưng mẹ chưa một lần đề cập đến bệnh tật trước mặt con. Ngày còn sống, bà luôn nhắc nhở con trai chăm chỉ học hành, đặt hết niềm hi vọng vào đứa con duy nhất. "Em nghĩ còn bà, còn cậu, còn các anh chị họ hàng và còn niềm hi vọng, mong muốn của mẹ. Nghĩ lại những việc đó em không thể chết, không thể đau buồn nữa, mẹ là động lực lớn nhất của em" - Hiếu tâm sự.

Hiếu học ngày học đêm để lấp đầy "lỗ hổng" kiến thức. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Đào Đỗ Minh Hiếu đạt 21,85 điểm, đỗ vào ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Thủy lợi, như một món quà dành tặng người mẹ đã khuất. Hiếu tin chặng đường phía trước còn nhiều chông gai, nhưng có hình bóng mẹ ở bên sẽ giúp cậu tự tin bước đến giảng đường.

Đời con còn có bà

Cạnh ngôi nhà của cậu học trò nghèo là nhà bà ngoại Nguyễn Thị Chấn (77 tuổi). Hiếu nhớ lại những ngày đầu gian khó hai mẹ con khăn gói từ miền Nam về lại Hà Nội, không có đất dựng nhà, hai mẹ con đành nương nhờ tình thương của bà.

Từ những năm học lớp 3, mẹ bị bệnh không làm được việc nặng, vừa học Hiếu vừa tranh thủ làm thêm phụ mẹ. Đôi tay của chàng trai mới lớn thoăn thoắt đan lát, Hiếu kể đây là công việc cậu gắn bó hơn 15 năm nay. Ngày còn mẹ, hai mẹ con chăm chỉ đan lát nón lá, riêng Hiếu mỗi ngày kiếm 50.000-100.000 đồng.

Nay không còn mẹ, Hiếu cùng bà, cùng người chị họ vẫn tỉ mẩn đan từng sợi lá nón, sợi mây kiếm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.

Nhìn mái tóc bạc phơ của bà, Hiếu rưng rưng: "Tình thương của bà lớn lắm, sau khi mẹ mất, bà như người mẹ thứ hai chăm lo cho em từ việc này đến việc khác. Bà ít nói ra lắm, bà chỉ làm thôi, thể hiện bằng hành động".

Trước ngày cháu lên thủ đô nhập học, bà ngắp sắp sang tuổi 80 dặn dò Hiếu ra xã hội cậy nhờ các bạn, gắng học hành đàng hoàng, phải lựa bạn tốt mà chơi, tránh xa dụ dỗ lôi kéo của người xấu.

Đỗ đại học, Hiếu hứa với bà ngoại sẽ cố gắng học tập và dành thời gian về thăm bà. Nỗi lo trước mắt là số tiền học phí, suốt thời gian hè vừa qua Hiếu rong ruổi tìm việc làm thêm nhưng chưa ai nhận, nên đành đến nhà người cậu trông mấy đứa em cho cậu đi làm. Hiếu tính toán mỗi tín chỉ chừng 200.000 đồng, vào đại học sẽ đi làm thêm, kiếm các suất học bổng trang trải học phí.

Trao 134 suất học bổng cho tân sinh viên

Ngày 29-9, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Thành đoàn Hà Nội tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường năm 2019 với chủ đề "Chia sẻ khát vọng" cho 134 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 29 tỉnh, thành khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Mỗi suất học bổng trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, chương trình cũng sẽ trao 20 suất học bổng trị giá 15 triệu đồng/suất cho tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Học bổng Tiếp sức đến trường được sự đóng góp của Quỹ Đồng hành nhà nông, CLB Nghĩa tình Quảng Trị, CLB Tiếp sức đến trường Thừa Thiên Huế, CLB Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, CLB Tiếp sức đến trường Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Hội doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty CP Vinacam), Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Ủy ban Tương trợ người Việt Nam tại Đức, GS Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi, Công ty TNHH TMDV Nụ Cười Vui cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.

Danh sách đóng góp của các nhà hảo tâm Quỹ khuyến học Vinacam đăng trên trang IV, quảng cáo ngày 29-9.

Nghị lực, tình yêu thương và sự sẻ chia: khập khiễng vào giảng đường Nghị lực, tình yêu thương và sự sẻ chia: khập khiễng vào giảng đường

TTO - Hôm nay 28-9, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Tiền Giang, Bến Tre, CLB "Tiếp sức đến trường" Tiền Giang - Bến Tre tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" 2019 cho 86 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên