22/05/2014 10:15 GMT+7

Dương Chí Dũng khen em trai thật thà tại tòa

 MINH QUANG
 MINH QUANG

TTO - 8g Sáng 22-5, Tòa phúc thẩm TAND tối cao đã khai mạc phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Dương Tự Trọng (nguyên Phó GĐ Công an Hải Phòng) tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài.

LueIorbs.jpgPhóng to
Dương Tự Trọng (áo trắng) và các bị cáo tại tòa phúc thẩm sáng 22-5 - Ảnh: Việt Dũng

Dương Chí Dũng:"Trọng rất thật thà"!

HĐXX: Anh bị khởi tố, bắt giam khi nào?

-Dương Chí Dũng: Chiều 17-5 khoảng 7-8g chiều tôi được anh Ngọ thông báo. Khi đó có rất nhiều điện thoại thì có điện thoại chú Dương Tự Trọng và tôi nói lại. Trọng có hỏi sao phải trốn thì tôi bảo anh Ngọ nói như thế.

Bị cáo đi đến Nguyễn Khánh Toàn, đến đầu ngõ, cô Nhung ra đón thì mới biết là bạn của Trọng. Khi vào nhà bị cáo tắm rửa, nghỉ ngơi khoảng hơn 1g thì Nhung gọi xuống ăn cơm. Khoảng hơn 21g thì Tuấn vào nói đi cùng Tuấn ra xe. Tôi là người nói với Thắng đưa tôi đi Móng Cái (Quảng Ninh). Tôi định đi Móng Cái để sang Trung Quốc. Trên đường đi bị cáo thấy hướng đi Đông Bắc xấu trong khi trong cặp có hộ chiếu, visa còn đến tháng 8-9 mà con gái đang học ở Mỹ thì tìm cách vào miền Nam để trốn đi Mỹ. Trên đường đi tôi nói với Thắng không đi Móng Cái nữa, tìm chỗ nghỉ. Lúc đó Tuấn dẫn vào nhà ông Cường.

Tôi thấy Trọng khai rất đúng, như thế là Trọng rất thật thà. Lúc đó Trọng gọi điện, tôi bảo phải vào miền Nam để đi Campuchia và đi Mỹ.

Khi đến nhà nghe ông Cường tôi mới biết quan hệ của Trọng với ông Cường.

Từ nhà ông Cường đi TP.HCM thì Thắng và Ánh đón tôi. Tôi là người quyết định đi vào miền Nam. Quyết định trốn là tôi vì tôi rất tin vào anh Ngọ, lúc đó anh ấy nói gì là tôi làm theo. Quyết định đi Quảng Ninh cũng là do tôi, quyết định đi miền Nam cũng là tôi quyết định. Trọng cũng chỉ là người bố trí xe thôi. Ngay cả sang Campuchia đặt vé đi Mỹ cũng là tôi chứ Phong không biết

Nếu Trọng không giúp thì anh có trốn đi Campuchia được thuận lợi không? Tôi cũng sẽ trốn sang được, chỉ có khó khăn cái đóng dấu nhập cảnh thôi. Thực ra vì anh Ngọ đã nói như thế thì tôi cũng nghĩ là mức độ thôi. Anh ấy nói tránh đi một thời gian nên tôi nghĩ là sẽ quay về. Việc trốn đi nước ngoài là rất sai lầm làm phức tạp, đối với anh em bạn bè trong gia đình.

HĐXX: Trừ Trọng ra có bị cáo nào vụ lợi không?

-Không, khi Thắng mở ví ra đưa tôi 1000 USD và nói em có chừng này anh cầm, tôi ứa nước mắt.

Trên xe đi Quảng Ninh, chúng tôi không nói chuyện gì, chỉ hỏi thăm sức khỏe và công việc của Phạm Minh Tuấn. Trên đường đi từ Quảng Ninh đến TP.HCM cũng không trao đổi gì đến việc trốn đi nước ngoài.

Khi ở Campuchia, tôi quyết định mua vé thì ông Liêm bạn anh Dũng Bắc Kạn có giới thiệu. Khi quay về Campuchia thì tôi có gặp ông Liêm ở khách sạn để nhờ giúp đỡ và ông ấy nói yên tâm, về nhà ông ấy nghỉ. Tôi ở đó mấy hôm thì Phong, Dũng sang. Tuy nhiên tôi thấy hơi phức tạp, sợ không an toàn nên có nói với Phong là chuyển và sau đó chuyển sang nhà anh Nhân.

Phong sang lần đầu, lần sau Dũng sang thì có đưa tiền. Khoản 4.000 USD thì chắc là Phong đưa vào đợt sau.

HĐXX: Nếu không phải Dương Tự Trọng thu xếp và nhờ các bị cáo khác đưa đi trốn thì các bị cáo có nhiệt tình với anh như vậy không?

-Các bị cáo, đặc biệt là Tuấn tôi đều coi như anh em, riêng Dũng thì tôi không biết. Đương nhiên trong việc này là tình cảm, anh em đều biết từ trước, hai là cũng có việc là chú Trọng nhờ. Những anh em này tôi chơi rất thân.

Tôi hơi chủ quan mà nói rằng một trong những anh em này tôi trực tiếp nhờ thì sẽ giúp.

Lúc đó không có động cơ trốn đi nước ngoài nhưng vì anh Ngọ nói tránh đi một thời gian thì tôi cứ tránh thôi.

Dương Tự Trọng: Tất cả anh em tham gia vù này đều chân tình, trừ Dũng "Bắc Kạn"

Đến lượt mình, Dương Tự Trọng nói: xin lỗi HĐXX, tôi coi bố của anh Sơn như bố tôi, cụ mất đi là đáng tiếc.

Các bị cáo đã khai về việc bàn bạc, thống nhất cho Dương Chí Dũng trốn. Tôi xác nhận những lời khai của các bị cáo khác.

Tôi cho rằng bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao duy ý chí, chủ quan. Tôi đã làm thủ trưởng cơ quan điều tra, tôi tự hào về điều đó và tôi hiểu.

Trong vụ này tất cả anh em tham gia đều là chân tình, trừ Dũng Bắc Kạn. Nói chúng tôi tổ chức tinh vi thì không thể vì đi công khai ban ngày bằng xe của Hải Phòng, các bị cáo đều thân thiết với tôi. Việc trốn đi nước ngoài là của anh Dũng.

Trong vụ án này anh em chỉ đưa anh Dũng đi trốn chứ làm sao có chuyện đi nước ngoài. Khi sang Campuchia là anh Dũng yêu cầu đóng dấu, chứ không có dấu xuất cảnh ở Việt Nam thì làm sao nhập cảnh được.

Việc dùng điện thoại, chúng tôi làm án hình sự chúng tôi thường xuyên sử dụng. Khi làm án phát sim rác cho anh em là bình thường, phân công anh em thì chỉ cần nói ý đồ là anh em tự động tác chiến.

Tất cả anh em từ Sơn trở xuống chỉ là người thực hành, người chỉ đạo là tôi.

Tại sao tôi cho Thắng và Ánh đi cạnh Dũng. Sáng 17-5, tôi làm việc tại Bộ và được phân công vào chuyên án đặt mìn nhà anh Tuấn. Chúng tôi có kế hoạch đi miền Nam vì kẻ cầm đầu ở miền Nam.

Sáng 17-5, một người họ hàng biết tôi lên và có điện mời tôi qua ăn cơm. Trưa hôm đó thấy anh Dũng ngồi ở đó, lâu lắm anh em mới gặp nhau. Tôi biết chuyện anh Dũng bị triệu tập đến C48. Chúng tôi đã tra xem và không thấy quy định nào nói ụ nổi là tàu. Hôm đó tôi có thăm hỏi anh Dũng để chia sẻ động viên và tôi không tin là anh Dũng có tội. Hơn nữa tôi cũng biết quan hệ của anh Dũng với nhiều anh, như anh Ngọ. Tôi được biết là anh Dũng có điện thoại cho anh Ngọ. Trước khi về tôi có bảo anh Dũng gọi điện báo cho tôi biết tình hình. Tôi chỉ nghĩ anh Dũng bị cách chức thôi.

Chiều tôi điện cho anh Dũng thì anh Dũng bảo xấu lắm, anh Dũng nói là Thủ tướng yêu cầu phải bắt anh. Lúc đó tôi nói em bố trí xe đón anh. Anh Dũng có nói quan hệ với anh Ngọ và tôi nghĩ quan hệ của hai anh như thế thì yên tâm lắm. Tôi tổ chức đón anh Dũng mà cũng không biết đi đâu.

Tôi có gọi Sơn sang và lúc đó Sơn không được biết, đến ngày 18-5 tôi mới nói cho Sơn biết toàn bộ. Do đó vai trò của Sơn cũng như những người khác chỉ là thực hành thôi.

Tôi nhấn mạnh anh Sơn chỉ là vai trò trung gian thôi, thực hành, còn lại là tôi chỉ đạo toàn bộ. Còn riêng anh Tuấn khi khởi tố anh Tuấn hoàn toàn không biết vì lúc đó còn là bí mật quốc gia. Chúng tôi đưa anh Tuấn đi thì anh Tuấn không thể biết được và không dám hỏi chúng tôi. Chúng tôi gọi anh Tuấn đi là chuyện bình thường.

Khi anh Dũng có ý đồ đi nước ngoài, tôi phải cho Thắng và Ánh đi cùng. Anh Dũng đi một mình, nếu rơi vào tay giang hồ này nọ thì tôi lo lắng. Do đó cho Thắng và Ánh đi để bảo vệ và đi công khai vì lúc đó tin tưởng anh Ngọ.

Thực tình mà nói trong vụ này xử tội gì chúng tôi cũng không ý kiến. Nhưng việc đi nước ngoài là việc của anh Dũng. Do đó anh Dũng nên bị xem xét ở điều 274 BLHS về xuất nhập cảnh trái phép, còn chúng tôi thì theo Điều 373 BLHS là đúng vì che giấu tội phạm,

Trước HĐXX, tôi nhận toàn bộ hành vi của mình và tất cả do tôi chỉ đạo.

Với anh Ngọ tôi tôn trọng anh ấy và anh ấy còn cho con anh ấy nhận tôi làm thầy.

HĐXX: Ngày 17-5-2012, ai là người thông báo cho bị cáo biết Dũng sẽ bị khởi tố?

-Dương Tự Trọng: Tôi điện cho anh Dũng và anh Dũng cho biết.

HĐXX: Bị cáo định đón Dương Chí Dũng từ nhà Hoàng Kim Nhung đi đâu?

- Lúc đó do hoàn cảnh tôi không hỏi thêm, anh Dũng ngắt lời tôi nói là anh Ngọ đã nhận lời giúp mình nên tôi chỉ biết đưa xe lên đón anh Dũng. Tôi nghĩ là anh Dũng và anh Ngọ đã có kế hoạch nên cho xe lên đón và bảo đi đâu sẽ đi đó. Tôi có điện cho Nhung nói là anh Dũng muốn đến thăm nhà.

HĐXX: Quan hệ với Nhung thế nào?

- Có vợ tôi đây nhưng tôi cũng phải nói là đã từng có thời kỳ yêu nhau.

HĐXX: Ai là người bảo đón đi Quảng Ninh?

- Tôi chỉ nhờ đón còn đi đâu là do anh Dũng. Gần trưa hôm sau tôi mới biết anh Dũng đến nhà ông Cường nên tôi điện thoại cho anh Dũng ngay. Tôi chỉ nói với Tuấn duy nhất 1 câu: bạn lên đó anh Dũng ở nhà Nhung.

HĐXX: Ai là người bảo đưa Dương Chí Dũng đến nhà ông Cường?

- Tôi không bảo, tôi không biết.

HĐXX: Ai đề xuất cho Dũng trốn đi nước ngoài?

-Trưa 18-5, tôi điện thoại và anh Dũng nói anh sẽ đi nước ngoài. Tôi có phân tích và bảo anh Dũng là anh đi như thế nguy hiểm lắm, đằng nào chẳng phải về vì còn bố mẹ nữa. Tôi nói thì anh Dũng bảo không phải bàn nữa và anh nói là anh đi xe ôm, đi Trung Quốc. Anh Dũng nói thế thì tôi lo và bảo anh không đi thế được, em có đường dây quen biết để giúp anh.

HĐXX: Bị cáo đã đồng tình với ý định của Dương Chí Dũng? Bị cáo có nghe rõ lời khai tại tòa của các bị cáo là bàn bạc với nhau đưa Dũng đi Campuchia bằng đường tiểu ngạch không? Việc bàn lấy tên giả là nhằm tránh nghe trộm điện thoại của cơ quan điều tra. Còn đi tiểu ngạch cũng bàn làm sao để trốn không bị bắt ở nội địa.

-Trước HĐXX, tôi nhận toàn bộ hành vi của mình và tất cả do tôi chỉ đạo. Bản thân tôi không biết anh Dũng trốn đi nước ngoài.

HĐXX: Ai là người bảo Thắng, Ánh đón Dũng ở nhà ông Cường, đưa vào TP.HCM?

-Tôi bảo Thắng qua nhà ông Cường đón anh Dũng đi vào miền Nam và tôi với anh Sơn sẽ đón trong TP.HCM. Còn Ánh thì không biết và không được phép hỏi tôi.

Trần Văn Dũng thì tôi có biết, thi thoảng gặp có nhắc nhở đừng hoạt động tội phạm. Đồng Xuân Phong trước đây làm hải quan thì có biết nhau.

Tôi có nói chuyện với Phong bằng điện thoại của Sơn, hỏi xã giao và nói là giúp tôi.

HĐXX: Bị cáo bao nhiêu lần đưa tiền để chi phí cho Dương Chí Dũng trốn?

-Lần nào có tiền thì đưa nhưng tôi cũng không nhớ được. Số tiền bảo 30.000 USD thì tôi không đếm nên có khi chỉ là 20.000 USD như Dũng "Bắc Kạn" nói. Khi Dũng về Campuchia thì thông báo với tôi rằng không được nhập cảnh vào Mỹ. Lúc đó tôi không làm chủ được nên phải nhờ đến Sơn. Tôi điện cho Sơn và nói giúp anh xem anh Dũng Bắc Kạn như thế nào. Lời khai của Sơn là đúng.

Tôi cho rằng tòa sơ thẩm kết án tôi theo điều 275 khoản 3 là không đúng. Hai là anh Dũng là đối tượng gây ra vụ án tham nhũng nghiêm trọng là sai. Lúc đó anh Dũng chỉ bị khởi tố tội cố ý làm trái. Ba là không có điều nào nói là người gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người liên quan cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng.

9g30:

Đến phần thẩm vấn của mình, bị cáo Dương Tự Trọng đứng dậy xin HĐXX cho mình dành 1 phút mặc niệm cho bố của bị cáo Vũ Tiến Sơn mới mất. Bị cáo Trọng đã thể hiện sự xúc động trước vành móng ngựa. Do đó, HĐXX quyết định cho bị cáo Trọng tạm ngồi nghỉ để thẩm vấn bị cáo khác.

9g20:

HĐXX bắt đầu thẩm vấn, làm rõ vai trò của từng bị cáo trong từng công đoạn, từng thời điểm tổ chức đưa Dương Chí Dũng đi trốn. Trong đó có bị cáo chỉ tham gia đưa Dương Chí Dũng từ Hà Nội đi Quảng Ninh, có bị cáo chỉ tổ chức đưa từ Việt Nam sang Campuchia và đi Singapore...

8g40:Lời khai của Vũ Tiến Sơn tại tòa

"Anh Trọng giao cho tôi từng phần việc, tôi coi anh Dũng như anh ruột nhưng cũng chỉ có một số việc gồm liên lạc với Phong vì Phong có mối quan hệ ở nước ngoài để đưa anh Dũng sang Campuchia rồi đi Mỹ. Anh Trọng có nói là Phong đang bị truy nã nên anh Trọng điện thoại không tiện. Sau khi điện thoại, Phong đưa Dũng “Bắc Kạn” đến nhà bố mẹ tôi và nói về chuyện đi trốn. Sau đó tôi đưa cho Dũng, Phong mỗi người 1 chiếc điện thoại để liên lạc với Phong, Dũng.

Chiều 17-5-2012, có anh Hưng là cán bộ hải quan cùng lên Hà Nội. Khi dừng ở Phố Nối thì anh Trọng đưa cho tôi 2 điện thoại để nói là đưa cho Thắng. Lúc đó tôi mới biết việc tổ chức cho Dũng đi trốn. Tôi đưa điện thoại nhưng không biết Thắng và Tuấn đưa Dũng đi đâu.

Ngày 18-5-2012, tôi điện thoại cho Đồng Xuân Phong nói về việc của Dũng và đưa điện thoại cho anh Trọng nói chuyện nhưng tôi không biết nội dung. Phong và Dũng “Bắc Kạn” đến nhà bố mẹ tôi để bàn về việc đưa Dũng đi nước ngoài. Tôi cũng không nhớ ai đặt biệt hiệu cho ai nhưng việc đặt biệt hiệu nhằm tránh bị phát hiện.

Tôi có trao đổi lại với anh Trọng và anh Trọng bảo cứ thế mà làm sao cho an toàn.

Sau này khi vào TP.HCM tôi mới được anh Trọng nói cho biết là anh Dũng đã vào TP.HCM. Việc đổi biển số xe thì anh Trọng có bảo kiếm một cái xe thì tôi thực hiện nhằm để không bị phát hiện.

Mục đích chuyển đi TP.HCM vào ngày 20-5-2012 là thực hiện theo chuyên án của Bộ Công an liên quan đến vụ nổ mìn nhà anh Tuấn, Giám đốc Công an Thái Nguyên. Việc vào đưa anh Dũng đi trốn là trùng hợp, tiện thôi" - Sơn nói.

Vũ Tiến Sơn khai tiếp: "Từ ngày 21 đến 23-5-2012, Dương Chí Dũng được đưa vào TP.HCM bằng đường bộ. Lúc ở TP.HCM, tôi với anh Trọng ở cùng phòng, anh Trọng có điện thoại cho Thắng. Tôi không biết anh Dũng không được nhập cảnh vào Mỹ. Sau này anh Trọng thông báo là anh Dũng không được nhập cảnh vào Mỹ và quay về Campuchia. Sau đó tôi điện cho Phong đề nghị nhờ đón anh Dũng ở Campuchia. Tôi có đưa 30.000 USD cho Trần Văn Dũng là tiền do anh Trọng đưa. Còn khoản 4.000 USD tôi không nhớ.

Tôi nhận thức hành vi của tôi là vi phạm pháp luật. Mục đích từ đầu là tình cảm và sau đó đi quá. Việc tòa sơ thẩm kết tội thì tôi đồng ý nhưng kết luận tôi là vai trò chỉ huy, chỉ đạo, tôi thấy không được đúng. Vai trò tôi chỉ là vai trò thực hành và làm theo công đoạn".

Theo danh sách triệu tập của TAND Tối cao, Dương Chí Dũng đã được triệu tập đến với tư cách nhân chứng.

Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND TP.Hà Nội xét xử, Dương Chí Dũng đã có lời khai chấn động về việc có người mật báo giúp mình bỏ trốn trước khi bị bắt trong vụ sai phạm tại Vinalines (Dương Chí Dũng vừa bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tuyên y án tử hình). Từ lời khai này Hội đồng xét xử đã khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước theo quy định tại Điều 263 Bộ luật hình sự.

Sáng 22-5, nhiều nhân chứng và người liên quan được triệu tập nhưng không đến và có đơn xin xử vắng mặt. Ngay sau khi khai mạc phiên toà, HĐXX đã tiến hành kiểm tra căn cước đối với các bị cáo trong vụ án.

Do phiên toà xét xử vắng mặt một số nhân chứng nên sau khi nghe ý kiến của đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà, HĐXX đã vào phòng nghị án để thảo luận về việc có tiếp tục xét xử hay không.

8g30:

Trên cơ sở hội ý, HĐXX quyết định phiên toà vẫn tiếp tục diễn ra vì các nhân chứng vắng mặt đã có lời khai trong hồ sơ vụ án, khi cần thiết sẽ công bố.

Trước đó, TAND TP Hà Nội mở phiên toà sơ thẩm hôm 7 và 8-1-2014 xét xử 7 bị cáo về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.

Bản án tuyên phạt bị cáo Dương Tự Trọng (nguyên Phó Giám đốc Công an Hải Phòng, nguyên) 18 năm tù giam.

- Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an Hải Phòng) 13 năm tù giam

- Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ Phòng cảnh sát môi trường, Công an Hải Phòng) 5 năm tù giam.

- Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ Hải quan Hải Phòng) 7 năm tù giam.

- Trần Văn Dũng (tức Dũng "Bắc Kạn") 8 năm tù giam.

- Nguyễn Trọng Ánh (nguyên cán bộ PC45 Hải Phòng) 6 năm tù giam.

- Phạm Minh Tuấn (nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng - Hải Phòng) 5 năm tù giam.

Trong vụ tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn này có 6 bị cáo kháng cáo, đều đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt mà bản án sơ thẩm đã tuyên. Bị cáo Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ Phòng cảnh sát môi trường, Công an Hải Phòng, bị TAND TP Hà Nội tuyên 5 năm tù) không kháng cáo.

Trong vụ án này, bị cáo Dương Tự Trọng đã tổ chức cho anh trai của mình là Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải VN, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT) bỏ trốn ra nước ngoài với sự giúp sức của các đồng phạm.

Tại phiên tòa sơ thẩm và tại cơ quan điều tra, bị cáo Dương Tự Trọng không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng HĐXX vẫn đủ cơ sở nhận định Dương Tự Trọng là chủ mưu đưa anh trai mình trốn ra nước ngoài.

HĐXX tóm tắt bản án sơ thẩm. Cụ thể, chiều 17-5-2012, Dương Chí Dũng đã thông báo cho em trai là Dương Tự Trọng và được bị cáo Trọng hướng dẫn bỏ trốn. Sau đó, bị cáo Dương Tự Trọng (khi đó là Phó giám đốc Công an Hải Phòng) đã Vũ Tiến Sơn và Hoàng Văn Thắng đến phòng làm việc, thông báo việc Dũng sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam và bàn bạc việc tổ chức cho anh trai mình trốn ra nước ngoài.

Ngay trong buổi chiều 17-5-2012, Dương Tự Trọng guao cho Thắng và Phạm Minh Tuấn đến đón Dương Chí Dũng tại nhà bạn gái mình, đưa xuống thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, ẩn náu.

Cũng trong quá trình này, Trọng và Sơn đã bàn bạc, thống nhất giao Sơn liên lạc, chỉ đạo, phân công các bị can để tổ chức cho Dũng trốn đi nước ngoài. Thực hiện chỉ đạo, Sơn đã gọi Đồng Xuân Phong và Dũng “Bắc Kạn” để bàn bạc, đưa Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia theo đường tiểu ngạch tại khu vực biên giới cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh rồi sẽ đi Mỹ.

Việc đưa Dương Chí Dũng vào TP Hồ Chí Minh được giao cho Hoàng Văn Thắng và Nguyễn Trọng Ánh đi bằng đường bộ còn Đồng Xuân Phong và Dũng “Bắc Kạn” sẽ đi máy bay vào. Toàn bộ quá trình tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn từ chiều 17-5-2012, các bị can đều sử dụng sim rác và dung bí danh. Cụ thể, gọi Dương Chí Dũng là “Đồng”, Đồng Xuân Phong là “Gió”, Trần Văn Dũng là “Cạn”.

Ngày 23-5-2012, các bị can đưa được Dương Chí Dũng sang Campuchia và ngày 24-5 bay đi Singapore để trốn đi Mỹ. Tuy nhiên do phía Mỹ không cho nhập cảnh nên Dương Chí Dũng quay về ẩn náu tại Campuchia cho đến khi bị bắt.

Tại phiên toà sơ thẩm, Dương Chí Dũng được triệu tập đến phiên toà với tư cách là người làm chứng và đã khẳng định sau khi ông Phạm Quý Ngọ (nguyên thứ trưởng Bộ Công an, đã mất) thông báo là sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam và khuyên lánh đi một thời gian thì Dương Chí Dũng đã nhờ các bị cáo trên giúp đỡ trốn khỏi Việt Nam.

Tại phiên toà, Dương Chí Dũng khai đã đưa tiền cho ông Ngọ và một số cá nhân khác.

Do đó, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà đã đề nghị HĐXX ra quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật công tác theo quy định tại Điều 286 BLHS và đề nghị HĐXX kiến nghị cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ số tiền Dương Chí Dũng khai đã đưa cho những cá nhân trên, nếu đủ căn cứ thì xử lý theo pháp luật. HĐXX sau đó đã quyết định khởi tố vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” quy định tại điều 263 BLHS.

Sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, bị cáo Dương Tự Trọng có đơn kháng cáo xin nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt. Vũ Tiến Sơn xin giảm nhẹ hình phạt với lí do không phải là người cầm đầu, chỉ huy tổ chức bỏ trốn. Đồng Xuân Phong cho rằng bản án sơ thẩm quá nặng nên đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ. Trần Văn Dũng có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt vì bố mẹ đẻ là lão thành cách mạng..., thành khẩn khai báo giúp cơ quan điều tra làm rõ vụ án. Nguyễn Trọng Ánh xin giảm án với lí do đề nghị xem xét động cơ hình phạt, đồng thời có đơn đề nghị xem xét một số vấn đề bị oan.

Bị cáo Phạm Minh Tuấn kêu oan. Tuy nhiên tại tòa, bị cáo Nguyễn Trọng Ánh không kêu oan nữa.

Tại phiên tòa sáng nay, Vũ Tiến Sơn khai "ngày 17-5-2012, Trọng gọi Sơn lên phòng làm việc và bảo lên Hà Nội dự sinh nhật 1 ông anh và thông báo anh Dũng có lệnh bắt của cơ quan điều tra. Lúc đó bị cáo hiểu để lo việc cho Dũng thì một là đưa đi trốn, hai là đưa ra đầu thú. Sau đó Trọng đề xuất về việc đi trốn sang Mỹ vì có hộ chiếu, visa và có cháu ở bên Mỹ. Anh Trọng nói anh Dũng nên đi vì là trưởng trong nhà, nếu bị bắt thì ông bà ở nhà tuổi cao không chịu được".

NUFAopt8.jpg

2LUsetwc.jpgPhóng to
Bị cáo Dương Tự Trọng, nguyên Phó GĐ Công an Hải Phòng tại phiên tòa phúc thẩm- Ảnh: Việt Dũng
hHWMQ2IX.jpgPhóng to
Dương Chí Dũng (nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải VN, đã bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao kết án tử hình trong vụ tham ô tại Vinalines) tươi cười đến dự phiên tòa phúc thẩm em trai Dương Tự Trọng với tư cách nhân chứng - Ảnh: Việt Dũng
Hj7jAAlG.jpgPhóng to
Từ lời khai chấn động của bị cáo Dương Chí Dũng tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước - Ảnh: Việt Dũng
LGLv7LmN.jpgPhóng to
Dương Chí Dũng (áo nâu, đứng phía sau) trả lời tòa với tư cách nhân chứng trong vụ phạm tội của em trai Dương Tự Trọng (áo trắng, bên phải) - Ảnh: Việt Dũng
n2B4AN5D.jpgPhóng to
Vì giúp anh trai bỏ trốn, Dương Tự Trọng đã mất tất cả, chức vụ Phó GĐ Công an Hải Phòng và sự nghiệp đang thăng tiến để phải đứng trước vành móng ngựa. Tại phiên tòa sơ thẩm Dương Tự Trọng đã bị kết án 18 năm tù - Ảnh: Việt Dũng
2ps4344m.jpgPhóng to
Bị cáo Dương Chí Dũng vẫn tươi cười dù đang mang bản án tử hình đã có hiệu lực, chỉ chờ đến ngày thi hành án - Ảnh: Việt Dũng
 MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên