Ngân hàng Nhà nước: sẽ chuyển giao bắt buộc bốn ngân hàng yếu kém
Trong báo cáo vừa gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội vào cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với bốn ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.
Theo đó, có ba ngân hàng được Nhà nước mua lại 0 đồng gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Ngân hàng còn lại là Đông Á Bank thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.
Như vậy, có thể thấy quá trình chuẩn bị cho phương án tái cơ cấu các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt sắp hoàn tất và bước vào giai đoạn triển khai.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước không nêu tên các ngân hàng sẽ nhận chuyển giao bắt buộc bốn ngân hàng nói trên.
Nhưng tại các kỳ đại hội đồng cổ đông năm 2023 vừa diễn ra tháng trước, lãnh đạo nhiều ngân hàng đã xác nhận việc đang chuẩn bị phương án nhận chuyển giao ngân hàng thương mại yếu kém.
Cụ thể, chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết Vietcombank đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém và trình lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chờ phê duyệt.
Còn ông Ngô Chí Dũng - chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank - cũng thông tin với cổ đông rằng VPBank là một trong bốn ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc.
Hai ngân hàng còn lại là MB và HDBank cũng cho biết đã đề xuất phương án tiếp nhận ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc với các cơ quan chức năng.
Một điểm chung của bốn ngân hàng Vietcombank, VPBank, HDBank và MB được tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, đó là những ngân hàng này có tiềm lực tài chính vững mạnh và quản trị chuyên nghiệp.
Vietcombank, MB hay VPBank hiện đang nằm trong nhóm những ngân hàng có quy mô vốn lớn và bảng cân đối tài chính lành mạnh.
Cuối tháng 3 vừa qua, VPBank đã hoàn tất thương vụ phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản, thu về gần 36.000 tỉ đồng, bổ sung đáng kể nguồn tiền cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi và tăng hệ số an toàn vốn của ngân hàng.
Cơ hội tăng trưởng nhanh
Câu hỏi mà cổ đông đặt ra cho lãnh đạo bốn ngân hàng lớn là cơ hội gì cho chính ngân hàng khi tham gia tái cơ cấu, nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là gì?
Theo ông Phạm Quang Dũng, chủ tịch Vietcombank, đây là một phần trách nhiệm, bởi chúng ta chỉ làm tốt trong một hệ thống ngân hàng ổn định.
Mặt khác, đây cũng là cơ hội cho Vietcombank. Với những hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo ra cho ngân hàng động lực mới, cơ hội phát triển mới trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thông tin sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng (room) cho với những ngân hàng tham gia tái cơ cấu.
Như vậy, trong bối cảnh cạnh tranh rất lớn giữa các ngân hàng, việc được cấp thêm hạn mức tín dụng rất có giá trị cho ngân hàng, nhất là trong bối cảnh "room" cho vay của nhiều ngân hàng bị hạn chế và nhu cầu vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh vẫn được dự báo tăng cao trong thời gian tới.
Đơn cử như VPBank, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng riêng lẻ VPBank trong năm 2022 đạt xấp xỉ 30%, thuộc nhóm cao nhất ngành ngân hàng.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc nằm trong nhóm bốn ngân hàng tham gia phương án tái cấu trúc một ngân hàng yếu kém giúp cho tổng hạn mức tín dụng được cấp của VPBank thuộc nhóm cao hơn trung bình ngành. Đây là động lực chính giúp tổng thu nhập từ lãi của nhà băng này lần đầu sẽ vượt 40.000 tỉ đồng.
"Chúng tôi kỳ vọng với đà tăng trưởng tín dụng tốt trong năm 2022 và động lực từ việc tiếp nhận chuyển giao bắt buộc sẽ mở ra cơ hội được cấp hạn mức tín dụng cao trong năm 2023 cho VPBank"- VCBS nhận định trong một bản báo cáo phân tích về VPBank mới đây.
Trong kế hoạch trình bày tại đại hội đồng cổ đông 2023, ban lãnh đạo VPBank đã đưa ra một bản kế hoạch kinh doanh khá mạnh tay. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 33%, gần 636.000 tỉ đồng và tăng trưởng huy động 41% với hơn 518.000 tỉ đồng.
Ở tầm nhìn dài hơn, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình hàng năm trong 5 năm tới lên tới 36% ở nhiều tiêu chí, như tín dụng 35%, huy động khách hàng 36%, lợi nhuận trước thuế 31% và vốn chủ sở hữu 25%.
Đại diện lãnh đạo VPBank cho biết, kế hoạch tăng trưởng trong 5 năm tới của ngân hàng không hề viển vông. Bởi kế hoạch này đã được tính toán cẩn thận dựa trên nhiều yếu tố, trong đó bao gồm cả yếu tố tiếp nhận một ngân hàng thuộc diện chuyển giao bắt buộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận