Anh Cho cười hạnh phúc khi nhận được bò giống - Ảnh: TRẦN MAI
Bà Mai không chồng, nuôi 2 người cháu và mẹ già 94 tuổi nằm liệt giường. Bà kể về cuộc sống khốn khó của mình, quanh năm bám lấy đồng ruộng kiếm cái ăn. Cũng nhiều lần trong đời bà ao ước có con bò để nuôi, nhưng rồi cuộc vật lộn cho từng bữa ăn, con bò mãi chỉ là mơ ước.
"Chị mừng quýnh không biết nói gì luôn"
Chiều 11-8, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Quảng Ngãi mang 33 con bò giống đến xã Đức Hòa và Đức Phong trao cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn và kinh tế thêm khánh kiệt vì dịch bệnh, mưa lũ.
Bà Đoàn Thị Chút (50 tuổi, xã Đức Hòa) vuốt ve, nhìn con bò nở nụ cười. Bà Chút nói: "Chị mừng quýnh không biết nói gì luôn. Lần đầu tiên trong đời chị có một con bò". Người mẹ đơn thân này cả đời gồng gánh nuôi 2 con. Bà bảo trước đây từng đi làm thuê nhiều nơi để kiếm tiền, dịch COVID-19 ập đến, bà trở về quê nhà tiện tặn sống qua ngày.
Ngoài trao bò giống, báo Tuổi Trẻ cũng có những phần quà cho những hộ gia đình khó khăn - Ảnh: TRẦN MAI
Cuộc sống chật vật lại càng thêm khốn khó khi lũ về, mấy con gà là tài sản lớn chết chìm trong lũ. Bà Chút thú thật là chưa có chuồng trại, nhận bò về bà gửi nhờ bên nhà em trai, rồi tính toán mượn tiền hàng xóm làm chuồng. "Có bò giống rồi, tôi cố nuôi cho thật tốt, chừng năm sau là bỏ đẻ sẽ có tiền trả chi phí làm chuồng", bà Chút tính toán.
Anh Lương Văn Cho (37 tuổi, xã Đức Phong) bệnh tật liên tục, vợ anh cũng ốm đau triền miên. Nhiều lần anh lên xã xin vay tiền chính sách để chăn nuôi, xã cũng tạo điều kiện nhưng rồi bệnh tật cứ "níu" những tính toán làm ăn mãi nằm trong trí óc.
Anh Cao Lê Tùng Nghĩa - bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi - bảo rằng rất mừng khi bà con nói bò đẹp. Từ khi mua bò, để chắc chắn bò đạt chuẩn, anh Nghĩa phải nhờ cán bộ chăn nuôi có chuyên môn đi nghiệm thu. Kết quả phải loại bỏ 2 con bò "không được đẹp" và thay thế bằng 2 con bò khác - Ảnh: TRẦN MAI
Trước khi nhận bò, anh Cho đi hỏi cán bộ chăn nuôi, anh ghi chép kỹ "Bò dắt về nhà 1 giờ sau mới bỏ muối vào nước cho uống, đến tối sẽ cho ăn rơm khô và ít cỏ. Tuyệt đối không được cho ăn cháo, bò sẽ bị tiêu chảy…".
Anh Cho cũng chưa từng nuôi bò nên phải đi học để nuôi đúng cách. Chia sẻ dự định của mình, anh Cho nói "4 năm tới sẽ không bán bò con mà cố gắng tăng đàn. Chỉ có cách đó mới giúp gia đình anh thoát nghèo bền vững".
Chúng tôi sẽ có trách nhiệm với đàn bò báo Tuổi Trẻ tặng
Ông Phan Ngọc Tư - bí thư Đảng ủy xã Đức Hòa - chia sẻ xã có 12.000 người dân nhưng thực tế chỉ có 7.000 người đang sinh sống tại địa phương. Số còn lại đã tha phương mưu sinh. Nhắc đến số liệu thống kê này, ông Tư muốn kể câu chuyện khó khăn của xã mình, phần lớn bà con chỉ sống dựa vào ruộng lúa.
Đàn bò trao cho bà con đã được tiêm phòng các loại bệnh và đảm bảo các tiêu chí nuôi sinh sản - Ảnh: TRẦN MAI
"Hai năm dịch bệnh rồi lũ lụt, đời sống bà con cực kỳ khó khăn. Thật tâm, khi nghe báo Tuổi Trẻ tặng bò, tôi mừng lắm, triển khai anh em đi khảo sát. Nhưng rồi đâm lo khi danh sách báo về đến cả trăm hộ, mà chỉ 18 con bò được trao. Phải đắn đo loại người này, chọn người kia", ông Tư nói.
Gửi lời cảm ơn đến bạn đọc báo Tuổi Trẻ và các nhà hảo tâm, ông Tư cũng hứa sẽ cử cán bộ thường xuyên đến nhà theo dõi quá trình nuôi của bà con, bò có vấn đề gì sẽ hỗ trợ chăm sóc.
Bà Chút (50 tuổi, xã Đức Hòa) lần đầu tiên trong đời có con bò để nuôi - Ảnh: TRẦN MAI
Ông Trần Xuân Lâm - phó chủ tịch UBND xã Đức Phong - có những lời phát biểu chân tình rằng mỗi con bò gửi đến bà con là sự chia sẻ rất kịp thời của báo Tuổi Trẻ. Bệnh dịch tạm yên, lúc này bà con nhận bò là rất hợp lý để tạo sinh kế.
"Đây thật sự là một tàn sản lớn với bà con. Chính quyền địa phương và bà con cam kết sẽ nhân giống đàn bò, tạo sinh kế đúng với ý nghĩa của chương trình", ông Lâm nói.
Còn anh Cao Lê Tùng Nghĩa - bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi - nói rằng: "Hôm nay bà con ai cũng khen bò đẹp, cười hạnh phúc, tôi rất mừng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận