28/08/2016 11:00 GMT+7

Dưới cát là nước

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Vở kịch Dưới cát là nước của tác giả Nguyễn Quang Vinh khi được NSND Lê Hùng dàn dựng trên sân khấu Nhà hát kịch Quân đội (Hà Nội) mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc.

*** Error ***
Vở Dưới cát là nước với những thử nghiệm táo bạo - Ảnh: Đ.TRIẾT

Ngắn gọn - chưa đầy 90 phút, nhưng ngắn đến nghẹt thở. Dưới cát là nước tiếp tục là cuộc chiến tranh giữa hận thù và yêu thương trong tâm hồn bạo liệt đến tận cùng của những thân phận cát rất đỗi quen thuộc trong mỗi vở kịch của Nguyễn Quang Vinh (người luôn lấy cát làm bối cảnh: Cát trắng như gạo, Âm binh...).

Vở kịch gói gọn trong cuộc đời hai mẹ con - bà Nậy và Gió - sống ở một bến sông hun hút gió lào cát trắng cùng những đám cỏ lông chông. Suốt 30 năm, ngày ngày chở khách qua sông cũng là ngày ngày bà Nậy kiên nhẫn chờ đợi: đón đầu trả thù tên Lủi - kẻ vì cố săn một con thỏ lúc đói khổ mà phóng hỏa phá kho hàng nhà bà và đốt cháy chồng bà.

Tiếc thay, một cây cầu được bắc qua sông để con đò ấy, phận người ấy tròng trành, chao đảo trong nỗi oán hận đến tuyệt vọng. Để rồi cuối cùng Lủi cũng trở về trong nỗi trớ trêu của số phận...

Câu chuyện không mới, thậm chí rất đơn giản. Kéo theo đó là tuyến nhân vật cũng rất... nghèo nàn - chỉ có ba số phận chính cùng “nhân vật” thấp thoáng là cát. Không gian sân khấu tối giản với những “trảng cát” gỗ tượng trưng cùng bóng dáng con đò...

Vậy nhưng, Dưới cát là nước vẫn đủ sức cuốn hút, dẫn dắt người xem đi hết từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác bằng diễn xuất xuất sắc của nghệ sĩ. Mỗi nhân vật ở đây đều “ra tấm ra món” khi được thả sức sáng tạo trong đất diễn mênh mông và được tác giả, đạo diễn cố tình “vắt kiệt”.

Nhất là NSƯT Ngọc Thư khi vào vai bà Nậy đã kéo khán giả vào những nỗi đau đớn tức tưởi, nỗi hận thù quay cuồng để rồi cuối cùng bất ngờ thở phào trong tiếng nức nở của trái tim người mẹ. “Dù cuộc sống có nóng bỏng như cát nhưng dưới cát là nước - là tình yêu thương sẽ xóa nhòa mọi hận thù...” - tác giả Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

Cộng hưởng với cảm xúc là sự kỳ công về âm nhạc. Dưới cát là nước không sử dụng những bản nhạc được thu âm sẵn mà trực tiếp đưa cả dàn nhạc dân tộc nào đàn tam thập lục, đàn bầu, kèn, sáo, trống lên sân khấu theo kiểu chiếu chèo sân đình xưa.

Những bài ca da diết lòng người, Em tôi của Thuận Yến, Tre xanh ru của Quốc Trung, Lông chông à, lông chông ơi của Huỳnh Tú và điệu hò giã gạo cũng được thể hiện trực tiếp. Cứ thế, dàn nhạc, ca sĩ và những người cát trở thành dàn đế (như dàn đế trong chèo cổ) vừa tung vừa hứng với bà Nậy, Gió và Lủi.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên