07/05/2018 09:17 GMT+7

Được cho mình mà phá hoại môi trường, đó là kiểu sống... 'trọc phú'

NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN
NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN

TTO - Nhiều người nước ngoài ý thức rất rõ họ phải tiêu dùng như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, họ rất xa lạ với kiểu sống “trọc phú” thích sưu tầm đồ gỗ quý hiếm như một cách để thể hiện đẳng cấp...

Được cho mình mà phá hoại môi trường, đó là kiểu sống... trọc phú - Ảnh 1.

Nhà của ông Herby Neubacher ở Nha Trang (Khánh Hòa) dùng ghế và tủ làm thủ công từ mây - Ảnh: NVCC

Thế giới của chúng ta sẽ hóa hoang mạc nếu không có rừng. Việt Nam có rất nhiều khu rừng xinh đẹp nhưng hiện nay nhiều khu rừng đã biến mất - cả những khu rừng phủ trên những ngọn núi, thay vào đó là những thửa đất trọc lóc, không có sự sống

Ông Herby Neubacher

* Ông Herby Neubacher (người Đức):

Nhà tôi dùng đồ nội thất bằng mây

herby neubacher  6-5 3(read-only)

Mỗi người đều có "gu" riêng của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ vì muốn khoe khoang sự giàu có và đẳng cấp mà phá hoại các nguồn tài nguyên giá trị của thế giới như dùng các loại gỗ quý hiếm để làm đồ nội thất thì "gu" đó chẳng hay ho gì!

Sống ở Việt Nam nhiều năm, tôi thấy không ít người Việt thường thích dùng tất cả những thứ mình có để chứng tỏ với mọi người xung quanh, ví dụ như "con tôi là thông minh nhất, xe tôi là to nhất, tôi có ba cái điện thoại...". 

Thật ra, việc muốn khoe "đồ nhà tôi toàn gỗ quý hiếm", về mặt tâm lý, có thể là biểu hiện của sự tự ti vì đến cái bàn, cái ghế cũng mang ra khoe!

Ở Đức, chính quyền quản lý nghiêm việc sử dụng các loại gỗ hiếm, ví dụ như gỗ từ các rừng mưa. Người ta không được phép dùng các loại gỗ đó để làm sản phẩm nội thất hay đồ dùng khác. Ở nước tôi, người ta thường dùng gỗ dẻ gai, gỗ sồi - những loại cây con người trồng để làm đồ gỗ và có khả năng tái tạo được.

Tại Đức, người dân được giáo dục rừng là một cơ quan giữ vai trò "hô hấp" của thế giới - được gọi là "lá phổi xanh" vì tái tạo không khí, đóng vai trò rất quan trọng trong vòng đời của thế giới. Và một điều nữa đó là nơi tuyệt vời để đi dạo, đồng thời là ngôi nhà của biết bao nhiêu loài động vật quý hiếm.

Hiện tại nhà tôi ở Nha Trang sử dụng đồ nội thất bằng mây và có độ bền tới hơn 10 năm. Ngoài ra, tôi cũng sử dụng đồ nội thất sơn mài được chế tác tại một số vùng núi ở Việt Nam. 

Một điều buồn cười là nhiều người đến từ châu Âu, thậm chí cả người Việt, đều nghĩ mấy đồ đó được nhập khẩu từ châu Âu! Tôi luôn phải giải thích là tất cả mọi thứ đều có nguồn gốc từ Việt Nam và được làm thủ công từ các loại gỗ có khả năng tái tạo được.

* Ông John Lim (người Singapore):

Chúng tôi dùng gỗ tếch, thông, sồi

john lim 6-5 3(read-only)

Ở Singapore, chúng tôi không có những khu rừng khổng lồ như Việt Nam. Tuy nhiên, các khu rừng ở Singapore đều được luật pháp bảo vệ nghiêm ngặt. 

Chúng tôi có đội ngũ kiểm lâm tuần tra những khu vực cần được bảo vệ thường xuyên, nhằm ngăn chặn việc khai thác gỗ hoặc săn bắt động vật bất hợp pháp. Những người vi phạm luật nếu bị bắt sẽ bị xử rất nặng.

Tại Singaopore, ngày nay chúng tôi không còn dùng gỗ để xây nhà nữa. Gỗ chỉ được dùng để trang trí. 

Tất cả đồ nội thất bằng gỗ, hoặc gỗ để làm đồ nội thất chúng tôi đều nhập từ bên ngoài. 

Ở Singapoe, chúng tôi dùng gỗ tếch, gỗ thông, gỗ sồi... - những cây trồng tái tạo được.

Chúng tôi cũng có một cơ quan chính phủ gọi là National Environment Agency (Cơ quan Môi trường quốc gia) có nhiệm vụ chăm sóc môi trường. 

Cơ quan này sẽ đưa ra các thông báo, quảng cáo, các đoạn phim giáo dục, các sự kiện giáo dục và triển lãm công cộng... nhằm nỗ lực giáo dục người dân bảo vệ môi trường. Tôi nghĩ điều này là hoàn toàn cần thiết bởi bất cứ điều gì xảy ra với môi trường đều ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.

Theo tôi, chính những người tiêu dùng thiếu ý thức và kém hiểu biết, muốn có đồ gỗ quý hiếm trong nhà để khoe mẽ đã khiến rừng bị tàn phá. 

Một khi rừng bị khai thác quá mức sẽ giết chết nhiều loài động vật vì chúng bị tước đoạt nơi sinh sống. Ngoài ra, điều này cũng dẫn đến hiện tượng nhiệt độ không khí tăng lên và gây xói mòn đất.

* Chị Boom Tatikarn (người Thái Lan):

Đừng thể hiện sự giàu có một cách kệch cỡm

Tôi quan tâm đến tính hợp pháp trong tiêu dùng. Ví dụ từ xưa, vào thời mà Chính phủ Thái Lan còn chưa ban hành các luật lệ nghiêm khắc về khai thác và sử dụng gỗ như hiện nay, nhiều gia đình ở Thái Lan có những bộ phản, giường hay tủ làm từ gỗ tếch và nhiều loại gỗ quý khác. Việc sở hữu này là hợp pháp.

Hoặc một số địa phương ở Thái Lan có rừng, người dân có thể làm đơn xin khai thác một số lượng gỗ nhất định cho mục đích làm nhà. Chính quyền cấp phép cho họ. Có điều họ chỉ được phép sử dụng, không được bán lại hay chở gỗ ra khỏi địa phương. Việc có nhà gỗ hay nội thất gỗ ở đây chỉ là để sử dụng, hoàn toàn chẳng phải để khoa trương.

Dư luận xã hội là một thước đo khá tốt cho những điều trái khoáy đôi khi vẫn xảy ra. Khi bạn giàu, đặc biệt nếu bạn là người nhà nước, việc bạn xài tiền thế nào rất cần được giám sát xã hội. 

Tôi ủng hộ người giàu có tự do hưởng thụ thành quả lao động hay tài sản của mình, nhưng việc xài tiền của họ phải không vi phạm pháp luật và không gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng.

Chẳng hạn, bạn có quyền trả giá cao để mua mảnh đất thật rộng làm nhà ở, nhưng bạn không có quyền dùng những cách thức xấu xa để ép người ta bán mảnh đất cho mình. Bạn có quyền ăn uống xa hoa, nhưng không phải những thứ vô nhân đạo, giết cả loài vật đang có nguy cơ tuyệt chủng để ăn cho sướng mồm!

Xét về đạo đức và văn hóa, tôi thấy nhiều người đã thể hiện sự giàu có của họ một cách kệch cỡm và trái khoáy. Tôi quan niệm nếu bạn trưng bày một cái sừng tê hay bộ ngà voi trong nhà mình thì chuyện đó chẳng sang trọng gì cả, nó chỉ cho thấy bạn thật man rợ!

NGỌC ĐÔNG - HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên