Thiệt hại không chỉ là tiền nhà thầu phạt chủ đầu tư theo hợp đồng, mà việc chậm đưa công trình vào khai thác đã không thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Phóng to |
Công nhân thi công tại gói thầu xây dựng cầu cạn thuộc dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: Q.KHẢI |
Ngày 6-8, chúng tôi trở lại công trình đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn thuộc TP.HCM).
Thi công cầm chừng
Tại khu vực thi công cầu cạn dài hơn 2km (vượt qua nút giao thông vành đai 2 đường Nguyễn Duy Trinh, P.Phú Hữu, Q.9), hàng chục công nhân đang tất bật lắp đặt lan can cầu. Những tốp công nhân khác hàn các khung sắt cho làn cầu mới, gia cố móng...
Trái với cảnh thi công tất bật tại gói thầu xây cầu vượt, càng xuôi về đầu tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, việc thi công càng thưa thớt dần.
Tại gói thầu số 8 (đoạn từ đầu đường Đỗ Xuân Hợp, Q.9 hướng về Q.2, dài khoảng 1km), công trình đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng.
Một công nhân ngồi nghỉ trưa trong lán trại cho biết: “Công trình đã bơm cát hơn ba tháng nhưng vẫn chưa xong phần nền hạ. Mấy sếp kêu toàn bộ công trình phải hoàn thành trước năm 2014, nhưng với kiểu này làm sao mà xong được”.
Tiếp giáp gói thầu số 8 là gói thầu số 7 và số 9 cũng đang trong quá trình bơm cát làm nền hạ nhưng tiến độ còn chậm hơn. Công trình bị cắt khúc nhiều đoạn do còn vướng nhiều hộ chưa giải tỏa, có đoạn kéo dài gần 300m xen lẫn là vườn cây với nhà dân.
Theo các hộ dân trên đường Nguyễn Duy Trinh, con đường này ngày càng “căng” hơn do lượng xe lưu thông ngày càng tăng và thường xuyên ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm. Vì vậy họ mong đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sớm đưa vào sử dụng để giảm áp lực xe cộ qua đường Nguyễn Duy Trinh.
Tương tự, đường dẫn vào đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (xuất phát từ đường Mai Chí Thọ, P.An Phú, Q.2 nối với gói thầu số 9) cũng đang bị tắc.
Khu vực đầu tuyến được rào chắn lại, bên ngoài có treo biển báo Tổng công ty Xây dựng đường thủy thi công. Quan sát qua các khe hở rào chắn, chúng tôi thấy bên trong công trường là những “đồi” đất nhô cao bên cạnh các hố sâu hoắm, xen lẫn là nhà các hộ dân đang sinh sống do chưa giải tỏa xong.
Một hộ dân sống gần đó cho biết công trình trên chỉ thi công cầm chừng từ nhiều tháng qua. Có ít nhất sáu hộ dân vẫn còn nhà, đang sinh sống trong khu vực công trường.
Chị Lê Thị Thạch - một trong sáu hộ dân trên - cho biết: “Chủ trương của Nhà nước chúng tôi không phản đối, nhưng đơn giá bồi thường quá thấp, nếu dọn đi không đủ tiền mua nhà đất tại nơi ở mới nên đành bám víu ở lại”.
Dự án chậm, thiệt hại lớn
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM - Đồng Nai) có tổng chiều dài 55km, đã khởi công từ năm 2009 đến nay vẫn còn vướng giải tỏa.
Mặc dù trước đó vào năm 2007 Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các quyết định giao các tiểu dự án đền bù giải tỏa để TP.HCM và tỉnh Bình Dương sớm triển khai đền bù, nhằm bảo đảm tiến độ, hoàn thành dự án vào năm 2012. Thế nhưng đến nay dự án đã kéo dài so với dự kiến hoàn thành hơn một năm và chưa biết bao giờ mới xong.
Đến giữa tháng 7-2013, công trình xây dựng đoạn đường dài 4km từ nút giao An Phú (đường Mai Chí Thọ - Lương Định Của, Q.2) đến đầu đường cao tốc ở Q.9 vẫn chưa giải tỏa xong.
Trong đó, Q.2 (có 289 hộ nằm trong diện đền bù giải tỏa) mới bàn giao được 85,86% diện tích giải tỏa. Phần còn lại chưa giải tỏa có diện tích 3,5ha của 27 hộ dân và các tổ chức, đơn vị.
Còn ở Q.9 (có 213 hộ thuộc diện giải tỏa) mới bàn giao mặt bằng 43,7% diện tích, phần còn lại chưa giải tỏa là 23,4ha của 110 hộ dân và các tổ chức. Riêng tỉnh Đồng Nai vẫn còn vướng giải tỏa 66.381m2 đất trồng cây cao su. Ban quản lý dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cho biết thêm công tác di dời các công trình kỹ thuật điện, nước, viễn thông ở Q.2, Q.9 cũng rất chậm.
Theo Ban quản lý dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nguyên nhân đền bù giải tỏa mặt bằng chậm tại đoạn 4km đường ở Q.2 và Q.9 do vướng mắc về hồ sơ, thủ tục bồi thường vì tranh chấp trong nội bộ gia đình hộ giải tỏa...
Ngoài ra do TP cấp kinh phí đền bù giải tỏa chậm. Vì vậy, mới đây ban quản lý dự án đề nghị UBND TP ưu tiên cấp kinh phí bổ sung cho Q.2 là 40 tỉ đồng và bổ sung cho Q.9 là 500 tỉ đồng để chi trả tiền cho các hộ dân.
Đồng thời, TP cần vận dụng cơ chế tạm ứng cho các hộ dân có thiện chí bàn giao mặt bằng trước trong khi chờ hoàn tất hồ sơ bồi thường.
Việc đền bù giải tỏa chậm đã tác động đến tiến độ thi công nhiều hạng mục công trình. Trong đó, khó khăn nhất là hạng mục xử lý nền đất yếu trên địa bàn Q.2 và Q.9 đòi hỏi cần thời gian ổn định nền đường (từ sáu tháng trở lên), công trình xây dựng nút giao thông đường Đỗ Xuân Hợp và làm đường kết nối vào Trung tâm điều hành đường cao tốc...
Theo chỉ đạo của UBND TP, ông Lê Mạnh Hùng - giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - cho biết đơn vị phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 - thông xe đoạn đường cao tốc từ Q.9 (TP.HCM) đến quốc lộ 51 (Đồng Nai) dài 23km vào cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014, còn trong năm 2014 mới hoàn thành toàn bộ dự án.
Ông Lê Mạnh Hùng cho biết theo hợp đồng, việc bàn giao mặt bằng chậm thì nhà thầu phạt chủ đầu tư. Với các nhà thầu trong nước, chủ đầu tư có thể thương lượng không xử phạt, nhưng với nhà thầu nước ngoài thì họ chỉ căn cứ vào hợp đồng để xử lý.
Thế nhưng, thiệt hại lớn hơn là dự án không hoàn thành đúng tiến độ sẽ không phát huy hiệu quả dự án. Bởi vì tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây rút ngắn khoảng 20km từ TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi Vũng Tàu hoặc các tỉnh phía Bắc so với đi hướng quốc lộ 1.
Đồng thời, tuyến đường này là nhân tố quan trọng thúc đẩy khai thác thế mạnh về du lịch của Vũng Tàu và Đà Lạt, phát huy hiệu quả đầu tư cụm cảng nước sâu Thị Vải, Cái Mép và cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai.
Dự án tuyến metro số 1: mỗi ngày có thể bị phạt 2 tỉ đồng Dù đã khởi công cách đây một năm, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 - Bến Thành - Suối Tiên (Q.1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và tỉnh Bình Dương) dài 19,7km vẫn còn vướng giải tỏa ở gói thầu số 2 xây dựng tuyến metro trên cao từ Suối Tiên (Q.9) về đến Nhà máy Ba Son (Q.1). Ông Lê Khắc Huỳnh, phó ban thường trực Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM - chủ đầu tư dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, cho biết theo hợp đồng đã ký kết với nhà thầu liên danh Sumitomo (Nhật) - Cienco 6 thi công gói thầu số 2, nếu chậm bàn giao mặt bằng thì ban phải bồi thường hơn 2 tỉ đồng/ngày. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận