Người trong buôn chia nhau mật ong rừng vừa lấy được - Ảnh: Mai Vinh |
Câu chuyện về hình phạt của người Cil trong buôn cũng được anh Tha Ny nhắc đến trong đêm chúng tôi nằm trên sàn nhà đợi trời sáng.
Hòn đá bên bờ ruộng
Tha Ny nói tiếng Việt lơ lớ. Anh nói chậm và hỏi chúng tôi có thấy đầu mỗi bờ ruộng hay thửa vườn của buôn có hòn đá không.
Anh bảo hòn đá chỉ để thơ thớ vậy thôi, không cần vùi sâu xuống đất nhưng bao nhiêu năm trôi qua hòn đá ấy cũng nằm đó làm ranh giới cho những thửa ruộng, khu vườn. Không ai muốn và cũng không ai chuyển nó đi đâu cả.
Trong đêm lạnh, tiếng tàn lửa nổ lép bép nhè nhè góc bếp, giọng Tha Ny trầm ngâm: “Không phải hòn đá ấy thiêng mà luật của buôn này thiêng lắm”.
Chúng tôi đã thắc mắc với Tha Ny về những hòn đá đặt trên mỗi thửa đất trong buôn từ chiều nhưng Tha Ny chỉ im lặng và giờ mới kể ngọn ngành.
Anh bảo những hòn đá đều cũ, từ khi lập làng đến giờ vẫn nằm im vậy. Nếu vì lý do canh tác thì cứ nâng, hoặc hạ bờ ruộng cho phù hợp nhưng không được thay đổi hòn đá đã thành chứng nhân. Một ranh giới vô hình được dựng lên bởi những hòn đá.
Già Cao nằm cạnh đó góp chuyện: “Người của buôn thật thà mà. Đất đai nhà bên cạnh cũng như của mình, mình phải giữ. Mình đói sẽ được chia gạo, không lo chết đói”.
Ông kể có lần ông ra xã Đa Nhim thăm vợ bị bệnh đang ở nhà con. Ông nghe gần đó có người Cil đánh nhau ngoài rẫy cà phê giành đất. Ông ra xem rồi bỏ về rừng. Ông bảo: “Người Cil không có vậy. Bụng phải thật”.
Cái bụng phải thật nên nghe chuyện cháu con người Cil đánh nhau ở bìa rừng vì thửa đất, ông Cao xót bụng. Với ông, việc ấy chẳng khác nào đã động chạm đến tổ tiên người Cil.
“Ở buôn khổ hơn mà không giành đất, ngoài đó có điện, có muối mà sao lại giành. Nếu trong buôn nhất định bị phạt” - ông Cao nhắc lại như chuyện mới xảy ra.
Sáng sớm chúng tôi gặp trưởng buôn Ha Moi Rơ Sac và hỏi về những điều làng này kiêng kỵ. Ông bảo luật của làng đơn giản lắm. Những người Cil sống đơn giản khác những nhánh người khác cùng dân tộc K’Ho, không kiêng kỵ gì nhiều.
“Cùng làm rẫy một vạt/ Cùng sống một buôn/ Cùng ăn chung một bến nước/ Không có muối chia nhau/ Không có gạo chia cùng” - ông đọc bằng giọng lơ lớ và khàn nhẹ.
gười Cil cứ vậy mà sống bao nhiêu năm ở buôn Dưng Iar Giêng cũ và mới lập lại sau. Những điều ấy ăn sâu vào tâm trí người trong buôn và đọng lại rõ rệt nhất ở nơi chỉ toàn người già sống.
Chúng tôi chứng kiến họ không mua bán gì với nhau, mang gạo bắp đổi cho nhau để sống. Rổ rá tự đan rồi đổi cho nhau.
Bắt được tổ ong mật, người chạy đi hái lá môn hứng mật, người kiếm dao xẻ tổ ong rồi chia ra mang về. Xúc được mớ tép, mớ cá họ mang đi khắp buôn mà chia. Chia cả cho kiểm lâm đang đi tuần.
Nhà ông Sơ Ao A Chú (61 tuổi) trong buôn Dưng Iar Giêng - Ảnh: Hoàng Điệp |
Nếu anh sai...
Đó là những điều tốt đẹp không chỉ truyền miệng khuyên nên làm theo mà đã thành luật tục. Nó buộc người Cil sống trong buôn Dưng Iar Giêng phải tuân theo để duy trì một ngôi làng độc lập giữa rừng. Người sống trong buôn răm rắp tuân thủ từ xưa đến nay.
Ông Ngọc Lý Hiển, một người nghiên cứu về phong tục người Cil và các tộc người thuộc dân tộc K’Ho, nhận định: “Sức mạnh ấy sinh ra từ hình phạt đánh thẳng vào lòng tự trọng của người Cil”.
Hình phạt nặng nhất của người Cil không hề man rợ, đơn giản là đuổi người ấy ra khỏi buôn và không cho mang họ. Chỉ vậy mà người trong buôn sợ như thể họ bị giết chết.
Một người khác sẽ từ buôn chạy đến những buôn khác thông báo về chuyện buôn mình đang xử phạt ai đó bằng hình phạt nặng nhất.
Bị đuổi ra khỏi làng tức những làng khác sẽ không công nhận và không cho tá túc. Mặt khác, sự ra đi đó đồng nghĩa với việc tội lỗi được lan truyền và nỗi nhục sẽ tăng lên. Người bị đuổi sẽ chết dần chết mòn ở một khu rừng nào đó khi không được cộng đồng công nhận.
Hình phạt đó bây giờ có vẻ nhẹ nhàng nhưng ngày xưa thì đó là hình phạt quá nặng cho người vi phạm những điều cấm kỵ. Xâm phạm mồ mả và thiếu thật thà là những điều cấm kỵ của người trong buôn.
Ha Trái, một hướng dẫn viên cộng đồng của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, cũng là con cháu của buôn Dưng Iar Giêng, bảo tổ tiên tạo ra luật và hình phạt nghiêm khắc vì họ muốn giữa rừng được sống thong thả như dòng suối.
Nhà nhà không phải làm hàng rào. Bao nhiêu đời luật vẫn còn được duy trì ở buôn này dẫu giờ chỉ còn những người già.
Bà Ka Huệ (71 tuổi), người phụ nữ già nhất làng, kể lại khi bà còn nhỏ từng chứng kiến một người đàn ông bị phạt vì lén dắt một con ngựa sang buôn Đạ Mur cách xa khoảng ba vạt rừng.
Bà còn nhớ như in giữa đống lửa lớn được đốt giữa buôn, người đàn ông bị bắt quỳ xin lỗi cả làng. Trưởng buôn hỏi ý mọi người rồi đuổi người ấy đi giữa đêm. Ông bị bịt mắt và bốn thanh niên dẫn ông ra khỏi làng đến một cánh rừng không có đường mòn.
Bà còn nhớ vợ con ông ấy khóc, nhưng khi hỏi có chịu hình phạt không thì họ gật đầu. Ba tháng sau người đàn ông ấy quay về, quỳ gối ở con suối gần buôn, người héo quắt. Ông xin được buôn cho trở về và hứa sẽ nộp vạ một con ngựa.
Bà Ka Huệ bảo người ấy còn may mắn, cha bà kể trước đó có người bị đuổi đi và tháng sau người ta tìm thấy xác giữa rừng. Bà lặng thinh giữa câu chuyện hồi lâu rồi nói tiếp: “May mắn tôi không phải chứng kiến câu chuyện này thêm lần nào nữa”.
Trưởng buôn Ha Moi Rơ Sac nói những hình phạt như đánh roi, phạt vạ cũng có ở người Cil nhưng có đánh đau đến mấy cũng là hình phạt nhẹ.
“Cái bụng mà xấu thì phải xử thật nặng. Thấy cháy nhà không dập, thấy người chết không cứu, ăn trộm của nhà khác là cái bụng hỏng mất rồi” - ông Ha Moi Rơ Sac nói.
Ông Ngọc Lý Hiển nói rằng tội trộm cắp được người Cil đánh giá con người ấy không còn uy tín với cộng đồng, nếu không loại bỏ sẽ làm làng bị thần linh quở trách, trừng phạt cả buôn đến tiệt nòi giống. Người tự đánh mất lòng tự trọng mang tội nghiêm trọng như xâm phạm mồ mả.
Những người trẻ là con cháu của buôn sống ngoài xã Đa Nhim vẫn duy trì luật tục nhưng có phần nhạt nhòa. Hình phạt đuổi đi khỏi làng và lấy lại tên họ không còn mấy ý nghĩa. Tuy nhiên, với những người già sống giữa rừng sâu, luật tục ấy vẫn mang một giá trị thiêng liêng.
Luật của người Cil tôn trọng sự uy tín đến tận cùng nên họ hứa giữ từng vạt rừng Bidoup - Núi Bà thì họ sẽ giữ cho bằng được. Khi Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà cần họ giúp sức hồi sinh, họ và con cháu đã ra tay...
__________
Kỳ tới: “Đội đặc nhiệm” giữ rừng
Các kỳ trước >> Kỳ 1: >> Kỳ 2: |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận