Ông Rich Lake, một nhân viên kỳ cựu của doanh nghiệp sữa chua Chobani của Mỹ - Ảnh: New York Times |
Theo New York Times, với một số nhân viên làm việc tại công ty này từ những ngày đầu tiên, giá trị cổ phần được sở hữu đã khiến một số người phút chốc trở thành triệu phú.
Ông Hamdi Ulukaya, một người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ ở Mỹ đã thành lập doanh nghiệp sữa chua Chobani năm 2005.
Ngày 26-4, 2.000 nhân viên làm việc toàn thời gian trong công ty đều nhận được một bức thư riêng. Trong đó ghi rõ họ được nhận bao nhiêu cổ phiếu của công ty do chính ông Hamdi Ulukaya trao tặng.
Chủ doanh nghiệp Chobani cho biết ông sẽ tặng các nhân viên số cổ phiếu có tổng giá trị lên tới 10% giá trị công ty khi Chobani chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán hoặc được bán lại cho một đối tác khác.
Mục đích của hành động này theo ông Hamdi không gì khác là chia sẻ sự thịnh vượng giữa ông và những người cộng sự đã chung lưng đấu cật gây dựng doanh nghiệp trong hơn mười năm qua. Hiện giá trị của Chobani được đánh giá ở mức 3-5 tỉ USD.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn về sự kiện này tại văn phòng ở Manhattan, ông Hamdi nói: “Tôi đã thành lập một công ty mà chưa bao giờ nghĩ nó sẽ thành công như hôm nay. Nhưng tôi sẽ không thể xây dựng được Chobani nếu không có tất cả những con người này. Giờ đây họ sẽ tiếp tục làm việc để phát triển công ty thêm nữa và cũng đồng thời xây dựng tương lai của họ”.
Mọi nhân viên của công ty Chobani đón nhận niềm vui bất ngờ vào sáng thứ ba, 26-4. Vì số cổ phiếu được ông Hamdi trao tặng cho mỗi người căn cứ vào thời gian cống hiến của họ nên những người có thâm niên lao động càng lâu thì cổ phần càng lớn.
Ông Rich Lake, một trong nhóm 5 nhân viên đầu tiên ông Hamdi tuyển dụng cho nhà máy ở New Berlin cho biết mặc dù món quà bất ngờ này có giá trị rất lớn, nhưng nó cũng sẽ không khiến cuộc sống của ông thay đổi nhiều vì ông vốn quen sống cần kiệm trước nay.
Dưới góc nhìn của ông Rich Lake, món quà của sếp là sự ghi nhận của người chủ doanh nghiệp với những gì ông và các nhân viên khác đã đóng góp cho Chobani.
Ông nói: “Điều đó tốt hơn một phần thưởng hay sự tăng lương. Đó là điều tốt nhất vì bạn được nhận một phần ở doanh nghiệp mà bạn đã góp công xây dựng”.
Hành động chia sẻ của cải của ông chủ doanh nghiệp Chobani đã chạm vào vấn đề kinh tế đang rất nóng trong xã hội Mỹ: khoảng cách ngày càng nới rộng về mức thu nhập giữa giới lãnh đạo và các nhân viên.
Mỹ là một trong những nước có khoảng cách này lớn nhất thế giới và đây cũng là nội dung nổi bật trong cương lĩnh tranh cử các các ứng cử viên tổng thống Mỹ năm nay, đặc biệt trong nhóm các ứng viên đảng Dân chủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận