​Đuổi học sinh, thầy cô có yên lòng?

NGUYỄN HỮU NHÂN
NGUYỄN HỮU NHÂN

TT - Tin em H.T. - từng là học sinh ở trường tôi - bị đưa vào trường giáo dưỡng ba năm, số đông thầy cô đồng tình, thậm chí hả dạ. Riêng tôi thấy lòng không yên.

H.T. là học sinh lớp 7 nhưng do em từng lưu ban ở tiểu học một năm, lên trung học cơ sở lại lưu ban lần nữa nên sức vóc bằng một học sinh lớp 9.

H.T. không nhớ gì về người cha của mình vì người cha ấy đã bỏ mẹ con H.T. khi em chưa đầy 1 tuổi. Mười lăm năm đầu tắt mặt tối, mẹ H.T. mải lo cơm áo gạo tiền với công việc làm thuê nên không có thời gian chăm sóc, dạy bảo em.

Ngay từ nhỏ, sau thời gian ở trường em phải về phụ mẹ với công việc vận chuyển hàng hóa ngoài chợ. Sự gian nan để kiếm được đồng tiền và những chiêu trò lừa đảo, hà hiếp nhau nơi đầu chợ bến sông đã làm em sớm chai sạn trong tình cảm.

Quyển học bạ của H.T. toàn những nhận xét yếu, kém, khá lắm là trung bình. Em cũng đã mấy lượt chuyển trường vì thiếu cố gắng rèn luyện. Năm học lớp 7, H.T. đã làm thầy cô mất nhiều công sức dạy dỗ.

Do lớn tuổi và to con hơn nên thầy chủ nhiệm xếp em ngồi bàn cuối, nhưng thật sự là thầy muốn cách ly em ra khỏi các bạn và để thầy cô bộ môn hài lòng. Hình như quá quen với việc được xếp ngồi một mình ở bàn chót nên H.T. không lấy gì làm lạ.

Do mất nhiều thời gian phụ mẹ kiếm sống, H.T. gần như không chú ý đến việc học bài hay làm bài tập thầy cô giao. Những điểm 1 đầy trang vở không làm em lo buồn. Những nhận xét chê trách, phê bình... đầy sổ liên lạc chẳng có tác dụng gì với em. Nhà trường và thầy chủ nhiệm cũng chán nản vì phụ huynh chưa dạy con ngoan.

Quá mệt vì sinh kế, H.T. nhiều lần ngủ trong giờ học. Thầy cô bực bội, bắt thức dậy ra ngoài rửa mặt rồi mới cho vào lớp.

Hầu như tiết nào H.T. cũng bị thầy cô la mắng. H.T. không sửa sai. Thay cho những câu trả lời không được lễ phép, H.T. giờ đây hay ca hát nghêu ngao trong lớp mặc cho thầy cô đang giảng bài.

Em lại hay gây sự, đánh nhau với các bạn trong lớp, lập hẳn một nhóm mấy bạn trai chuyên hiếp đáp các bạn yếu thế. Thầy chủ nhiệm phê bình, cảnh cáo liên tục.

Cứ chào cờ đầu tuần là em được mời lên đứng giữa sân trường nhưng không hề thấy em run sợ gì cả. Mẹ em đã vào làm cam kết giáo dục con tiến bộ mấy lần nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Tôi ngạc nhiên vì cũng có một số giờ học em không có biểu hiện gì.

Trong những tiết học giáo dục công dân do tôi giảng dạy, tôi thấy em cũng bình thường như các em khác, nghĩa là vẫn lắng nghe những kiến thức thầy mang lại, cũng ghi bài đầy đủ. Trao đổi riêng, thậm chí lén xem truyện tranh cũng có nhưng khi thầy nhắc nhở, em có điều chỉnh.

Biết em thường bị la rầy ở các giờ khác, tôi kiềm chế, chỉ nhắc em nhẹ nhàng chứ không dùng lời nặng nề để phê phán. Tôi cũng không bắt em chép phạt khi không thuộc bài hay tịch thu truyện tranh mà em lén xem.

Tôi thông báo với lớp đối với H.T., thầy sẽ tạo điều kiện cho em có điểm tốt như được đăng ký trả bài vào giờ tới, thậm chí cho em chọn phần thuộc nhất vì H.T. không có điều kiện học tập như các bạn. Cả lớp nhất trí. Điểm số 7, 8 chưa phải cao nhưng tôi thấy em rất vui khi đạt đến trong môn học của tôi.

Thế nhưng, một lần trong tiết toán, do không làm bài tập như thầy yêu cầu và cũng không hoàn thành bài trên lớp, H.T. bị thầy bộ môn la mắng nặng lời. H.T. đã đứng dậy trả lời tay đôi với thầy và buông lời hăm dọa xúc phạm thân thể thầy. Thầy bộ môn giận, quyết đề nghị đưa ra hội đồng kỷ luật. Các thầy cô khác cũng đồng ý.

Chưa dừng lại ở đó, một hôm H.T. cự cãi với một thầy giáo khác khi bị phát hiện đang hù dọa một học sinh. Thầy giáo này đã bước đến nắm tay lôi em về văn phòng để giải quyết. Nào ngờ H.T. cắn mạnh vào tay thầy đến chảy máu và bỏ chạy khỏi trường.

Theo đề nghị của thầy chủ nhiệm, ban giám hiệu quyết định mở hội đồng kỷ luật để xử lý những vi phạm của H.T..

Buổi họp ấy, em có mặt cùng mẹ. Dù mẹ em đã hết lời năn nỉ cả khóc than xin cho con có cơ hội sửa đổi, dù H.T. đã nhận khuyết điểm, nhà trường vẫn quyết định buộc thôi học một năm.

Tôi là giáo viên duy nhất trong buổi họp ấy không đồng ý với mức kỷ luật nặng nề đó. Ra về, tôi chỉ biết động viên hai mẹ con rằng H.T. hãy cố gắng, năm sau vào học lại. Thật lòng tôi biết khó mà thấy em trở lại trường.

Sáu tháng sau ngày bị buộc thôi học, H.T. do tụ tập theo một nhóm thanh niên hư hỏng đã dính vào một số vụ gây rối, đánh nhau rồi tham gia trộm cắp tài sản của công dân. Căn cứ theo hành vi vi phạm và độ tuổi của H.T., cơ quan chức năng đã ra quyết định đưa em vào trường giáo dưỡng.

Những đồng nghiệp của tôi hình như thỏa mãn về quyết định buộc thôi học H.T. của nhà trường mà trong đó có ý kiến của tất cả thành viên, trừ tôi. Có người nói gần, nói xa: May mắn là đã đuổi nó chứ để lại thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra!

Tôi băn khoăn mãi. Đồng nghiệp của tôi ai cũng học qua sư phạm. Ai cũng biết giáo dục một học sinh thành người tốt rất khó. Kiên nhẫn, độ lượng, khoan dung và phải biết thông cảm với hoàn cảnh các em.

Nếu H.T. còn cha, nếu H.T. không phải theo mẹ lăn lộn nơi bến chợ đầu sông nếu H.T. có điều kiện tốt như các bạn và quan trọng hơn nữa là được thầy cô thương yêu thật sự, tận tình chỉ ra điều hay lẽ phải, em đâu phải chịu cảnh vào trường giáo dưỡng.

Nghĩ đến cảnh H.T. ôm gói đồ cá nhân bước lên xe về trường giáo dưỡng, lòng tôi quặn đau. Mẹ của em đã khổ vì mất chồng nay càng khổ vì xa con.

Tôi mong sao trước khi biểu quyết kỷ luật buộc thôi học một học sinh cho dù là chỉ một năm, nhà trường và các thầy cô hãy nghĩ đến còn cả một cuộc đời đằng sau mức kỷ luật đó. Không nên đẩy các em đến một số phận đau buồn vì những sai lầm của tuổi học trò.

Ai sẽ giúp em rèn luyện?

Khi buộc em thôi học, nhà trường có dặn dò: Về nhà phải rèn luyện đạo đức để năm sau trường sẽ thu nhận lại. Nhưng tôi không hiểu H.T. sẽ rèn luyện như thế nào và ai sẽ giúp em rèn luyện. Địa phương có quá nhiều công việc, không thể chú tâm đến một đứa trẻ như H.T..

Gia đình thì em đã có một gia đình đúng nghĩa đâu mà có người chăm sóc. Lẽ nào thầy cô đẩy em ra cho khuất mắt , không còn trách nhiệm bằng những lời sáo rỗng: tự rèn luyện, tự phấn đấu, trường sẽ chờ đón em quay lại…

Tại sao nhà trường, thầy cô không để em rèn luyện, trưởng thành ngay trong ngôi trường em đã từng mắc khuyết điểm? Tại sao nhà trường, thầy cô chối bỏ  nhiệm vụ giáo dục của mình mà đá quả bóng về một nơi khác là xã hội. Khi học sinh đã không còn xem nhà trường là nơi thân thiết thì quyết định buộc thôi học  cũng chẳng có ý nghĩa gì với các em.

NGUYỄN HỮU NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên